Gần 4 tháng, với vài chục lần đi lại Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Đắk Lắk nhưng Giám đốc Công ty TNHH vận tải Việt Thanh (thường gọi là Nhà xe Việt Thanh, có địa chỉ tại thôn 9, xã Cư ni, Huyện Ea Kar, Đắk Lắk) vẫn không xin được giấy phép.
Công ty TNHH vận tải Việt Thanh (gọi tắt là: Cty Việt Thanh) đã hoạt động kinh doanh vận tải hành khách trong Hợp tác xã vận tải Ea Kar từ hơn 7 năm nay. Tháng 3/2016 do lỗi “Không kết nối dữ liệu giám sát hành trình vào hệ thống” nên nhà xe bị Sở GTVT thu phù hiệu.
Hết thời hạn thu phù hiệu (7 ngày), Cty đến sở để xin lại phù hiệu nhưng không được giải quyết. Đầu tháng 4/2016, Cty làm thủ tục đăng ký kinh doanh vận tải tách khỏi Hợp tác xã vận tải Ea Kar nhưng đến sở thì chỉ nhận được điệp khúc “chờ và đợi”.
Cố tình “đá bóng” trách nhiệm?
Để trang trải nợ ngân hàng và trả lương cho tài xế, trong tháng 5/2016, Cty đã phải bán đi 1 xe ô tô. Do quá bức xúc vì bị ngâm hồ sơ quá lâu và nhiều lần “van xin” lãnh đạo phòng ngành vận tải không được nên ngày 8/8/2016, Giám đốc Cty đã làm đơn gửi đến Chủ tịch UBND tỉnh và Giám đốc Sở GTVT Đắk Lắk.
Theo nội dung đơn phản ánh của đại diện Cty Việt Thanh: đầu năm 2016 trong quá trình tham gia kinh doanh vận tải hành khách, một số xe của Cty Việt Thanh – thuộc HTX vận tải Ea Kar có một số lỗi vi phạm về trật tự an toàn giao thông. Tháng 3/2016, xe của Cty bị Sở GTVT thu phù hiệu vì lỗi: “Không kết nối dữ liệu giám sát hành trình vào hệ thống”, do ông Lữ Minh Thanh – Chủ nhiệm HTX vận tải Ea Kar trực tiếp thu.
Sau đó phù hiệu xe được ông Thanh nộp lại cho lãnh đạo phòng vận tải, thuộc Sở GTVT Đắk Lắk. Lỗi này sau đó đã được công ty khắc phục. Hết thời hạn bị tạm giữ phù hiệu xe theo luật định, đại diện công ty tới phòng vận tải làm thủ tục xin nhận lại phù hiệu để hoạt động nhưng không được giải quyết. Trong khi đó, theo quy định thì lỗi trên bị tạm giữ phù hiệu xe 7 ngày. Do không có phù hiệu nên xe của Cty Việt Thanh không thể ra đường.
|
Trịnh Ngọc Quang – tài xế Nhà xe Việt Thanh: 60 tài xế và phụ xe 4 tháng nay mất việc làm nên gia đình rất khó khăn |
Tháng 4/2016, đại diện Cty Việt Thanh mang hồ sơ đến phòng vận tải để xin làm thủ tục cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô cho công ty (tách khỏi HTX vận tải Ea Kar). Sau hàng chục lần đến phòng vận tải, đến ngày 4/7/2016, bộ phận nhận và trả kết quả của Sở mới viết cho đại diện Cty một mảnh giấy nhận hồ sơ của công ty nhưng không theo đúng mẫu quy định.
Trong khi, theo quy định tại Điều 22, Nghị định 86/2014/NĐ-CP ngày 10/9/2014 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô thì, thời gian giải quyết cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô chỉ là 5 ngày làm việc.
Càng khó hiểu hơn khi sau 4 lần bổ sung hồ sơ theo yêu cầu của ông Lê Đình Minh – phó phòng vận tải, Cty vẫn chưa thể lấy được giấy phép. Đến ngày 26/7/2016, ông Minh đưa cho giám đốc Cty Việt Thanh công văn số 1092/SGTVT-VT. Nội dung công văn có đề cập đến việc xin ý kiến phòng cảnh sát giao thông (CSGT) CA tỉnh Đắk Lắk về việc cấp đăng ký kinh doanh vận tải và phù hiệu chạy xe cho Cty Việt Thanh.
