Cán bộ ngân hàng khẳng định không bàn bạc với ông Khanh
Cơ quan tố tụng Bình Dương cho rằng cụ Hồ Thị Hiệp (SN 1947, đã chết) từ năm 2008 sử dụng tài sản của cụ và của con gái Nguyễn Hiệp Hảo (hiện định cư tại Mỹ) để thế chấp vay vốn tại BIDV.
Do cụ Hiệp không đủ khả năng trả nợ nên ngân hàng trích lập quỹ dự phòng xử lý và phát mãi tài sản. Ông Khanh biết tin cụ Hiệp bán đất nên đến hỏi mua. Hai bên thỏa thuận giá, phương thức thanh toán, sang nhượng đất, được ngân hàng đồng ý. Từ 2012-2015, ông Khanh mua 4 lần tổng cộng 18ha.
CQĐT và VKS Bình Dương cho rằng ông Hùng và ông Lộc xử lý tài sản thế chấp không đúng luật và quy chế nội bộ của BIDV nên bị khởi tố truy tố. Còn ông Khanh bị cáo buộc thỏa thuận với cụ Hiệp, ông Lộc để trả tiền mặt bên ngoài cho cụ Hiệp là trái luật nên có vai trò giúp sức.
Ở phiên sơ thẩm lần 1, CQĐT và VKS quy buộc cả ba người phạm tội đối với việc xử lý toàn bộ 18ha đất. Tuy nhiên, sau khi tòa trả hồ sơ điều tra bổ sung thì lần này CQĐT và VKS chỉ cáo buộc 3 người phạm tội với diện tích 12ha. Phần diện tích đất của bà Hảo tách ra xử lý sau.
Phiên tòa lần này, cả ba bị cáo đều kêu oan, cho rằng cáo trạng quy kết không đúng.
Cả ba khẳng định không có tài sản nhà nước nào trong vụ án. Việc tách quyền sử dụng đất của bà Hảo ra khỏi vụ án là sai luật. Cùng một hành vi bán tài sản thế chấp nhưng tách ra điều tra, truy tố 2 lần là vi hiến, trái với BLHS, BLTTHS.
Ông Hùng nói khi mình về làm GĐ Chi nhánh Tây Sài Gòn thì BIDV đã cổ phần hóa, ông không được phân công nhiệm vụ hoặc quản lý phần vốn của Nhà nước tại BIDV. Ông khẳng định bị truy tố oan sai.
Ông Lộc trình bày cáo trạng quy kết ông vi phạm các quy chế nội bộ Ngân hàng và Nghị định 163/2006/NĐ-CP về xử lý tài sản thế chấp là không đúng. Quy chế ngân hàng không phải là văn bản quy phạm pháp luật và nếu có sai thì chỉ bị xử lý nội bộ. Với Nghị định thì quy định là việc xử lý tài sản có hai phương thức: Thỏa thuận hoặc bán đấu giá. Giữa cụ Hiệp và Ngân hàng có thỏa thuận cho cụ Hiệp bán tài sản nên không vi phạm luật.
“Bị cáo không tìm ra tài sản nhà nước hoặc căn cứ để buộc tội. Tài sản là quyền sử dụng đất ghi tên chủ tài sản là Hồ Thị Hiệp, Nguyễn Hiệp Hảo chứ không phải tài sản nhà nước. Quyền sở hữu tài sản vẫn thuộc cá nhân đó dù thế chấp vào Ngân hàng”, ông Lộc trình bày.
Nói về việc VKS cáo buộc cấu kết Ngân hàng – cụ Hiệp – ông Khanh, ông Hùng khẳng định từ thời điểm cụ Hiệp xin bán đất đến khi xử lý xong tài sản thế chấp thì không gặp, không bàn bạc hay thỏa thuận gì và không biết ông Khanh là ai. Ông Hùng nói khi ông Lộc đề xuất cho cụ Hiệp bán đất để trả nợ thì đồng ý và có biết giá bán 700 triệu/ha.
Ông Lộc khai: “Cả ba người (ông Lộc, cụ Hiệp và ông Khanh) chưa từng ngồi lại trực tiếp để thỏa thuận gì về mua bán phần đất này. Cụ Hiệp có đưa tôi một hợp đồng mua bán, trong đó có ghi ông Khanh mua 5,3ha với giá 3,4 tỷ. Hợp đồng ba bên này không có giá trị pháp lý. Do bên bán và bên mua không có sự tin tưởng nên mới làm một thỏa thuận để có tôi ký chứng kiến. Sau này tôi có soạn thêm 1 hợp đồng thỏa thuận khác cùng phần đất 5,3ha với giá 2 tỷ, tôi có ký”.
Theo ông Lộc, cả ba không cùng ký một lúc mà cụ Hiệp ký trước, sau đó đưa ông ký và trả lại cụ Hiệp. Sau đó cụ Hiệp đưa ông Khanh ký lúc nào thì ông không rõ.
