Sơ thẩm vụ thương hiệu bia “ăn theo” Sabeco: Căn cứ để tòa trả hồ sơ có phù hợp?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa mở phiên sơ thẩm vụ làm nhái nhãn bia Sài Gòn. Trong vụ án, bị cáo Lê Đình Trung (SN 1967, quê Quảng Trị, GĐ Cty CP Tập đoàn bia Sài Gòn Việt Nam) và pháp nhân Cty CP Tập đoàn bia Sài Gòn Việt Nam (trụ sở 264 Lê Thánh Tôn, phường Bến Thành, quận 1, TP HCM) cùng bị truy tố về tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.
Bị cáo Trung tại phiên sơ thẩm.
Bị cáo Trung tại phiên sơ thẩm.

Tên na ná nhau, cùng ở một tòa nhà

Theo KLĐT, bị cáo Trung có thời gian dài làm việc ở TCty Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) sau đó nghỉ việc.

Sau đó, bị cáo Trung thành lập Cty CP Tập đoàn bia Sài Gòn Việt Nam (Cty bia Sài Gòn Việt Nam), được Sở KH&ĐT TP HCM cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh ngày 20/5/2019.

Cty có vốn điều lệ 30 tỷ đồng, có 3 cổ đông tham gia sáng lập là bị cáo Trung 70%, Trần Thị Ái Loan và Trần Thị Khánh Hà, mỗi người góp 15%. Ban đầu bị cáo Trung làm đại diện theo pháp luật nhưng từ tháng 3 – 5/2020, bà Loan thay thế. Trụ sở ban đầu là Lầu 9, Tòa nhà Vincom, Lê Thánh Tôn, Bến Nghé, quận 1, TP HCM. Tòa nhà Vincom này cũng là nơi đặt Văn phòng đại diện của Sabeco (ở tầng 5).

Ngày 7/6/2019, Cty bia Sài Gòn Việt Nam nộp đơn đến Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ KH&CN) đăng ký xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Ngày 12/8/2019, Cục Sở hữu Trí tuệ có quyết định về việc chấp nhận đơn hợp lệ.

Ngày 10/9/2019, Cty Bia Sài Gòn Việt Nam được Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 cấp phiếu kết quả thử nghiệm với sản phẩm bia lon. Ngày 18/9/2019, Cty ra bản tự công bố sản phẩm Bia Sài Gòn Việt Nam.

Theo cáo trạng, nhãn hiệu “BIA SAIGON VIETNAM”, hình khiên đứng, khuyết và hình con rồng, “BIA SÀI GÒN VN” được gắn (trình bày) trên mặt trước, sau của sản phẩm của Cty là vỏ lon BIA SAIGON VIETNAM, trên thùng đựng sản phẩm BIA SAIGON VIETNAM, kiểu dáng đều do bị cáo Trung tự thiết kế. Dù các dấu hiệu trên chưa được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, bị cáo Trung vẫn cho sản xuất hàng loạt.

Đối với vỏ lon bia và vỏ thùng bia, Cty Bia Sài Gòn Việt Nam đặt làm tại hai Cty khác nhau với số lượng hơn 600.000 vỏ lon và 14.300 vỏ thùng bia.

Ngày 15/4/2020, Cty Bia Sài Gòn Việt Nam ký hợp đồng sản xuất với cơ sở sản xuất bia BiVa để cơ sở này sản xuất bia mang nhãn hiệu BIA SAIGON VIETNAM cho mình.

BiVa đã sản xuất 3 lô thành phẩm: Lô thứ nhất 2.100 thùng bia lon giao ngày 9/6/2020; Lô thứ 2 là 2.100 thùng bia lon giao ngày 20/6/2020; Lô thứ 3 giao ngày 23/6/2020. Khi Cty Bia Sài Gòn Việt Nam đang nhận hàng thì bị Cục Quản lý Thị trường Bà Rịa – Vũng Tàu kiểm tra, lập biên bản tạm giữ hơn 4.700 thùng bia thành phẩm, hơn 116.000 vỏ lon bia và 3.300 vỏ thùng bia chưa sử dụng.

Ngoài ra, Cty Bia Sài Gòn Việt Nam đã tiêu thụ ra ngoài thị trường 1.000 thùng bia tại TP Sóc Trăng (Sóc Trăng), 1.300 thùng bia tại Bình Phước và qua thu thập thì thiếu 900 thùng bia thành phẩm.

Xác định Cty Bia Sài Gòn Việt Nam có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp với sản phẩm đã được cấp giấy chứng nhận bảo hộ cho Sabeco nên hồ sơ được chuyển sang Công an Bà Rịa – Vũng Tàu để điều tra làm rõ.

Ngày 20/08/2020, CQĐT có quyết định trưng cầu Viện Khoa học Sở hữu Trí tuệ giám định để xác định yếu tố xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.

