Đây là thông tin được ông Đặng Thanh Sơn, Giám đốc Trung tâm LLTP quốc gia, Bộ Tư pháp “bật mí”. Báo Pháp luật Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn ông Đặng Thanh Sơn về ý tưởng rất mới này.
Được biết, Bộ Tư pháp đang triển khai nhiều giải pháp cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo thuận lợi cho người dân khi yêu cầu cấp Phiếu LLTP, xin ông cho biết cụ thể đó là các giải pháp gì?
- Bộ Tư pháp đang chủ trì phối hợp với Bộ Công an, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan liên quan xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án thí điểm cấp Phiếu LLTP qua bưu điện, qua mạng – cấp độ 3 của dịch vụ hành chính công trực tuyến.
Đề án này xuất phát từ chủ trương “đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là các thủ tục hành chính liên quan đến tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp, sinh hoạt của nhân dân”, đồng thời cũng xuất phát từ yêu cầu, đòi hỏi về tính tiện ích của dịch vụ hành chính công ngày càng cao trong việc thực hiện yêu cầu cấp Phiếu LLTP về phương thức gửi yêu cầu cấp Phiếu LLTP, nhận kết quả, đảm bảo thời hạn cấp Phiếu LLTP cho công dân theo quy định của pháp luật.
Đề án được triển khai ngay trên phạm vi cả nước hay mới áp dụng thí điểm tại một số địa phương, thưa ông?
- Căn cứ nhu cầu cấp Phiếu LLTP của cá nhân, cơ quan, tổ chức và điều kiện cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ thông tin, nguồn nhân lực thực hiện nhiệm vụ, Dự thảo Đề án xây dựng quy trình cấp Phiếu LLTP số 1, số 2 qua bưu điện, qua mạng để áp dụng thí điểm tại Trung tâm LLTP quốc gia và một số Sở Tư pháp chọn thí điểm. Dự kiến lựa chọn áp dụng thí điểm cấp Phiếu LLTP qua bưu điện, qua mạng tại Trung tâm và 5 Sở Tư pháp thành phố trực thuộc Trung ương là Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP.HCM, Cần Thơ; thí điểm cấp Phiếu LLTP qua bưu điện tại 3 Sở Tư pháp Bình Dương, Đồng Nai, Tiền Giang. Tuy nhiên, hiện còn có ý kiến cho rằng nên cân nhắc cho áp dụng thí điểm rộng rãi tại nhiều địa phương nếu như các địa phương đó có nguyện vọng được triển khai thực hiện thí điểm Đề án này và đáp ứng yêu cầu về cơ sở hạ tầng, ứng dụng công nghệ thông tin.
Phải chứng thực chữ ký khi yêu cầu cấp Phiếu qua bưu điện
Được biết hiện đang có một số địa phương cấp Phiếu LLTP qua bưu điện, tại sao lại phải tiếp tục thí điểm?
- Đúng vậy, trên thực tế đã có 7 Sở Tư pháp đang tiến hành cấp Phiếu qua bưu điện là Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố: Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ, Tiền Giang, Bình Dương, Đồng Nai và Khánh Hòa. Tuy nhiên, việc thực hiện yêu cầu cấp Phiếu LLTP hiện nay cho cá nhân, cơ quan tổ chức mới đang được tiến hành ở dịch vụ hành chính công trực tuyến mức độ 2. Nghĩa là biểu mẫu Tờ khai/văn bản yêu cầu cấp Phiếu LLTP được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp để cá nhân, cơ quan, tổ chức truy cập, in và sử dụng miễn phí. Cá nhân khi đến làm thủ tục yêu cầu cấp Phiếu LLTP được cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu LLTP cung cấp để sử dụng miễn phí 2 loại Tờ khai yêu cầu cấp Phiếu. Dù số lượng Phiếu được cấp trong 3 năm qua (khoảng 724 nghìn Phiếu) hơn hẳn lượng Phiếu được cấp suốt 10 năm trước đó nhưng mức độ 2 nói trên chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân về tính tiện ích của dịch vụ hành chính công trực tuyến, nhất là trong bối cảnh đất nước ta đang hội nhập quốc tế và khu vực ngày càng sâu rộng như hiện nay.
Đấy là chưa nói đến quá trình triển khai nảy sinh một số vướng mắc về thủ tục. Chẳng hạn, cá nhân không được ủy quyền cho người khác làm thủ tục cấp Phiếu LLTP số 2 nên đã gây khó khăn cho công dân, đặc biệt là các đối tượng sinh viên, học sinh đang du học, người Việt Nam đang sinh sống, công tác ở nước ngoài khi có yêu cầu cấp Phiếu LLTP số 2.
Vậy quy trình cấp Phiếu qua bưu điện sẽ khắc phục những hạn chế này ra sao?
- Dự thảo Đề án xác định cụ thể việc nộp hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu, nộp lệ phí, tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả Phiếu LLTP qua bưu điện. Theo đó, cá nhân, cơ quan, tổ chức nộp Tờ khai kèm theo bản sao có chứng thực các giấy tờ cần có trong hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu LLTP; nộp lệ phí yêu cầu cấp Phiếu LLTP qua tài khoản của cơ quan cấp Phiếu hoặc nộp trực tiếp tại cơ quan có thẩm quyền cấp Phiếu LLTP. Khi nhận kết quả Phiếu LLTP, cá nhân, cơ quan, tổ chức có yêu cầu cấp Phiếu được lựa chọn một trong hai hình thức là nhận trực tiếp hoặc nhận qua bưu điện. Việc quy định thủ tục tiếp nhận hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu và trả kết quả Phiếu như vậy nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, cơ quan, tổ chức có yêu cầu cấp Phiếu LLTP và phù hợp với quy định tại các Điều 45, 46 Luật LLTP và Điều 19 Thông tư liên tịch số 04/2012/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP.
