Sớm đưa 3 luật liên quan bất động sản vào cuộc sống: Gỡ khó cho thị trường, thúc đẩy kinh tế phát triển

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản (BĐS) 2023 và Luật Đất đai 2024 đều có hiệu lực thi hành từ 1/1/2025, tuy nhiên các Luật này đang được kỳ vọng sẽ được thi hành trước 6 tháng (từ 1/7/2024) để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho thị trường, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Thị trường BĐS kỳ vọng khởi sắc khi các quy định mới đi vào cuộc sống. (Ảnh: VGP)
Thị trường BĐS kỳ vọng khởi sắc khi các quy định mới đi vào cuộc sống. (Ảnh: VGP)

Thị trường mong đợi

Bộ Tư pháp vừa công bố hồ sơ thẩm định dự thảo Nghị quyết của Quốc hội cho phép Luật Nhà ở 2023 và Luật Kinh doanh BĐS 2023 có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, tức là sớm hơn 6 tháng so với hiệu lực hiện tại.

Theo Tờ trình gửi Chính phủ, Bộ Xây dựng cho biết, Luật Nhà ở 2023 và Luật Kinh doanh BĐS 2023 có hiệu lực sớm sẽ góp phần kịp thời thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong việc phát triển và quản lý chặt chẽ thị trường BĐS; hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển lành mạnh và bền vững thị trường BĐS.

Mặt khác, việc 2 Luật này có hiệu lực sớm hơn 6 tháng sẽ bảo đảm có hiệu lực đồng thời với Luật Đất đai 2024 cũng đang trình Chính phủ đề nghị Quốc hội chấp thuận cho phép có hiệu lực từ ngày 1/7/2024.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã ký văn bản đề xuất Quốc hội cho phép Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, sớm đưa Luật Đất đai vào cuộc sống. Thủ tướng đã yêu cầu các Bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ được giao, tập trung xây dựng, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp thẩm quyền ban hành văn bản hướng dẫn thi hành 03 Luật này, bảo đảm đủ điều kiện để báo cáo Chính phủ trình Quốc hội cho phép thi hành sớm.

Thông qua các cơ chế, chính sách về đất đai, nhà ở, kinh doanh BĐS được ban hành sẽ tạo được hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch, thuận lợi, hiệu quả để vận hành, hoạt động thị trường BĐS; góp phần thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Theo Luật sư Nguyễn Hồng Chung, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên chi hội tài chính khu công nghiệp Việt Nam (VIPFA), trước khi các luật này được ban hành, thị trường có rất nhiều “nút thắt”, “Nhiều dự án gần như “án binh bất động”, các chủ đầu tư đang rất mong các Luật sớm có hiệu lực…” - Luật sư Chung thông tin.

Áp lực lớn

Với việc đưa Luật vào thực thi sớm trước 6 tháng, thực sự áp lực đối với các cơ quan soạn thảo khi phải hoàn thành một khối lượng Nghị định, Thông tư hướng dẫn là rất lớn.

Trao đổi với PLVN, Luật sư Nguyễn Hồng Chung cho biết, riêng Luật Đất đai 2024 có những vấn đề rất quan trọng buộc phải ban hành trước thời điểm 1/7/2024, như: Tiếp cận đất đai, trong đó có giao đất, cho thuê đất; Xác định quyền sử dụng đất, giá đất; Vấn đề bồi thường, hỗ trợ tái định cư (cũng liên quan đến giá đất…). “Câu chuyện giao đất, thu hồi đất, xác định giá trị tiền sử dụng đất, tiền thuê đất… là những vấn đề trước đây đã gây ách tắc cho các dự án. Luật Đất đai 2024 đã có những tháo gỡ, giải quyết những vướng mắc phù hợp, nhưng hiện vẫn đang chờ Nghị định hướng dẫn cụ thể để thực thi…” - Luật sư Chung dẫn chứng.

Theo Quyết định 222/QĐ-TTg ngày 5/3/2024 của Thủ tướng ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Đất đai số 31/2024/QH15 (Luật Đất đai 2024). Thủ tướng phân công các cơ quan chủ trì soạn thảo 16 văn bản quy định chi tiết Luật Đất đai thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng. Trong đó, nhiều nhất và quan trọng nhất là Bộ TN&MT với 6 Nghị định, 4 Thông tư; Bộ Tài chính với 2 Nghị định, 1 Thông tư…

Thông tin tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4/2024, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân cho biết, dự kiến trước ngày 10/5/2024, Bộ TN&MT sẽ trình Chính phủ các Nghị định hướng dẫn thi hành theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính, Bộ NN&PTNT, Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Nội vụ và các địa phương cũng đang gấp rút hoàn thiện những nội dung công việc thuộc trách nhiệm, thẩm quyền của mình.

“Luật Đất đai 2024 được xây dựng trên nguyên tắc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính, giảm bớt khâu trung gian, giảm bớt chi phí tuân thủ và nâng cao trách nhiệm, tính chủ động cho chính quyền địa phương. Qua đó, sẽ giúp tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc đã chỉ ra từ tổng kết Luật Đất đai 2013. Đồng thời, rút ngắn thời gian và chi phí trong việc giải phóng nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững của đất nước. Trong đó, có thị trường quyền sử dụng đất và thị trường BĐS” - Lãnh đạo Bộ TN&MT nhận định.

Sẽ tăng giá đất bồi thường khi Nhà nước thu hồi

Thay vì căn cứ vào giá đất tối thiểu - tối đa của khung giá đất do Chính phủ ban hành như hiện nay, Luật Đất đai 2024 đã bỏ quy định về khung giá đất, đồng thời quy định các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương công bố Bảng giá đất mới áp dụng từ ngày 1/1/2026.

Với sự thay đổi này, bảng giá đất mới sẽ tiệm cận với giá đất thị trường, điều này đồng nghĩa với việc, giá đất bồi thường mới có thể sẽ tăng từ 1/1/2026. Bảng giá đất mới sẽ được xây dựng theo từng thửa đất trên cơ sở vùng giá trị, thửa đất chuẩn nếu khu vực đó có bản đồ địa chính số và cơ sở dữ liệu giá đất.

Hữu Sơn

Đọc thêm