Ông Thạnh cho biết, đầu năm 2017, bà Nguyễn Thị Phương về địa phương giới thiệu là Giám đốc Cty TNHH Phương Giang Tâm, có chức năng tuyển dụng đưa người đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc. Bà Phương nhiều lần về nhà ông Thạnh mời chào và nói có 3 suất đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc (do các “ông anh” ở Bộ LĐTB&XH cho xuất), chi phí chỉ hết khoảng 100 triệu đồng; công việc lại làm ở chỗ “ngon”, trong xưởng sản xuất ô tô với mức lương 30 triệu đồng, chưa tính giờ làm thêm. Bà Phương còn hứa hẹn, sau khi nộp tiền sẽ được đi học tiếng và chỉ một tháng là xuất cảnh.
Ông Thạnh xuống trụ sở công ty của bà Phương ở xóm Yêm, xã Đông Xuân, huyện Sóc Sơn, Hà Nội để tìm hiểu thêm thì được bà Phương cho xem rất nhiều bản hợp đồng xuất khẩu lao động khác. Do tin tưởng nên ông Thạnh đã nộp tiền (46 triệu đồng) cho bà Phương và giới thiệu cho con ông Nguyễn Văn Khương đi cùng (nộp 30 triệu cho bà Phương).
“Nhiều tháng sau, chúng tôi liên hệ với bà Phương hỏi về hồ sơ thủ tục cho con đi học nhưng bà Phương đều đưa ra nhiều lý do khác nhau. Đến nay thì bà Phương tắt máy và trốn tránh không gặp chúng tôi”- ông Thạnh cho biết.
Theo tài liệu ông Thạnh cung cấp thì ngày 22/2/2017 bà Nguyễn Thị Phương - Giám đốc Cty TNHH Phương Giang Tâm có bản cam kết tư vấn, học nghề vào các công ty, doanh nghiệp có chức năng xuất khẩu lao động và thực tập sinh tại Hàn Quốc. Có trách nhiệm tư vấn, giới thiệu và học nghề: May, Cơ khí, Điện tử và Công nghệ ô tô với mức lương cơ bản ký tại Việt Nam 30 triệu đồng, chưa tính giờ làm thêm. Công ty hỗ trợ nhà ở tại đất nước sở tại…
Con gái ông Thạnh là chị Nguyễn Thị Trung (SN 1997) đã ký hợp đồng và cam kết, “nếu tự ý bỏ ngang trong thời gian học tập hoặc bất kỳ lý do gì không đi thì người lao động hoàn toàn chịu trách nhiệm trước Công ty và pháp luật”
Theo tìm hiểu của phóng viên, Cty TNHH Phương Giang Tâm do bà Nguyễn Thị Phương làm Giám đốc (địa chỉ xóm Yêm, xã Đông Xuân, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) hoạt động từ ngày 27/10/2015 với ngành nghề chính: giáo dục nghề nghiệp (không có chức năng tư vấn, giới thiệu và tuyển dụng xuất khẩu lao động). Như vậy, việc bà Phương làm hợp đồng cam kết giới thiệu đưa người đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc như trên là có dấu hiệu lừa đảo?
“Tôi đã nhiều lần xuống trụ sở Cty để hỏi về thời điểm con gái tôi được đi nhưng không gặp được bà Phương. Ở đây, tôi còn gặp 12 cháu ở thôn Cẩm Hà, xã Tân Hưng, huyện Sóc Sơn, Hà Nội cũng bị lừa như gia đình tôi. Tôi đã trình báo về hành vi có dấu hiệu lừa đảo của bà Phương đến Công an huyện Sóc Sơn từ ngày 15/8/2017 nhưng đến nay Công an huyện Sóc Sơn chưa có trả lời thỏa đáng”, ông Thạnh bức xúc.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên thì Công an huyện Sóc Sơn đã vào cuộc xác minh đơn tố giác tin tội phạm của ông Thạnh và ông Khương. Tuy nhiên, quá trình xác minh, bà Phương không hợp tác, không nhận giấy mời... Cơ quan CSĐT Công an huyện Sóc Sơn đã có văn bản gửi VKSND cùng cấp đề nghị tạm dừng xác minh tố giác tin báo tội phạm.
Ngày 20/11/2017, VKSND huyện Sóc Sơn đã có Văn bản số 27/TB-VKS gửi Cơ quan CSĐT Công an huyện Sóc Sơn đồng ý với quan điểm tạm dừng xác minh tố giác tin báo tội phạm với lý do trên.
Trao đổi với phóng viên, ông Ngô Anh Đức - Phó Đội trưởng Đội điều tra tổng hợp Công an huyện Sóc Sơn cho biết: “Chúng tôi đã áp dụng biện pháp nghiệp vụ, đã gửi giấy triệu tập đối với bà Phương nhưng bà Phương không hợp tác chỉ là một lý do để tạm dừng xác minh…và nhiều vấn đề khác nữa…”.
Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.