Không suy giảm cấp độ khi đi vào biển Đông, siêu bão Haiyan (bão số 14) đang tiến nhanh về phía vùng biển nước ta. Tin mới nhất từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn TƯ, hồi 4h hôm nay (9/11) tâm bão Haiyan ở khoảng 12,5 độ Vĩ Bắc; 117,3 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 360km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 15, cấp 16 (tức là từ 167 đến 201km/giờ), giật trên cấp 17.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển nhanh theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 30 - 35km. Đến 4h ngày 10/11, tâm bão ở vào khoảng 15,2 độ Vĩ Bắc; 110,2 độ Kinh Đông, trên vùng biển các tỉnh Thừa Thiên Huế - Bình Định. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14, cấp 15 (tức là từ 150 đến 183 km/giờ), giật cấp 16, cấp 17.
Trong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng giữa Tây Tây Bắc và Tây Bắc, đi dọc theo các tỉnh Trung Bộ, mỗi giờ đi được khoảng 30km. Đến 4h ngày 11/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,1 độ Vĩ Bắc; 104,9 độ Kinh Đông, trên khu vực vùng núi các tỉnh Bắc Trung Bộ. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, cấp 10 (tức là từ 75 đến 102 km/giờ), giật cấp 11, cấp 12.
Trong khoảng 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng giữa Tây Bắc và Bắc Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, khu vực giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển giữa quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 10 - 12, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 14 - 16, giật trên cấp 17. Biển động dữ dội.
Siêu bão Haiyan diễn biến nguy hiểm khi vào vùng biển nước ta. (Ảnh: NCHMF) |
Theo báo cáo của Cơ quan thường trực Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, tính đến 11h ngày 8/11, Biên phòng các tỉnh, thành tuyến biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang đã phối hợp với gia đình chủ tàu, thuyền trưởng thông báo, hướng dẫn cho 85.249 phương tiện/385.392 người biết hướng đi của bão để chủ động di chuyển phòng tránh.
Về tình hình của các hồ chứa có nguy cơ, tổng hợp từ báo cáo của các tỉnh từ Thanh Hóa đến Bình Định hiện có 114 hồ chứa có hiện trạng yếu, trong đó nhiều hồ có đập bị thấm mạnh, tràn xả lũ bị vỡ lở xuống cấp như: Hồ Đồng Bể (Thanh Hoá), Khe Sặt, Thanh Thủy (Nghệ An), Đập Họ, Vực Rồng (Hà Tĩnh), Tôn Dung, Đá Bàn (Quảng Ngãi); Kim Sơn, Mỹ Đức, Hội Khánh (Bình Định).
Các tỉnh Tây Nguyên và Tổng công ty Cà phê có 51 hồ chứa có hiện trạng yếu, trong đó nhiều hồ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa bão, như: Đắk Hnia, Đắk Hniêng (Kon Tum), Đội 4, Hà Tam (Gia Lai), Đội 14 (Đắk Lắk), Thôn 2 (Lâm Đồng).