“Siêu dự án” Đại học Quốc gia Hà Nội: Vì sao 18 năm vẫn gần như “bất động”?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Dự án Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc là một dự án lớn của ngành Giáo dục với quy mô 1.000ha, tổng mức đầu tư lên đến gần 26 ngàn tỷ đồng. Nhưng sau hơn 18 năm triển khai, dự án mới chỉ hoàn thành được khoảng 10% kế hoạch.
Lối vào dự án Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc.
Lối vào dự án Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc.

Đây là thông tin đáng chú ý được đưa ra trong Báo cáo kiểm toán hoạt động xây dựng và việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư Dự án Đại học (ĐH) Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc vừa được Kiểm toán Nhà nước (KTNN) công bố.

21 dự án thành phần đều thực hiện dở dang

Dự án được quy hoạch xây dựng từ 1995, phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng từ 2002 và được Chính phủ thông qua báo cáo nghiên cứu tiền khả thi vào 2003.

Mục tiêu đầu tư dự án là nhằm xây dựng tại đây một trung tâm đào tạo ĐH, sau ĐH và nghiên cứu khoa học công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực chất lượng cao, đạt trình độ tiên tiến làm nòng cốt trong hệ thống giáo dục ĐH, làm cơ sở nghiên cứu cao cấp trọng điểm quốc gia.

Ngoài ra, việc đầu tư dự án cũng nhằm thực hiện chủ trương của Chính phủ trong việc di dời các trường ĐH ra khỏi trung tâm Hà Nội để giảm tải về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội cho khu vực nội thành, từng bước khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông trong nội thành.

Theo báo cáo kiểm toán vừa công bố, là dự án lớn với quy mô 1.000ha, gồm 13 dự án thành phần với với tổng nhu cầu vốn ước tính gần 26 ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên, đến thời điểm kiểm toán, dù đã hơn 18 năm kể từ khi được phê duyệt, dự án mới triển khai đầu tư được 6 dự án thành phần và đều đang thực hiện dở dang, chưa có dự án nào hoàn thành; chỉ đạt khoảng 10% kế hoạch.

Nhiều hạng mục hạ tầng như đường, vỉa hè... đã thi công hoàn thành nhiều năm nhưng do không đồng bộ, không đưa vào sử dụng đã bị xuống cấp. Thậm chí, đền bù giải phóng mặt bằng xây dựng khu tái định cư là dự án được ưu tiên đầu tư, dự kiến hoàn thành cuối 2010-2012 nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành để di dời người dân trong khu dự án ra ngoài, trả mặt bằng cho thực hiện dự án. Người dân đã nhận tiền bồi thường nhưng chưa có khu tái định cư nên vẫn sinh sống và canh tác trên đất dự án, khi triển khai thi công chủ đầu tư gặp rất nhiều khó khăn.

Hai nguyên nhân chính

Theo KTNN, có 2 nguyên nhân chính dẫn đến việc chậm tiến độ, chậm triển khai của toàn dự án là do thiếu vốn và do vướng mắc trong giải phóng mặt bằng (GPMB), tái định cư.

Ngoài ra còn một số nguyên nhân khác như: Nhiều lần chuyển đổi chủ đầu tư, thay đổi lãnh đạo Ban Quản lý dự án (BQLDA) dẫn đến mất rất nhiều thời gian ổn định về mặt tổ chức; năng lực kinh nghiệm, chuyên môn, nghiệp vụ của BQLDA và chủ đầu tư còn hạn chế; thay đổi điều chỉnh thiết kế; tính thiếu khối lượng trong tổng mức đầu tư dẫn đến phải thực hiện các thủ tục điều chỉnh.

Về nguyên nhân thiếu vốn, KTNN cho biết: Dự án từ khi được phê duyệt đến nay đã hơn 18 năm nhưng tổng số vốn cấp cho dự án chỉ chiếm khoảng 8% tổng mức đầu tư dự án (tổng nhu cầu vốn theo Quyết định phê duyệt Đề án quy hoạch tổng thể ước tính gần 26 ngàn tỷ đồng, tính đến thời điểm hết 2020 số vốn bố trí được hơn 2 ngàn tỷ đồng).

Về nguyên nhân liên quan GPMB, thực hiện tái định cư: Hiện dự án đang gặp vướng mắc về mức hỗ trợ khác cho các hộ dân được nhận đất tái định cư phải nộp tiền sử dụng đất; chồng lấn trên khu 23.97ha thu hồi thực hiện dự án thuộc UBND xã Tiến Xuân quản lý. UBND huyện Thạch Thất đã chỉ đạo các đơn vị tổ chức thống kê kiểm đểm 19,5ha/23,97ha (đạt 81,35%) nhưng chưa triển khai được các bước tiếp theo do chồng lấn với các quyết định thu hồi đất thực hiện dự án của Cty BMC, Cty Trường Giang.

Ngoài ra, 34 hộ dân đang sử dụng đất để làm nhà với khu đất triển khai thu hồi thực hiện dự án Công viên cây xanh số 6, Trung tâm Giáo dục Quốc phòng & An ninh, Viện Trần Nhân Tông. Hiện chưa có căn cứ để xác định được cụ thể được loại đất, thời điểm hộ được giao đất hay không nên các hộ không đồng ý cho kiểm đếm; có sự chồng lấn ranh giới dự án giữa đất dự án và đất của đơn vị quân đội, DN.

Về thực hiện dự án tái định cư, hiện dự án cũng chưa điều chỉnh quy hoạch 1/500 do chưa chuyển thu hồi được 6.000m2 đất của Trung tâm huấn luyện 334 (Tổng cục Kỹ thuật, Bộ Quốc phòng); chưa xác định được ranh giới đất với E916, F371 (Quân chủng Phòng không - Không quân); vướng mắc một phần đất của xã Cổ Đông (Sơn Tây). Một phần diện tích khoảng 1,3ha của NT1A vẫn chưa đưa vào quy hoạch xây dựng khu tái định cư.

Dự án cũng vấp phải vướng mắc về chính sách hỗ trợ tái định cư như: Với các hộ ở trên đất nông nghiệp đang bất cập giữa hai cơ chế chính sách tái định cư tại thời điểm Hà Tây và Hà Nội; với hộ làm nhà và ở trên thửa đất nông nghiệp, có 49 hộ được NTIA giao đất ở và đất sản xuất nông nghiệp nhưng không ở trên thửa đất ở được giao.

Theo đánh giá của cơ quan kiểm toán, với việc đầu tư dự án không đồng bộ như hiện nay không mang lại hiệu quả đầu tư của dự án. Về lâu dài có thể gây lãng phí vốn đầu tư khi các hạng mục trong dự án đã thi công đang từng ngày tiếp tục xuống cấp sau nhiều năm không được đưa vào sử dụng.

Đọc thêm