Đáng chú ý, đối với hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu LLTP số 2 của cá nhân, để khắc phục hạn chế của vấn đề ủy quyền, người yêu cầu cấp Phiếu sẽ làm thủ tục chứng thực chữ ký của mình trên Tờ khai yêu cầu cấp Phiếu.
Hai phương án cấp Phiếu qua mạng
Đối với cấp Phiếu LLTP qua mạng, việc chưa có mô hình thực tế liệu sẽ gây khó khăn nào khi áp dụng thí điểm tới đây?
- Tính đến nay chưa có Sở Tư pháp nào cấp Phiếu LLTP qua mạng. Tuy nhiên, Sở Tư pháp TP.Hà Nội đã xây dựng đề cương chi tiết cho việc triển khai cấp Phiếu LLTP qua mạng (nộp hồ sơ qua mạng và trực tiếp đến nhận kết quả), hoặc Sở Tư pháp Đồng Nai đang lên kế hoạch phối hợp với Viễn thông Đồng Nai thực hiện việc trả lời kết quả cấp Phiếu LLTP qua tin nhắn. Ngoài ra, chúng tôi đã tìm hiểu, tham khảo kinh nghiệm của một số Bộ, ngành, cơ quan cũng đã thực hiện dịch vụ hành chính công trực tuyến cấp độ 3 trong giải quyết thủ tục hành chính như cấp hộ chiếu ngoại giao, công vụ của Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao; cấp hộ chiếu phổ thông của Công an TP.Hà Nội; đăng ký giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến giấy tờ nhà và đất của Sở Tài nguyên và Môi trường TP.Hà Nội; dịch vụ công trực tuyến trong giải quyết một số thủ tục hành chính tại TP.Hải Phòng.
Có điều, để phù hợp với tính chất của hoạt động cấp Phiếu LLTP, nhất là bảo đảm tôn trọng bí mật đời tư của cá nhân, chúng tôi dự kiến đề xuất hai phương án cấp Phiếu LLTP qua mạng.
Một là, cá nhân, cơ quan, tổ chức có yêu cầu cấp Phiếu LLTP đăng ký thông tin yêu cầu cấp Phiếu LLTP, điền form (mẫu) tờ khai trực tuyến, hoàn thiện hồ sơ và trực tiếp đến cơ quan có thẩm quyền cấp Phiếu nộp hồ sơ, lệ phí; người yêu cầu cấp Phiếu có thể lựa chọn một trong hai hình thức nhận Phiếu là nhận trực tiếp hoặc nhận qua bưu điện.
Hai là, người yêu cầu cấp Phiếu LLTP đăng ký thông tin yêu cầu cấp Phiếu LLTP, điền form (mẫu) Tờ khai trực tuyến và nộp hồ sơ trực tuyến (bản scan) qua hệ thống mạng đến cơ quan có thẩm quyền cấp Phiếu; nộp lệ phí yêu cầu cấp Phiếu qua tài khoản tạm gửi của cơ quan có thẩm quyền cấp Phiếu LLTP và trực tiếp đến nhận Phiếu (xuất trình bản chính các giấy tờ có trong hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu để đối chiếu). Phương án 1 mới chỉ dừng lại ở việc điền và gửi Tờ khai qua mạng, các giấy tờ cần có trong hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu LLTP vẫn phải nộp trực tiếp. Nếu làm theo phương án 2 thì mới bảo đảm đúng yêu cầu của dịch vụ hành chính công trực tuyến cấp độ 3 song nó đòi hỏi cả người yêu cầu cấp Phiếu và cán bộ giải quyết hồ sơ phải có trình độ tốt về tin học vì quá trình gửi và tiếp nhận hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu đều được tiến hành qua môi trường mạng. Nhưng dù sao đây mới là phương án thực sự cải tiến phương thức gửi và giải quyết hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu, giúp người dân không phải mất thời gian đi lại.
Việc thí điểm cấp Phiếu qua mạng đòi hỏi phải có được nhiều giải pháp đồng bộ mới có thể đáp ứng yêu cầu của loại hình dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3. Dự thảo Đề án đã tính đến các giải pháp đó chưa, thưa ông?
- Để thực hiện việc cấp Phiếu LLTP qua mạng, Dự thảo Đề án dự kiến đưa ra một số giải pháp từ các giải pháp về thể chế, về kỹ thuật, công nghệ, về nguồn nhân lực đến các giải pháp về công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong giải quyết thủ tục cấp Phiếu qua mạng và giải pháp về tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức của cá nhân, cơ quan, tổ chức có yêu cầu cấp Phiếu LLTP. Hơn nữa, trách nhiệm của các Bộ, ngành liên quan cũng được làm rõ gắn với từng nhiệm vụ cụ thể, bảo đảm cho việc triển khai Đề án khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Xin trân trọng cảm ơn ông!