Siêu xe đắt hàng như tôm tươi ở Việt Nam

(PLO) - Mặc hàng tồn kho, mặc doanh nghiệp đóng cửa, mặc chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm thấp nhất trong vòng 13 năm qua, hai mặt hàng xe sang và điện thoại xịn vẫn đắt hàng như tôm tươi ở Việt Nam… Hãng nghiên cứu Knight Frank dự báo, trong 10 năm tới, Việt Nam có tốc độ tăng người “siêu giàu” cao nhất thế giới.
Dàn “chân dài” giới thiệu một mẫu xe sang mới của Mercedes
Dàn “chân dài” giới thiệu một mẫu xe sang mới của Mercedes
Các hãng xe ô tô đã làm một cuộc “lội ngược dòng” ngoạn mục so với phần còn lại của nền kinh tế trong nước khi vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng cao với doanh số bán hàng đáng mơ ước, trong điều kiện sức mua nói chung của cả nền kinh tế nhìn chung còn rất trầm lắng. 
Được mùa kỷ lục
Công ty Ôtô Toyota Việt Nam (TMV) cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2014, doanh số bán hàng các  mẫu xe của hãng này đạt 13.230  chiếc, tăng 10% (1.195 xe) so với cùng kỳ năm 2013. Trong tháng 5, doanh số bán của phân khúc xe du lịch đạt 1.459 xe, tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, mẫu xe Vios 2014 tiếp tục được khách hàng đón nhận nồng nhiệt với 706 xe được bán ra, chiếm 48% trong phân khúc xe du lịch của TMV, tăng 91% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là sản phẩm có doanh số bán cao nhất trong các mẫu xe do TMV sản xuất (CKD). 
Bên cạnh đó, doanh số bán của phân khúc xe thương mại đạt 1.343 xe, trong đó dẫn đầu về doanh số trong phân khúc này phải kể đến Fortuner với 664 xe và Innova với 509 xe. Đối với các mẫu xe do TMV nhập khẩu và phân phối (CBU), Hilux tiếp tục giữ vững vị trí dẫn đầu của mình trong tháng 5 với 92 xe được bán ra, chiếm 54% trong tổng doanh số bán các mẫu xe CBU.
Ford Việt Nam cũng vừa công bố doanh số bán hàng nửa đầu năm 2014 rất khả quan với doanh số bán hàng tháng 6 và quý 2 sáng sủa. Được dẫn dắt bởi nhu cầu mạnh mẽ của các dòng xe Fiesta, Transit, Everest và Ranger, tháng 6 là tháng bán hàng tốt nhất của hãng này với lượng bán ra đạt 972 xe và giúp quý 2 năm 2014 trở thành quý có doanh số bán hàng cao nhất kể từ quý 4 năm 2009, tăng 51% so với quý 2 năm 2013. 
Nửa đầu năm nay ghi nhận mức tăng ấn tượng 54% so với nửa đầu năm ngoái của Ford, đạt 5.264 xe bán ra. Các dòng xe dẫn đầu phân khúc là Ford Ranger và Transit ngày càng trở nên quen thuộc với người tiêu dùng Việt Nam khi doanh số bán hàng quý đạt cao nhất từ trước đến nay. Doanh số bán hàng của Ranger trong quý 2 đạt 954 xe, tăng 140% so với quý 2 năm ngoái. Doanh số bán hàng tháng 6 tăng 79% so với cùng kỳ năm trước, đạt 295 xe bán ra, giúp Ranger giữ vững vị trí là chiếc xe bán tải bán chạy nhất tại Việt Nam. Doanh số quý 2 của Transit cũng tăng mạnh 131%, đạt 919 xe bán ra. Kết quả tháng 6 của Transit đạt mức tăng trưởng ấn tượng với 306 xe bán ra, tăng 134% so với cùng kỳ năm ngoái. 
Trong nửa đầu năm nay, Ford đã mở rộng và nâng cấp một loạt các đại lý và chi nhánh mới ở Cần Thơ, Gia Lai, Mỹ Đình. Ford cũng đang lên kế hoạch mở rộng thêm một đại lý mới tại Bình Dương vào nửa cuối năm 2014, đưa mạng lưới đại lý và dịch vụ tại Việt Nam tăng lên 26 trên toàn quốc.
Đứng đầu Đông Nam Á
Thắng lớn như vậy nhưng theo Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam, tốc độ tăng trưởng sản lượng tiêu thụ của xe lắp ráp trong nước vẫn thua xe nhập khẩu. Năm tháng đầu năm nay, xe sản xuất nội địa “chỉ” đạt mức tăng trưởng ở mức 23% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi xe nhập khẩu đạt đến 75%!
Báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2014, tổng số tiền Việt Nam chi ra để nhập khẩu 25.000 ô tô nguyên chiếc đã lên tới 497 triệu USD (hơn 10.000 tỷ đồng), tăng lần lượt 44% và 53,9% về số lượng và tổng giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Đỉnh điểm là tháng 5 với 5.000 chiếc được đưa về nước, với giá trị kim ngạch lên tới 106 triệu USD.
Ngoài xe hơi đắt tiền, dù năm 2013 là một năm kinh tế đầy khó khăn nhưng người tiêu dùng Việt Nam vẫn mạnh tay chi hàng tỉ USD để sắm hàng triệu điện thoại di động đắt tiền. Theo thống kê do hãng nghiên cứu thị trường GFK công bố, năm 2013 số lượng điện thoại nhập khẩu tăng vọt, ước tính  Việt Nam tiêu thụ khoảng 17 triệu chiếc điện thoại di động, trong đó smartphone cao cấp chiếm khoảng 7 triệu chiếc. 
Tốc độ tăng trưởng của thị trường smartphone tại Việt Nam đạt 156% so với cùng kỳ năm ngoái, đứng đầu khu vực Đông Nam Á. Dù là một nước còn nghèo nhưng viễn thông ở Việt Nam được xếp vào nhóm quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Thật khó tin khi hiện nay trung bình một người dân Việt Nam sở hữu đến 1,4 chiếc điện thoại, và trong số này gần một nửa là smartphone cao cấp.
Báo cáo Thịnh vượng 2014 (Wealth Report 2014) do Hãng nghiên cứu Knight Frank công bố cũng cho thấy, châu Á sẽ xuất hiện nhiều người “siêu giàu” trong 10 năm tới, trong đó Việt Nam có tốc độ tăng người “siêu giàu” dự đoán 166%, cao nhất thế giới, đạt 293 người; tiếp theo là Indonesia với 1.527 người, tăng 144%; Bờ Biển Ngà với 54 người, tăng 116%. Theo định nghĩa của Knight Frank, giới “siêu giàu” gồm những người có tài sản ròng từ 30 triệu USD trở lên.
Theo một chuyên gia kinh tế, số người “siêu giàu” thực tế ở Việt Nam còn có thể cao hơn dự báo này rất nhiều. Không chỉ “siêu giàu”, Việt Nam cũng đã có tỉ phú đô la.

Đọc thêm