Sống nhanh - sống chậm: 'Bản giao hưởng' của cuộc sống

(PLVN) - Cuộc sống của thế hệ trẻ hiện nay giống như một bản nhạc, có lúc vội vàng, hấp tấp, có lúc chậm rãi, từ tốn. Nhanh và chậm trở thành hai mặt của một vấn đề, không thể tách riêng biệt ra khỏi cuộc sống của những người trẻ.
Sống nhanh là một lựa chọn để thỏa mãn đam mê, cống hiến hết mình của người trẻ. (Nguồn: Mai Anh)

Sống gấp kiểu Gen Z

Thế hệ trẻ ngày nay được coi là những người sống vội, sống gấp để thích nghi với sự phát triển không ngừng nghỉ của thời đại. Nhịp sống của họ lúc nào cũng hối hả, sôi động như một đoạn điệp khúc gay cấn của bản nhạc. Từ công việc, học tập, ăn uống, đi chơi, người trẻ đều tham lam muốn ôm đồm hết tất cả.

Lương Hoàng Anh (25 tuổi), hiện là giáo viên dạy Ngữ văn ở Hà Nội chia sẻ, một ngày 24 giờ đối với cô không đủ. Cụ thể, ngoài công việc chính dạy ở trường công lập, sau 5h chiều, Hoàng Anh lại có những tiết dạy ở trung tâm kéo dài đến 10h đêm. Sau 22h, cô dành thời gian soạn giáo án chuẩn bị cho buổi học hôm sau. Cuối tuần, khi đồng nghiệp nghỉ ngơi, Hoàng Anh tiếp tục đến trường để học lên cao học. Mùa hè, những ngày lễ Tết, cô cũng sử dụng triệt để du lịch khám phá, đi chơi với bạn bè hoặc đăng ký một số khóa học cắm hoa, thêu thùa.

Cuộc sống của Lương Hoàng Anh là đại diện cho lối sống gấp của người trẻ hiện nay. Đây phong cách sống nhanh, từng bị mọi người trong xã hội nhìn nhận tiêu cực như một lối sống “ăn xổi”, hời hợt, ôm đồm nhiều việc ảnh hưởng đến tinh thần, sức khỏe. Tuy nhiên, thực tế, không phải tất cả người trẻ đều như vậy. Sống gấp có thể chỉ diễn ra tại một lĩnh vực trong cuộc sống của người trẻ nhằm thỏa mãn nhu cầu như: thành công trong công việc, khao khát thể hiện cái tôi, tìm kiếm cảm giác hạnh phúc...

Nguyễn Mai Anh (30 tuổi, Hà Nội), chia sẻ, ở ngưỡng tuổi 30, cô trân trọng thời gian của tuổi trẻ hơn bao giờ hết: “Tôi nhận ra thời gian trôi đi, bản thân sẽ nhanh chóng bước vào tuổi trung niên”. Vì vậy, Mai Anh có cả một “lịch trình” để thỏa mãn đam mê, khám phá. Một ngày ngoài 8 tiếng đi làm ở văn phòng, cô liên tục tham gia các lớp tập thể dục vào sáng sớm, lớp học vẽ, âm nhạc vào buổi chiều, buổi tối cô đến câu lạc bộ khiêu vũ và nhảy đến đêm thì về nhà. Nhiều hôm bận rộn, cô bỏ luôn bữa cơm tối. Mai Anh chia sẻ lý do sống gấp của mình: “Mong muốn được sống trọn vẹn, sống hết mình, để không bao giờ hối hận khi về già”.