Về giá cả mua bán, ông Lộc thấy giá hai bên thỏa thuận là phù hợp và có 3 lần đi kiểm tra thực tế, giá bán này là đúng với thị trường thời điểm đó nên đồng ý. Tại thời điểm đó, Ngân hàng không có bất cứ quy buộc nào buộc ông Khanh phải chuyển khoản.
Ông Lộc nói: “Sau khi giải chấp, Ngân hàng hết quyền và nghĩa vụ với diện tích đất trên, bán cho ai là quyền của cụ Hiệp”.
“Tôi thấy hoàn toàn là oan sai”
Tại phần xét hỏi, ông Khanh không đồng ý với cáo trạng: “Bản cáo trạng này suy diễn, quy chụp, làm oan cho bị cáo. Quy chụp hợp đồng ba bên là thỏa thuận để buộc bị cáo là giúp sức, nhưng thực tế đó chỉ là Ngân hàng ký để đồng ý cho bán”.
Về bản thỏa thuận ba bên, ông Khanh lý giải: “Cụ Hiệp nói là để làm thủ tục giảm tiền thuế, phí. Dùng hợp đồng này để quy chụp tôi thỏa thuận thực hiện hành vi vi phạm pháp luật là không đúng”.
Về giá cả, phương thức thanh toán, ông Khanh nói: “Pháp luật không buộc tôi phải biết phải nộp tiền như thế nào. Thời điểm đó không ai buộc tôi phải nộp tiền vào đâu nên tôi thực hiện theo thỏa thuận. Tôi không biết Ngân hàng là ai, Ngân hàng không biết tôi là ai, thì sao nói thỏa thuận? VKS nói tôi cùng ông Lộc, cụ Hiệp che giấu. Nếu che giấu thì tại sao vào tháng 7/2017, lúc chưa khởi tố vụ án, bị can, chính tôi đưa cho CQĐT văn bản này?”.
“Việc ký hợp đồng ba bên 2 tỷ, tôi không có lợi ích gì. Cụ Hiệp mang hợp đồng 2 tỷ đó đi làm việc gì thì tôi không biết và không phải chịu trách nhiệm nếu cụ Hiệp dùng tài liệu đó để che giấu một hành vi nào khác”.
“Bị cáo mua bán với cụ Hiệp, không mua bán với Ngân hàng. Bị cáo không bàn bạc gì với cụ Hiệp hoặc ông Lộc. Việc Ngân hàng với cụ Hiệp xử lý nợ như thế nào, bị cáo không biết. Bị cáo không bị buộc phải trả tiền vào Ngân hàng mà chỉ trả cho cụ Hiệp, bằng cách chuyển vào tài khoản của cụ Hiệp và trả tiền mặt”, ông Khanh nói.
Tại phiên tòa, LS Trần Minh Hải (Đoàn LS TP Hà Nội, bào chữa cho bị cáo Lộc) thẩm vấn ông Khanh: “Theo ông bản chất vụ án này là gì?”.
“Tôi thấy hoàn toàn là oan sai. Xác định tài sản nhà nước là không đúng. Xác định giá trị không đúng”.
“Vậy đằng sau vụ việc không đúng là gì?”
“Bản chất là trù dập”
“Ai trù dập ai? Thân chủ tôi có liên quan đến chuyện trù dập gì đó hay không?”
“Không”
“Vậy họ có bị vạ lây?”
“Có”
Chủ tọa ngắt lời, yêu cầu nếu có ai trù dập thì ông Khanh thông qua người bào chữa để tố cáo, khiếu nại.
Phía đại diện Ngân hàng cũng khẳng định việc thỏa thuận bán tài sản thế chấp là đúng. Việc chuyển tiền là dựa vào thỏa thuận giữa các bên.
Hôm nay phiên tòa sẽ tiếp tục.
Định giá thiệt hại “có vấn đề”
Tại phần hỏi, ông Trần Quang Đạo, người đại diện Công ty Thẩm định giá Thế Hệ Mới nói giá đưa ra là dựa trên phía khảo sát và giao dịch mua bán thành (hợp đồng có công chứng) vào thời điểm thực hiện thẩm định giá. LS Hải đưa ra một chứng cứ mới là bản tường trình của bà Đinh Thị Thùy Trang nói không gặp, không cung cấp thông tin cho ông Đạo. Về giá đất, bà bán 900m2 hai lần vào năm 2016 được 900 triệu chứ không phải 4,5 tỷ như phiếu khảo sát. LS Hải tiếp tục đưa ra hợp đồng công chứng mua bán có giá 58.000 đồng/m2 nhưng thẩm định giá lại nêu 260.000 đồng/m2. Ông Đạo vòng vo, không trả lời được thẩm định giá dựa vào giá nào. Giá thẩm định giá cao gấp 5 lần giá trong phiếu khảo sát và giao dịch mua bán thành.