Sơn La: Công an tỉnh điều tra vụ án có liên quan đến cán bộ công an tỉnh có khách quan?

(PLO) - Công an tỉnh Sơn La đang điều tra nữ cán bộ Khối Đoàn thể và Trung tâm bồi dưỡng Chính trị huyện Sốp Cộp lừa đảo hàng trăm tỷ đồng thì hàng chục bị hại có đơn cầu cứu các cơ quan báo chí, cơ quan Trung ương vì vụ án có liên quan đến các cán bộ Công an cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã.
Đơn tố cáo của hàng chục bị hại gửi tới Báo PLVN.
Đơn tố cáo của hàng chục bị hại gửi tới Báo PLVN.

Cho vay hàng chục tỷ đồng vì “niềm tin”

Trong đơn cầu cứu gửi tới báo PLVN, hàng chục bị hại cho hay họ đã bị Đào Thị Quy (sinh năm 1977, trú tại bản Hua Mường, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La) – cựu cán bộ Khối Đoàn thể và Trung tâm bồi dưỡng Chính trị huyện Sốp Cộp lừa đảo hàng trăm tỷ đồng.

Cụ thể, Đào Thị Quy đã đưa ra các thông tin gian dối như vay tiền để đầu tư vào các công ty để làm ăn, đầu tư vào công trình kè Sông Mã, vay để cho người khác vay lại với lãi suất cao hơn, vay cho người khác đáo nợ ngân hàng, vay để chạy chức chạy quyền nên cần “huy động vốn” gấp.

Vì biết Đào Thị Quy là cán bộ của Khối Đoàn thể và Trung tâm bồi dưỡng Chính trị huyện huyện Sốp Cộp nên hàng chục bị hại đã tin tưởng, cộng thêm việc Quy luôn giới thiệu có quan hệ với các lãnh đạo trong ngành Công an và Quy đang làm ăn với họ nên hàng chục bị hại đã tin tưởng để giao tiền cho Quy.

Phản ánh tới báo PLVN, chị Bùi Thị Thu Hà (trú tại số 156, tổ 10, thị trấn Sông Mã, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La) cho biết, Quy là cán bộ công chức nhà nước nên từ ngày 29/5/2017 đến ngày 29/8/2017, tổng số tiền mà chị Hà đã chuyển vào các số tài khoản mà Quy cung cấp đã lên đến con số 23 tỷ đồng.

Theo chị Hà, khi vay tiền, Quy nói là để chạy chức, chạy quyền và đầu tư làm ăn, buôn bán bất động sản cùng với Trung úy Đặng Thị Tuyết Nhung (cán bộ Công an huyện Sốp Cộp) nên chị mới tin tưởng cho Quy vay tiền. Đến hẹn, Quy không thanh toán đầy đủ số tiền đã vay mượn theo những gì cam kết trước đó, nên chị Hà làm đơn tố cáo hành vi lừa đảo của bà Quy lên các cơ quan có thẩm quyền, yêu cầu giải quyết.

Tương tự như chị Hà, bà Trần Thùy Dung (trú tại tổ 9, thị trấn Sông Mã, huyện Sông Mã) cho rằng Quy là cán bộ công chức nhà nước có uy tín lại nói rằng làm ăn với lãnh đạo công an cấp tỉnh, cấp huyện đồng thời còn có cả số tài khoản của họ nên bà Dung tin tưởng và chuyển khoản cho Quy nhiều lần, tổng cộng bà Dung đã cho Quy vay 20 tỷ đồng.

Ngoài chị Hà và bà Dung, hàng chục người dân khác cũng chỉ vì tin tưởng vào lời nói của Quy mà đã phải chạy đôn chạy đáo đi vay tiền để cho Quy vay tiền. Tổng số mà các bị hại cho Quy vay tiền đã gần 190 tỷ đồng.

Ngày 19/10/2017, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Sơn La ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 28/QĐ – PC45, khởi tố bị can số 54/QĐ - PC45 đồng thời ra lệnh bắt bị can để tạm giam và tiến hành khám xét khẩn cấp nơi ở, nơi làm việc của Đào Thị Quy để điều tra về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” quy định tại Điều 139 Bộ luật Hình sự.

Được biết, Huyện ủy Sốp Cộp đã ra Quyết định đình chỉ công tác; Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy đã ra quyết định đình chỉ sinh hoạt Đảng đối với Đào Thị Quy.

Có mặt tại trụ sở Công an tỉnh Sơn La, PV báo PLVN đã liên hệ đặt lịch làm việc để thu thập, tìm hiểu những nội dung liên quan. Tuy nhiên, do vụ án vẫn đang trong quá trình điều tra nên Công an tỉnh Sơn La từ chối cung cấp.

Hàng loạt cán bộ Công an có liên đới?

Theo trình báo của các bị hại, vụ án này có liên quan đến các cán bộ Công an cấp tỉnh, cấp huyện và cả cán bộ cấp xã là người thân của Quy và một số cán bộ công an nên việc Công an tỉnh Sơn La vào cuộc điều tra là không khách quan.

Bởi lẽ, trong những lần chuyển tiền vào tài khoản cho Quy vay mượn thì có cả số tài khoản của các cán bộ Công an cấp tỉnh, cấp huyện và việc họ chuyển tiền cho Quy vay mượn cũng dựa trên niềm tin vào các số tài khoản của các cán bộ này.

Ngoài các cán bộ ở trên còn có 12 số tài khoản Quy nói là làm ăn chung đều là của người nhà, người thân với các cán bộ này.

Theo đơn cầu cứu, việc vay mượn tiền của Quy với các bị hại diễn ra trong một thời gian dài và liên tục chuyển tiền vào các số tài khoản này lên tới hàng chục tỷ đồng. Ngoài ra các bị hại còn cung cấp tin nhắn của Quy trao đổi về việc chạy chức chạy quyền cho cán bộ cấp huyện và cũng có tên của các doanh nghiệp có tên nói trên.

Các bị hại cho rằng, những chủ tài khoản trên đều có vai trò giúp sức, tiếp tay để cho Quy lừa đảo các bị hại. Mặt khác không có căn cứ thể hiện việc các chủ tài khoản rút tiền và đưa lại cho Quy mà sử dụng luôn số tiền mà các bị hại chuyển vào. Đến nay, Công an tỉnh Sơn La không hề có bất kỳ động thái nào liên quan đến việc phong tỏa các tài khoản trên cũng không xác định được số tiền mà các bị hại chuyển vào các số tài khoản này ở đâu. Điều này là hết sức phi lý, bởi lẽ việc giao dịch qua Ngân hàng nên việc trích xuất, sử dụng rất cụ thể.

Tại sao việc phong tỏa tài khoản Cơ quan Công an không tiến hành ngay lập tức?

Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật thông tin./.

Đọc thêm