Ngày 28/08/ 2020, Viện Khoa học Sở hữu Trí tuệ (Bộ KH&CN) đã ra bản Kết luận giám định sở hữu công nghiệp: NH497 -20TC.TP/KLGĐ kết luận: 

Dấu hiệu “BIA SAI GON VIETNAM và hình khiên đứng + hình con rồng” gắn trên mặt trước, sau lon bia như thể hiện tại Mẫu vật; Dấu hiệu “BIA SAIGON VN” gắn (trình bày) trên mặt bên lon bia như thể hiện tại Mẫu vật 1; Dấu hiệu “BIA SAIGON VIETNAM và hình khiên đứng có con rồng” gắn (trình bày) trên thùng đựng bia như thể hiện ở Mẫu vật 2; Dấu hiệu “BIA SAIGON VIETNAM và hình con rồng” gắn (trình bày) trên thùng đựng bia như thể hiện tại Mẫu vật 2; đều được kết luận có xâm phạm quyền đối với Nhãn hiệu được bảo hộ của Sabeco.

Ngày 27/8/2020, Cục Sở hữu Trí tuệ có văn bản trả lời CQĐT rằng hiện nay (8/2020) chưa xác lập quyền sở hữu công nghiệp với nhãn hiệu của Cty Bia Sài Gòn Việt Nam. Việc sử dụng nhãn hiệu đã nộp đơn nhưng chưa được bảo hộ trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đã được bảo hộ là hành vi xâm phạm bản quyền sở hữu công nghiệp quy định tại khoản 1, Điều 129 Luật Sở hữu trí tuệ.

Từ cơ sở đó, CQĐT ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can về tội “Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp” với pháp nhân là Cty Bia Sài Gòn Việt Nam và GĐ Cty.

Tang vật vụ án.
Tang vật vụ án. 

Vì sao đòi xác định Sabeco là thương hiệu nổi tiếng?

Ngày 6/5/2021, TAND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu mở phiên xử sơ thẩm. Tại phiên xử, Sabeco có đơn gửi HĐXX đề nghị trưng cầu giám định bổ sung đối với sản phẩm lon bia, vỏ thùng bia và căn cứ xác định Sabeco là nhãn hiệu nổi tiếng.  

Sau khi hội ý, HĐXX quyết định trả hồ sơ và đề nghị VKS điều tra làm rõ nhãn hiệu bia Sài Gòn đầu rồng là nhãn hiệu nổi tiếng, theo Điều 75 Luật Sở hữu Trí tuệ hay không? Trưng cầu bổ sung xác định lon bia và thùng bia của pháp nhân thương mại bị khởi tố có phải hàng hóa làm giả nhãn hiệu hay không? định giá tài sản với 900 thùng bia mà bị cáo Lê Đình Trung khai đã đem tặng, tiếp thị?

Tại sao Sabeco yêu cầu được xác định là nhãn hiệu nổi tiếng và HĐXX đòi trưng cầu giám định có phải hàng hóa làm giả nhãn hiệu hay không? Điều này có căn cứ hay không?

LS Ngô Thị Hoàng Anh (Đoàn LS TP HCM) nhận định: “Có thể, Sabeco muốn xác định là nhãn hiệu nổi tiếng để chứng minh “lỗi cố ý” của bị cáo. Vì tội “Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp” phải là “lỗi cố ý” “Tôi nổi tiếng quá rồi, ông phải biết mà tránh làm những sản phẩm có thể gây ra hiểu nhầm với tôi”. Cá nhân tôi suy luận như thế”. 

“Tuy nhiên việc trả hồ sơ để làm rõ vấn đề này là không cần thiết, HĐXX có đủ thẩm quyền để tuyên bố nếu thấy cần thiết. HĐXX căn cứ vào tập quán sử dụng, hồ sơ về lịch sử ra đời, sự xuất hiện trên thị trường, các thông số về số lượng hàng hóa, nơi cung cấp, các nơi bảo hộ cho Sabeco là đủ. Tôi cũng thấy rằng, trong KLĐT và cáo trạng, CQĐT và cơ quan công tố đã chứng minh lỗi cố ý của ông Trung rồi. Đó là việc ông Trung có thời gian dài làm việc tại Sabeco”.

“Còn nếu Sabeco muốn tuyên bố nhãn hiệu của mình là nhãn hiệu nổi tiếng thì xin mời nộp hồ sơ đến cơ quan thẩm quyền. Căn cứ điều 75 Luật Sở hữu Trí tuệ, cơ quan chức năng sẽ xác nhận”, quan điểm của LS Hoàng Anh.

“Đối với vấn đề làm giả nhãn hiệu, theo tôi là không thể. Bởi vì, nếu giả nhãn hiệu, người thực hiện hành vi phải cố gắng làm giống 100% nhãn hiệu cần làm giả. Ví dụ, như nơi sản xuất, tên sản xuất, số tiêu chuẩn, mẫu mã, kiểu dáng… Nói tóm lại phải làm giả sao cho giống thật, giống “y chang”. Ở đây, bị cáo Trung chỉ có dấu hiệu “nhái để ăn theo”, để một số khách hàng họ không để ý thì có thể bị nhầm lẫn”. Vấn đề này quá rõ ràng qua Kết luận giám định và trả lời của Cục Sở hữu trí tuệ cho CQĐT, nên theo cá nhân tôi là không cần trả hồ sơ”.

Đọc thêm