“Siêu lừa” Huyền Như đã “ẵm” cả ngàn tỉ đồng như thế nào?

(PLO) - Với thủ đoạn ngon ngọt, chi lãi ngoài cao nên chỉ trong thời gian ngắn, Huyền Như đã “dụ” được nhiều khách hàng “sộp” mang tiền qua ngân hàng Vietinbank- nơi Như đang công tác để gửi. Khi “con mồi sập bẫy”, Như đã dùng rất nhiều mánh khóe như giả chữ ký… để rút tiền ra sử dụng mục đích cá nhân.
Bị cáo Như và Tuấn tại phiên tòa
Bị cáo Như và Tuấn tại phiên tòa

Bác các đề nghị của luật sư ở phần thủ tục

Ngày 8/2/2018, TAND TP HCM đưa vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” gần 1,1 ngàn tỉ đồng do Huỳnh Thị Huyền Như (SN 1978, nguyên phó phòng Quản lý rủi ro Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) Chi nhánh TP HCM) và bị cáo Võ Anh Tuấn (SN 1972, nguyên cán bộ văn phòng VietinBank Chi nhánh TP HCM) ra xét xử.

Các bị hại được xác định trong vụ án này gồm có: Công ty Cổ phần Đầu tư Hưng Yên 200 tỷ đồng; Cty CP Đầu tư Thương mại An Lộc hơn 170 tỷ đồng; Cty CP Chứng khoán Phương Đông 380 tỷ đồng; Cty CP Bảo hiểm Toàn cầu 125 tỷ đồng và gần 210 tỷ của Cty CP Chứng khoán Saigonbank-Berjaya (SBBS). Trong số 5 doanh nghiệp trên thì tất cả đều là bị hại của Huyền Như. Riêng bị cáo Võ Anh Tuấn được xác định là đồng phạm với Huyền Như trong vụ chiếm đoạt của Cty Hưng Yên hơn 200 tỷ đồng.

Mở đầu phiên tòa, nhiều luật sư đã nêu lên một số vấn đề mong HĐXX quan tâm xem xét. Trong đó có luật sư đề nghị triệu tập điều tra viên, VKSND Tối cao… đến phiên tòa nhằm làm sáng tỏ một số vấn đề. Có luật sư đề nghị thay đổi tư cách tham gia phiên tòa của Vietinbank. Có luật sư đề nghị phải triệu tập thêm một số nhân vật...

Tuy nhiên, phía đại diện VKS cũng như HĐXX đều cho rằng không cần thiết vì suốt quá trình điều tra không có ai khiếu nại, lời khai của một số người liên quan cũng đã đầy đủ, việc xác định tư cách tham gia tố tụng với Vietinbank là người liên quan là đúng quy định…

Giả hàng loạt chữ ký để chiếm đoạt cả ngàn tỷ đồng

Cáo trạng vụ án thể hiện, tại phiên tòa sơ thẩm tháng 1/2014, TAND TP HCM đã tuyên mức án tù chung thân đối với Huỳnh Thị Huyền Như về 2 tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.

Tháng 1/2015, tại phiên tòa phúc thẩm, TAND Tối cao tại TP.HCM (nay là Tòa án nhân dân Cấp cao tại TP HCM) tuyên phạt Huỳnh Thị Huyền Như tù chung thân, đồng thời cấp phúc thẩm hủy một phần bản án sơ thẩm để điều tra lại vì cho rằng hành vi chiếm đoạt số tiền gần 1,1 ngàn tỷ đồng của bị cáo này có dấu hiệu của tội “Tham ô tài sản".

Kết quả điều tra cho thấy, từ năm 2007, Huyền Như vay trên 200 tỷ đồng của nhiều tổ chức, cá nhân với lãi suất cao để kinh doanh bất động sản tại một số địa phương, nhất là ở TP HCM, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đà Lạt, Quảng Nam...

Đến năm 2010, khi thị trường bất động sản đóng băng, Huyền Như kinh doanh thua lỗ, đồng thời phải trả lãi suất cao khiến Như không còn khả năng thanh toán các khoản nợ khổng lồ.

Để có tiền xoay xở khỏi “vũng bùn” đó, Như đã tìm mọi cách để có tiền. Khi biết các công ty có nhiều tiền nhàn rỗi, muốn gửi vào ngân hàng, Như nảy sinh ý định chiếm đoạt để trả nợ bằng nhiều thủ đoạn gian dối.

Theo đó, Như đã lấy danh nghĩa quyền trưởng phòng đi huy động tiền gửi cho cơ quan, trực tiếp gặp gỡ, thỏa thuận với những người môi giới, đại diện của 5 công ty trên. Như cho đối tác biết về việc nhận tiền gửi của các đơn vị này với lãi suất ưu đãi vượt lãi suất trần của Nhà nước quy định. Đồng thời, Như hứa hẹn trả cho người môi giới, đại diện các công ty trên số tiền chênh lệch ngoài hợp đồng. Thực tế Huyền Như trả tiền chênh lệch ngoài hợp đồng, tiền hoa hồng, môi giới bằng tiền cá nhân cho người môi giới và đại diện các công ty. Đây là hành vi được VKS xác định là thỏa thuận trái pháp luật.

Cụ thể, tin tưởng lời của Như, Cty Hưng Yên đã chuyển 537 tỷ đồng vào tài khoản mở tại Viettinbank. Thấy tiền của Cty Hưng Yên gửi về, Như đã làm giả 14 lệnh chi, ký giả chữ ký của Giám đốc Cty Hưng Yên trên các lệnh chi, chuyển toàn bộ số tiền này đến các tổ chức, cá nhân do Như lập ra hoặc mượn tài khoản rồi từ đó chuyển trả lãi suất cao mà bị cáo đã vay. Đến nay Như vẫn còn chiếm đoạt hơn 200 tỷ của Cty Hưng Yên.

Tương tự, 4 công ty còn lại cũng vướng “bẫy” của Như. Cụ thể khi các Cty này chuyển tiền vào, Như lập tức lập chứng từ, ký giả chữ ký của chủ tài khoản, sử dụng quyền trên hệ thống (là kiểm soát viên, Trưởng phòng giao dịch) trực tiếp thao tác chuyển tiền của các khách hàng đó đi trả nợ cá nhân của Như.

Bằng thủ đoạn đó, chỉ trong thời gian rất ngắn (từ tháng 5 đến tháng 9/2011), Huyền Như đã chiếm đoạt gần 1, 1 ngàn tỷ đồng của 5 công ty nêu trên. 

Đây là vụ án lớn, ảnh hưởng tới nhiều cá nhân và tổ chức, đặc biệt trong giới tài chính, ngân hàng. Vụ án cũng gây ra nhiều tranh cãi về mặt pháp lý. Có quan điểm cho rằng hành vi của Huyền Như cấu thành tội tham ô. Tuy nhiên cũng không ít người cho rằng đây là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản như Viện Kiểm sát truy tố, bởi khi đi huy động vốn, Huyền như đã có hành vi gian dối ngay từ đầu, âm mưu chiếm đoạt ngay từ đầu nên đến khi khách hàng gửi tiền vào liền lập tức bị Như sử dụng các thủ đoạn lập chứng từ, ký giả chữ ký của chủ tài khoản, sử dụng quyền trên hệ thống… nhằm chiếm đoạt tài sản.

Vụ án sẽ diễn ra đến hết ngày 12/2 (tức 27/12 âm lịch).

Đọc thêm