Sơn Tây (Quảng Ngãi): Tồn tại, vi phạm trong thực hiện chương trình giảm nghèo

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Việc thực hiện Tiểu dự án 1 và Tiểu dự án 3 - Dự án 1 thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững (Chương trình 30a), việc thực hiện chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP tại huyện Sơn Tây (giai đoạn từ 01/01/2018 đến 30/8/2020), đã được Thanh tra tỉnh Quảng Ngãi chỉ ra một số tồn tại, vi phạm.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo đó, đối với việc thực hiện Chương trình 30a giai đoạn 2016-2020 đối với Dự án 1, qua thanh tra 20 công trình thuộc Tiểu dự án 1 (Hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng các huyện nghèo) với tổng nguồn vốn đầu tư là 28.038,615 triệu đồng, cho thấy còn tồn tại, sai sót trong tất cả các khâu từ lập, thẩm tra, thẩm định, thiết kế và dự toán công trình, đến khâu chấm xét thầu, nghiệm thu, thanh quyết toán công trình.

Cụ thể: Có 12/20 công trình, đơn vị tư vấn lập thiết kế, dự toán áp dụng mã hiệu định mức không phù hợp và tính tăng khối lượng nhưng trong khâu thẩm tra, thẩm định thiết kế, dự toán của Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Sơn Tây không phát hiện để điều chỉnh, dẫn đến làm tăng giá trị dự toán công trình với tổng số tiền hơn 270 triệu đồng.

Ngoài ra, trong quá trình chấm, xét thầu, Tổ tư vấn kiểm tra đơn giá chi tiết dự thầu không chỉ ra các sai sót, chưa thực sự quan tâm đến đơn giá chi tiết dự thầu mà chủ yếu xem xét giá dự thầu không vượt giá gói thầu (giá trị dự toán xây lắp được duyệt) để đề nghị cấp có thẩm quyền phê duyệt kết quả trúng thầu.

Cùng với đó, chủ đầu tư, tư vấn giám sát, nhà thầu thi công không căn cứ thực tế thi công mà sử dụng số liệu dự toán tính tăng khối lượng so với thiết kế và hồ sơ dự thầu để làm hồ sơ nghiệm thu, thanh toán, quyết toán khối lượng cho nhà thầu thi công xây dựng công trình và các đơn vị tư vấn, các chủ đầu tư (Ban Quản lý dự án) có liên quan với tổng số tiền sai phạm lên đến hơn 392 triệu đồng…

Qua thanh tra Tiểu dự án 3 (Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo) thực hiện trong năm 2019 cho thấy, vẫn còn một số hạn chế, đó là: một số cây giống như cau, cam, xoài bị chết khoản 5%, cây mít Thái Lan chết khoảng 40%. Tại dự án chăn nuôi gà kiến tại xã Sơn Màu tỷ lệ chết hơn 50% (119/207 con), nguyên nhân gà chết được xác định là do các hộ dân chưa có kinh nghiệm trong việc chăn nuôi gà theo phương pháp công nghiệp nên khi phát hiện bệnh không kịp thời để báo cáo chính quyền địa phương hỗ trợ, có 04/17 con trâu bị bệnh chết thuộc xã Sơn Bua, mặc dù cán bộ thú y địa phương có điều trị nhưng không khỏi…

Đối với việc thực hiện chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn thuộc huyện theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 của Chính phủ. Qua thanh tra tại 10/10 trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và THCS trên địa bàn huyện Sơn Tây đã phát hiện một số hạn chế, sai sót.

Cụ thể, về trình tự, thủ tục xét duyệt học sinh bán trú hưởng chính sách hỗ trợ: có 08/09 xã (trừ xã Sơn Tinh), UBND xã trực tiếp trình UBND huyện phê duyệt danh sách học sinh bán trú là không đúng quy định tại điểm d khoản 3 Điều 1 Thông tư số 30/2015/TT-BGDĐT ngày 11/12/2015 của Bộ GD&ĐT.

Mặc dù học sinh bán trú vẫn được hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định, nhưng nhà trường thực hiện chưa đảm bảo quy trình xét duyệt (chỉ tổ chức xét duyệt bán trú và xét duyệt chính sách hỗ trợ học sinh bán trú cùng lúc) và không lập hồ sơ đề nghị hỗ trợ gửi về Phòng GD&ĐT để trình UBND huyện phê duyệt…

Ngoài ra, Phòng Tài chính - Kế hoạch và Phòng GD&ĐT huyện Sơn Tây không tách riêng biệt từng nội dung nguồn kinh phí giao dự toán cho các trường dẫn đến 10/10 trường cấp phát kinh phí hỗ trợ tiền ăn cho học sinh không theo hằng tháng là chưa đúng quy định.

Có 02/10 trường chưa thực hiện việc mua sắm bổ sung, sửa chữa dụng cụ thể dục, thể thao, nhạc cụ, máy thu hình phục vụ sinh hoạt văn hóa, thể dục, thể thao và các vật dụng khác cho học sinh, chưa lập tủ thuốc dùng chung cho khu bán trú và mua các loại thuốc thông thường để xử lý những trường hợp cấp cứu đột xuất…

Trước những tồn tại, vi phạm trên, Thanh tra tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành các quyết định thu hồi, nộp vào tài khoản tạm giữ tổng số tiền sai phạm hơn 392 triệu đồng. Đồng thời kiến nghị Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây chỉ đạo Phòng Kinh tế và Hạ tầng chủ trì, phối hợp với các chủ đầu tư, đại diện chủ đầu tư căn cứ vào các sai phạm đối với 12 công trình được thanh tra mà còn trong thời hiệu xử lý vi phạm thì thực hiện lập thủ tục tham mưu trình cấp có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017 của Chính phủ…

Trưởng các Phòng Tài chính - Kế hoạch, GD&ĐT, Chủ tịch UBND các xã, hiệu trưởng các trường thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách cho học sinh theo đúng trình tự, thủ tục quy định tại Nghị định số 116/2016/NĐ-CP của Chính phủ. Chỉ đạo các đơn vị, cá nhân có liên quan tổ chức thực hiện kiểm điểm, khắc phục sai phạm.

Đọc thêm