Công văn số 630/PC67 ngày 1/8/2016 của phòng CSGT phúc đáp công văn 1092 của Sở GTVT nêu rõ: “Về việc cấp giấy phép kinh doanh vận tải cho Công ty TNHH Vận tải Việt Thanh thuộc thẩm quyền của Sở GTVT, phòng CSGT không có ý kiến về nội dung này”. Câu hỏi đặt ra là, tại sao biết rõ, việc cấp phép thuộc thẩm quyền, chức năng của mình nhưng Sở GTVT Đắk Lắk lại “cố tình” không giải quyết, gây khó khăn cản trở doanh nghiệp?
“Hồ sơ của mày vào sổ đen rồi”
Quá bất bình trước cách làm việc của Sở GTVT, có nhiều biểu hiện của việc “hành” doanh nghiệp, ngày 8/8/2016, Cty Việt Thanh quyết định viết đơn phản ánh kiểu làm việc kỳ lạ của ông Lê Đình Minh – Phó Phòng Vận tải gửi Chủ tịch UBND tỉnh, Giám đốc Sở GTVT và một số cơ quan chức năng của tỉnh.
Ngay lập tức, ngày 9/8/2016, đại diện Cty nhận được tiếp một phiếu hẹn khác của Sở GTVT, hẹn Cty ngày 14/8/2016 đến sở nhưng không nói rõ đến để làm gì (?). Chiều ngày 11/8, ông Minh hẹn ông Đào Văn Thanh (thông qua một người khác) đến một quán cà phê ở trung tâm TP. Buôn Ma Thuột để nói chuyện.
|
Ông Hồ Thanh Tân, Chủ tịch Hội doanh nghiệp Ea Kar bức xúc: “không thể để Công ty chết yểu mãi như thế này được”. |
Tại đây ông Minh luôn nêu lý do là tại “sếp” không đồng ý chứ ông Minh không gây khó khăn gì cả. Ông Minh còn đưa cho ông Thanh xem tờ giấy phép đã in sẵn chỉ còn trình sếp ký là xong và nói với ông Thanh: “Thôi đừng đưa báo chí vào nữa….tao giết mày tao được cái gì…m.tao làm cho mày lâu lâu mày còn mời được ly cà phê chứ…đ.mẹ tao được cái gì. Nhưng hồ sơ này của mày dạng bị đưa vào sổ đen rồi…”.
Cải cách hành chính luôn xếp ở vị trí áp chót
Những năm qua UBND tỉnh Đắk Lắk đặc biệt coi trọng đến nhiệm vụ cải cách hành chính. Theo kết quả công bố xếp hạng chỉ số cải cách hành chính năm 2015 của UBND tỉnh Đắk Lắk thì Sở Giao thông vận tải xếp thứ 22/25 khối cơ quan nhà nước cấp tỉnh. Trước đó, năm 2014 Sở Giao thông vận tải cũng là một trong 3 đơn vị có chỉ số cải cách hành chính thấp nhất tỉnh.
Hy vọng, UBND tỉnh Đắk Lắk sẽ sớm chỉ đạo Giám đốc Sở Giao thông vận tải làm rõ sự việc này và xử lý nghiêm những cán bộ, công chức đã để xảy ra tình trạng trên, đồng thời sớm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Nội dung câu nói của ông Lê Đình Minh khiến cho đại diện doanh nghiệp không khỏi lo sợ, bất an vì cả khối tài sản lớn của doanh nghiệp có nguy cơ phải thanh lý, công việc kinh doanh không biết sẽ đi về đâu?.
Trong khi đó, từ ngày 4/7/2016, trước mặt ông Đào Văn Thanh, tại phòng làm việc, ông Đỗ Bình Chính – Phó Giám đốc Sở GTVT từng chỉ đạo ông Lê Đình Minh giải quyết cấp giấy phép cho Cty Việt Thanh.
