Theo quy định của Luật Lý lịch tư pháp (LLTP) năm 2009, nội dung tình trạng án tích tại Phiếu LLTP số 2 thể hiện cả những án tích đã được xóa của người từng bị kết án (theo quy định của pháp luật hình sự thì người được xóa án tích coi như chưa bị kết án). Do vậy, Phiếu LLTP số 2 chỉ được cấp cho cơ quan tiến hành tố tụng và cấp theo yêu cầu của cá nhân để người đó biết được nội dung về LLTP của mình.
Tuy nhiên, thực tiễn triển khai quy định này đã bị lạm dụng như việc một số cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài đã yêu cầu cá nhân là công dân Việt Nam và người nước ngoài có thời gian cư trú ở Việt Nam phải nộp Phiếu LLTP số 2 khi xin thị thực nhập cảnh hoặc làm một số thủ tục khác tại cơ quan đại diện. Một số cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và doanh nghiệp cũng yêu cầu cá nhân nộp Phiếu LLTP số 2 để xin giấy phép an ninh hàng không, chứng khoán, xin việc làm... dẫn đến số lượng hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu LLTP số 2 ngày càng gia tăng.
Nếu như thời gian đầu triển khai thi hành Luật LLTP, hầu hết cá nhân chỉ yêu cầu cấp Phiếu LLTP số 1 thì gần đây rất nhiều cá nhân yêu cầu cấp Phiếu LLTP số 2. Cá biệt tại Sóc Trăng, chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2016 có đến 60% hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu LLTP là Phiếu LLTP số 2. Điều này đã ảnh hưởng tới quyền được pháp luật bảo đảm bí mật cá nhân được quy định tại Hiến pháp năm 2013 và chính sách nhân đạo của pháp luật hình sự của Nhà nước ta, ảnh hưởng đến chủ trương tái hòa nhập cộng đồng đối với người đã từng bị kết án, đặc biệt là những người đã được xóa án tích, gây khó khăn cho cá nhân khi tham gia các quan hệ pháp lý.
Để giải quyết tình trạng lạm dụng Phiếu LLTP số 2 hiện nay, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích và bí mật đời tư của cá nhân, ảnh hưởng tới ý nghĩa nhân đạo của chế định xóa án tích, Giám đốc Trung tâm LLTP quốc gia Hoàng Quốc Hùng cho biết, cần thiết sửa đổi quy định của Luật LLTP về việc tiếp cận, sử dụng Phiếu LLTP số 2. Theo đó, sẽ quy định chặt chẽ hơn về hình thức của Phiếu, về đối tượng được quyền yêu cầu cấp Phiếu LLTP số 2.
Cũng liên quan đến quyền yêu cầu cấp Phiếu LLTP, theo quy định tại khoản 3 Điều 7 Luật LLTP năm 2009, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội có quyền yêu cầu cấp Phiếu LLTP để phục vụ công tác quản lý nhân sự, hoạt động đăng ký kinh doanh, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã. Quy định này của Luật LLTP phần nào hạn chế các cơ quan nhà nước trong triển khai các chức năng, nhiệm vụ quản lý của mình như tiến hành các thủ tục bổ nhiệm một số chức danh tư pháp (công chứng viên, luật sư, giám định viên tư pháp…).
Vì vậy, nhằm tạo thuận lợi hơn cho cơ quan nhà nước trong thực hiện chức năng quản lý của ngành, cơ quan, đơn vị, ông Hùng đề xuất mở rộng quy định về quyền các cơ quan nhà nước trong yêu cầu cấp Phiếu LLTP của cá nhân để phục vụ các yêu cầu quản lý nhà nước của ngành, cơ quan, đơn vị. Ngoài ra, cũng cần bổ sung quyền của cá nhân, cơ quan, tổ chức trong việc yêu cầu xác nhận LLTP là pháp nhân thương mại phạm tội để bảo đảm thống nhất, đồng bộ với pháp luật khác có liên quan.
Sau khi nghe báo cáo, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc yêu cầu các đề xuất sửa đổi phải làm sao tạo thuận lợi nhất cho người dân trong lĩnh vực này. Bên cạnh đó, Thứ trưởng đề nghị rà soát pháp luật khác có liên quan trong bối cảnh vừa qua có nhiều bộ luật, luật mới được ban hành. Đồng thời, Thứ trưởng lưu ý đây sẽ là văn bản thực hiện quy trình soạn thảo ban hành theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm năm 2015 nên đòi hỏi hồ sơ rất chặt chẽ.