Xây dựng nhiều cách thức mới trong xét nghiệm COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế thống kê, trong đợt dịch này khoảng 60% bệnh nhân (BN) không có triệu chứng lâm sàng gây khó khăn cho truy vết, sàng lọc, thời gian ủ bệnh kéo dài 21 ngày. Do dó, xét nghiệm là chiến thuật quan trọng, nhất là xét nghiệm nhanh để khoanh vùng dập dịch hiệu quả; đồng thời triển khai nhiều giải pháp nâng công suất xét nghiệm. 
Xây dựng nhiều cách thức mới trong xét nghiệm COVID-19

Với vấn đề này, Tiến sĩ, bác sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng Khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, cũng đánh giá phải tầm soát rất nhanh, trên diện rộng, tập trung những cộng đồng có yếu tố nguy cơ, phát hiện người mang virus mà không có biểu hiện bệnh. “Xét nghiệm trở thành mấu chốt khi số lượng BN nhiễm trong cộng đồng có rất nhiều, thậm chí F0 còn đang ở đâu đó, rồi người bị lây không có triệu chứng cũng không biết, nhất là nơi đông dân cư như sân bay, bệnh viện,...”, tiến sĩ Hùng phân tích. 

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nhận định, xét nghiệm là chiến thuật quan trọng, nhất là xét nghiệm nhanh để khoanh vùng dập dịch hiệu quả. Thứ trưởng cho biết, công tác xét nghiệm cần đẩy nhanh hơn, nhất là khi phát hiện các ca nhiễm trong khu công nghiệp ở Bắc Ninh, Bắc Giang, Đà Nẵng. Từng địa phương nên xét nghiệm sàng lọc nơi có nguy cơ cao như bệnh viện, nhà máy, khu công nghiệp để chủ động phòng dịch.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn khẳng định, công suất xét nghiệm của Việt Nam hiện nay được cải thiện nhiều. Hiện toàn quốc có 175 phòng xét nghiệm trên cả nước có khả năng thực hiện xét nghiệm nCoV. Trong đó, 125 phòng đủ năng lực khẳng định. Các phòng xét nghiệm có thể thực hiện tới 100.000 mẫu đơn một ngày. Công suất tăng mạnh gấp 5, 10 lần nếu thực hiện bằng phương pháp gộp mẫu (gộp 5, gộp 10...).

Trong cuộc họp ngày 13/5 với lãnh đạo các Vụ/Cục của Bộ Y tế rà soát công tác phòng chống dịch COVID-19 trong thời gian qua, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long tuyên bố thay đổi phương thức từ chạy theo xét nghiệm sang “tấn công” bằng cách chủ động xét nghiệm sàng lọc.

Bộ Y tế đã có những thay đổi trong chiến lược xét nghiệm COVID-19, sử dụng nhiều loại sinh phẩm và nhiều cách thức tiếp cận, như sử dụng kháng nguyên nhanh trong sàng lọc, sử dụng gộp mẫu ở mức độ nhiều mẫu, sử dụng kháng thể…Đồng thời, Bộ Y tế chỉ đạo việc rà soát lại tất cả những người đã nhập cảnh trong thời gian qua, những người hoạt động trong lĩnh vực vui chơi, giải trí, tiến hành xét nghiệm cả kháng nguyên và kháng thể ở những người này để đánh giá và tìm kiếm nguồn lây.

Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định: Trong thời gian rất ngắn, Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp nâng công suất xét nghiệm, chỉ tính riêng trong đợt dịch từ ngày 27/4 đến nay đã thực hiện 306.138 mẫu xét nghiệm, trong đó ghi nhận 643 ca dương tính. Đối với các địa phương, Bộ Y tế đã liên tục yêu cầu phải đảm bảo nâng công suất xét nghiệm. Cuối tuần này Bộ Y sẽ tiếp tục tập huấn về công tác xét nghiệm để nâng cao năng lực xét nghiệm trên toàn tuyến./.