Đúng ngày hẹn, ngày 14/8, sau hơn 4 tháng chờ đợi, vợ chồng con cái giám đốc Cty Việt Thanh lại một lần nữa từ trung tâm huyện Ea Kar lên Sở GTVT. Nhưng chờ “dài cổ” từ 8h sáng đến 11h trưa không thấy bất kỳ cán bộ, công chức nào của phòng tiếp nhận và trả kết quả của Sở GTVT đến làm việc.
Ông Thanh vào phòng bảo vệ của Sở GTVT hỏi thì được nhân viên bảo vệ cho biết: hôm nay là ngày chủ nhật nên cơ quan không làm việc. Mặt khác xem kỹ nội dung trong phiếu hẹn rất sơ sài, không ghi rõ ràng là hẹn ngày 14/8/2016 đến sở để làm gì.
Ông Thanh cho rằng: Cty Việt Thanh mới xin cấp giấy phép kinh doanh vận tải lần đầu tiên, những năm trước xe của Cty tham gia hoạt động trong HTX Vận tải Cư Jút (Đắk Nông) và HTX Vận tải Thống nhất của TP.Hồ Chí Minh. Chính vì vậy, trước đây một số xe mang hiệu Nhà xe Việt Thanh vi phạm TTATGT thì 2 HTX cũng có trách nhiệm chứ không thể chỉ quy trách nhiệm cho mình Cty Việt Thanh như văn bản của Sở GTVT được.
Hội doanh nghiệp Ea Kar bức xúc
Ngày 13/8/2016 ông Hồ Thanh Tân - Chủ tịch Hội doanh nghiệp Ea Kar cho biết: “Hội thường xuyên theo sát sự việc và đã từng 3 lần trao đổi với Giám đốc Cty Việt Thanh là để hội gửi văn bản đến các cơ quan chức năng làm rõ những khuất tất, tắc trách đằng sau sự việc này, không thể để tài sản trị giá hàng chục tỷ đồng của doanh nghiệp ngày một hư hỏng xuống cấp, người lao động mất việc làm mãi như thế này được, phải phản ánh cho các đồng chí lãnh đạo tỉnh biết. Nhưng lần nào, ông Giám đốc Cty Việt Thanh cũng luôn khuyên can: “thôi bác Tân vì mình còn làm ăn nữa”.
Ngày 14/8, sau khi nghe vợ chồng ông Thanh kể lại việc đến Sở GTVT theo như phiếu hẹn mà không có ai làm việc. Ông Tân bức xúc điện thoại cho PV: “Đến mức này thì không thể để doanh nghiệp chết yểu mãi được."
|
Theo giấy hẹn, ngày 14.8.2016 sau khi chờ cả buổi sáng tại Sở GTVT, gia đình ông Đào Văn Thanh đành phải ra về tay không vì không có ai làm việc . |
Ông Tân cũng nhận định: “Vụ việc có dấu hiệu của sự cạnh tranh không lành mạnh trong sự việc này”.
Ngày 16/8/2016 lãnh đạo Sở GTVT tỉnh Đắk Lắk cho biết: “Sở đã ký giấy phép kinh doanh vận tải cho Cty Việt Thanh. Việc chậm giải quyết thủ tục cấp giấy phép cho Cty mà không thông báo bằng văn bản cũng như việc viết phiếu hẹn không theo mẫu, lại hẹn vào ngày chủ nhật đều là sai quy định. Lỗi này thuộc các bộ phận chuyên môn liên quan.
Sở đã chỉ đạo kiểm điểm các cán bộ, công chức liên quan một cách nghiêm túc, tùy theo tính chất mức độ vi phạm để xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Về phía Cty cũng có lỗi trong việc hoàn tất thủ tục hồ sơ còn chậm”.
