Biết sai nhưng vẫn làm
Hội Làm vườn Hải Phòng khi mới thành lập không có trụ sở để làm việc, toàn bộ hoạt động của Hội nhờ tại nhà riêng của ông Nguyễn Đình Nhiên. Do đó, Hội làm công văn đề nghị UBND TP. Hải Phòng xin thuê đất để xây dựng trụ sở.
Ngày 7/5/2002, UBND TP Hải Phòng ban hành quyết định phê duyệt kinh phí 59.686.666 đồng để đền bù thiệt hại về đất và tài sản trên đất khi thu hồi giao cho Hội làm vườn Hải Phòng với tổng diện tích 1.278,5m2 xây dựng trụ sở làm việc tại phố Văn Cao, quận Ngô Quyền.
Đúng ngày TP. Hải Phòng ra quyết định phê duyệt kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng thì Hội Làm vườn Hải Phòng cũng ra ngay Nghị quyết về quy hoạch tổng thể, nào là xây dựng: hội trường; nhà khách; nhà làm việc; nơi trưng bày hiện vật VAC; nhà dạy nghề; khu dịch vụ kỹ thuật; khu chế biến nông sản; trồng dải cây xanh, cây ăn quả lâu năm nhằm cải tạo môi trường đẹp cảnh quan; đào ao có diện tích khoảng 100m2 để điều tiết khí hậu…
Nghị quyết là vậy, nhưng thực tế không có dải cây xanh, không có ao để điều tiết khí hậu, chẳng có khu dịch vụ kỹ thuật mà thay vào đó là nhà ở cao tầng, biệt lập cho 5 cán bộ của Hội.
Ông Nguyễn Xuân Sang, Chủ tịch Hội Làm vườn Hải Phòng giãi bày: “Tôi mới làm Chủ tịch Hội. Việc đề nghị chuyển đổi đất cấp cho Hội thành đất ở đã có từ lâu rồi, tôi đành chấp nhận ủng hộ anh em của Hội thôi. Còn việc cấp hay không cấp là do thành phố. Tôi mà không ủng hộ thì cũng khó lắm, biết làm thế nào được. Việc xin chuyển đổi như vậy, tôi thừa nhận như thế là sai. Tôi từng là cán bộ Ban Tổ chức chính quyền thành ủy, nay tôi đã nghỉ hưu nên anh em mới mời tôi về làm Chủ tịch Hội”.
Trao đổi với phóng viên, Ông Lê Đức Tùng - Trưởng phòng quản lý đô thị quận Ngô Quyền cho biết: “Hội làm vườn Hải Phòng cả 5 hộ xây dựng nhà không phép. Diện tích đất 5 hộ này nếu chuyển thành đất ở sẽ không phù hợp với quy hoạch của quận và thành phố đã phê duyệt. Nếu thành phố đồng ý chuyển đổi thành đất ở cho 5 hộ này thì buộc phải điều chỉnh lại quy hoạch cục bộ đối với quận Ngô Quyền…!”.
Theo lời ông Tùng, trong hồ sơ của Hội làm vườn Hải Phòng, việc xây dựng nhà ở trái phép không hề có một một biên bản nào xử phạt hành chính hoặc quyết định cưỡng chế công trình xây dựng trái phép tại Hội làm vườn từ khi ông nhận bàn giao.
Đất công bị biến thành đất ở. |
Sở Tài nguyên và Môi trường yêu cầu xử lý nhưng lại "đổi ý"!?
Biết rõ quyết định giao đất cho Hội làm vườn TP.Hải Phòng là để phục vụ hoạt động của hội chứ không phải giao đất để làm nhà ở. Nhưng năm 2007, khu đất này trở thành đất vàng của TP.Hải Phòng, Hội làm vườn TP.Hải Phòng có Văn bản số 43/HLV xin chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở đối với 5 trường hợp nêu trên gửi tới nhiều cơ quan chức năng, nhưng không được các cơ quan chức năng đồng ý.
Sau đó, Hội làm vườn TP. Hải Phòng lại có văn bản xin chuyển mục đích đất thành đất ở thêm một lần nữa thì Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Phòng lại “đổi ý” bất ngờ đề xuất UBND TP.Hải Phòng giải quyết.
Cụ thể, Báo cáo số 146/BC-STN&MT của Sở Tài nguyên và Môi trường kiến nghị UBND TP.Hải Phòng “Giao UBND quận Ngô Quyền xem xét, xử lý việc công nhận quyền sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…”.
“...Theo quy định tại Khoản 3, Điều 23 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ: trường hợp đất được giao không đúng thẩm quyền đã sử dụng ổn định từ ngày 15/3/1993 đến trước ngày 01/7/2014 không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định tại Khoản 2, Điều 20 của Nghị định này”? - Báo cáo ghi rõ.
Nhưng trên thực tế, 5 cán bộ của Hội làm vườn Hải Phòng đã ngay từ đầu lợi dụng chức quyền của mình chia đất cho nhau trái pháp luật mà không hề có cơ quan chức năng nào xử lý?! Một điều nữa, Nghị định số 43 viện dẫn là “... phù hợp với quy hoạch thì được cấp Giấy CNQSDĐ”. Vậy trong trường hợp này có phù hợp hay không? Có phải điều chỉnh lại quy hoạch hay không?
Trao đổi với PV, ông Hồ Xuân Thủy – phó Phòng Quản lý đô thị quận Ngô Quyền cho biết, sau khi nhận được văn bản yêu cầu nghiên cứu, báo cáo UBND thành phố về đề xuất đề nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường, Phòng Quản lý đô thị quận Ngô Quyền đã phối hợp cùng ngành chức năng trong quận mời Hội làm vườn lên làm việc. Mặc dù Sở Tài nguyên và Môi trường có đề xuất như vậy, nhưng xét thực tế, hiện tại Tổ công tác quận chưa có báo cáo lãnh đạo quận vì đây là vấn đề nhạy cảm.
Như vậy, UBND TP Hải Phòng cần xử lý nghiêm những sai phạm về việc sử dụng đất công tại Hội Làm vườn Hải Phòng thuộc quận Ngô Quyền quản lý theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức lợi dụng chức vụ quyền hạn chiếm đất công “biến” thành đất ở cho riêng mình theo tinh thần: “Công khai - minh bạch - đúng pháp luật”. Không thể dung túng cho sai phạm của 5 cán bộ Hội Làm vườn chiếm đất công mà phải điều chỉnh lại quy hoạch của thành phố./.