Tuy nhiên, về việc bổ sung hồ sơ, Giám đốc Cty Việt Thanh khẳng định với PV: “Đơn vị nhiều lần nhận được yêu cầu bổ sung hồ sơ từ ông Lê Đình Minh, nhưng không phải theo phiếu hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ như Sở GTVT đã niêm yết công khai mà chỉ là một tờ giấy A4 với vài gạch đầu dòng, mỗi lần hướng dẫn lại có thêm nội dung khác. Trong khi hồ sơ của chúng tôi rất nhiều đơn vị kinh doanh vận tải và ngay cả một số cán bộ trong Sở GTVT cũng cho biết là rất đầy đủ so với hồ sơ của các đơn vị khác”.
Với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, sáng 18/8/2016, Cty Việt Thanh đã nhận được Giấy phép kinh doanh do Sở GTVT cấp nhưng điều “oái ăm” là trong hồ sơ xin cấp giấy phép ghi địa chỉ Cty tại huyện Ea Kar, nhưng giấy phép lại ghi là tại huyện Krông Pắk?!
Báo Câu chuyện Pháp luật sẽ tiếp tục theo dõi, phản ánh.
Phòng vận tải từng có nhiều sai phạm
Theo tìm hiểu, tháng 8/2015, Giám đốc Sở GTVT từng ký kết luận, kiểm điểm trách nhiệm, xử lý vi phạm theo quy định đối với trưởng, phó phòng vận tải. Kết luận nêu rõ hàng loạt sai phạm, khuyết điểm như:
Phòng Vận tải chưa thực hiện đánh giá định kỳ việc duy trì điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo quy định của Bộ GTVT (như: Hợp tác xã vận tải du lịch Đắk Tour, Công ty xe khách Buôn Ma Thuột không đảm bảo điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; 7 đơn vị kinh doanh vận tải không duy trì đủ phương tiện cho tuyến theo phương án kinh doanh đã đăng ký khai thác).
Các sai phạm khác của phòng vận tải như: Không thực hiện việc niêm yết các thông tin trên Trang thông tin điện tử của Sở GTVT theo quy định của Bộ trưởng Bộ GTVT; Không chủ trì, phối hợp với Hiệp hội Vận tải ô tô tại Đắk Lắk tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho người điều hành vận tải thuộc các đơn vị vận tải trên địa bàn theo quy định; Không chỉ đạo, giám sát công tác tập huấn nghiệp vụ và các quy định của pháp luật cho đội ngũ lái xe kinh doanh vận tải, nhân viên phục vụ trên xe theo quy định; Không kiểm tra, cập nhật, đảm bảo tính chính xác của các dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình (GSHT) do các đơn vị kinh doanh vận tải hoặc đơn vị cung cấp dịch vụ GSHT; không thực hiện trách nhiệm quản lý theo dõi, khai thác và sử dụng dữ liệu từ thiết bị GSHT của các tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định. (VD: Thiết bị giám sát hành trình của các xe thuộc Hợp tác xã Vận tải Du lịch Đăk Tour không có dữ liệu).
Tạo mọi điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp
Trong Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2016 mới đây, người đứng đầu Chính Phủ đã nêu lên 10 giải pháp cho việc phát triển doanh nghiệp, trong đó nhấn mạnh: Nhà nước bảo vệ quyền lợi chính đáng, đảm bảo quyền kinh doanh của doanh nghiệp, DN được kinh doanh tất cả các lĩnh vực pháp luật cho phép.
Chính phủ cam kết đẩy mạnh xây dựng thể chế và môi trường thuận lợi cho nhà đầu tư và DN, giải quyết triệt để các vấn đề liên quan tới cấp thủ tục đầu tư, đăng ký doanh nghiệp, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp.
Thủ tướng cũng yêu cầu cải cách và nâng cao chất lượng các quy định về điều kiện kinh doanh. Tập hợp rà soát các quy định về điều kiện kinh doanh theo hướng đơn giản hóa, loại bỏ quy định không còn phù hợp, nghiêm cấm ban hành các quy định trái luật, ban hành không đúng thẩm quyền; đổi mới tư duy, phương pháp quản lý nhà nước theo hướng các doanh nghiệp được làm những gì pháp luật không cấm. Bỏ cơ chế xin - cho sang áp dụng cấp phép tự động rồi hậu kiểm. Thanh tra kiểm tra, giám sát hướng tới mục tiêu doanh nghiệp phát triển.