Ngược lại, với Mai Anh, là Hoàng Ngọc Trí (26 tuổi, Hà Nội), hiện đang làm một lập trình viên, chia sẻ cách “sống gấp” của anh khác với mọi người. Anh sống gấp để… ăn. Trước đây, một ngày Ngọc Trí có thể đặt đến ba bốn lượt đồ ăn. Anh ăn tất cả những món mà mình thèm. Ngay cả khi đi tập thể dục, anh cũng phải chọn những tuyến đường có nhiều hàng quán để dễ dàng mua được đồ ăn. Chia sẻ về cách sống gấp “độc lạ” này, Ngọc Trí cho biết: “Tôi không có nhiều sở thích, sống khá khô cứng và buồn tẻ. Cho nên, được ăn và nấu ăn khiến tôi hạnh phúc, vui vẻ sau giờ làm việc căng thẳng. Để giữ cho bản thân có nguồn năng lượng tích cực, tôi chọn “sống gấp” cùng các món ăn”.

Đối với thế hệ trẻ ngày nay, họ thường quan niệm cuộc sống chỉ có một lần nên cần phá bỏ những giới hạn, tìm kiếm sự mới mẻ, thử sức với những cột mốc quan trọng của cuộc đời, biết đâu họ lại tìm ra một giới hạn mới của bản thân. Để khám phá những tiềm năng của mình, người trẻ không thể lúc nào cũng sống chậm, mà phải nắm bắt cơ hội, quyết tâm cao độ để thực hiện giấc mơ.

Đi kèm với lối sống gấp, vội vàng “tận hưởng tuổi trẻ” đó là những hệ lụy về sức khỏe tinh thần, thể chất của người trẻ ngày càng kém đi. Có những người vì ham công, tiếc việc mà bị mắc bệnh của người già dù mới 20, 30 tuổi. Căn bệnh về tâm lý như trầm cảm, suy nhược cũng dần trở thành một nỗi ám ảnh, chực chờ trong mỗi người trẻ. Lương Hoàng Anh tâm sự, với cuộc sống làm việc, vui chơi “bạt mạng”, đã có khoảng thời gian dài, cô rơi vào trạng thái u uất, buồn bã, kiệt quệ năng lượng do ôm đồm quá nhiều việc. Hoàng Ngọc Trí cho biết, có thời gian dài vì ăn uống mất kiểm soát, anh đã tăng gần 15 kg trong hai tháng, khiến cơ thể yếu đi. Thậm chí đã có lúc, Trí rơi vào trầm cảm, không muốn nhìn hình thể “xấu xí” của mình.

Sống chậm để người trẻ “tạm nghỉ” nạp lại năng lượng và có lựa chọn

đúng đắn nhất. (Ảnh minh họa, nguồn: Internet)

Chậm lại để kết nối

Một con người không thể tách biệt hoàn toàn ra khỏi nhịp sống của thời đại. Nên, sống nhanh và sống chậm đã song song tồn tại trong cuộc đời của rất nhiều người trẻ. Họ tìm cách để cân bằng lại tinh thần trong chính giờ phút sống nhanh, sống gấp.

Như Hoàng Ngọc Trí sau một thời gian sống với “thú vui” ăn uống, nhận lại những hậu quả về cả tinh thần và thể chất. Hiện tại, anh học cách ăn chậm. Ngọc Trí hào hứng chia sẻ đây là một phong trào, được nhà báo và tác giả ẩm thực người Ý Carlo Petrini khởi xướng vào năm 1986. Phong trào “ăn chậm” nhằm phản đối kế hoạch mở một nhà hàng McDonald ở trung tâm Rome. Cách ăn này kêu gọi mọi người bỏ thức ăn nhanh, quay về thưởng thức những món ăn truyền thống bản địa. Ngọc Trí cho biết, với cách ăn này, anh không sử dụng đồ ăn sẵn, mà chuyển qua tự học nấu ăn, hạn chế mua đồ ăn bên ngoài. Đồng thời, anh cũng ăn chậm, nhai kỹ để thưởng thức các món ăn và tập thể dục nhẹ nhàng. Nhờ lối sống mới, mà Ngọc Trí quay về cân nặng 60kg. Anh chia sẻ: “Tôi vẫn ăn những món mình yêu thích, ăn nhiều bữa một ngày. Nhưng tôi thưởng thức món ăn một cách chậm rãi. Trân trọng thực phẩm hơn, khi tự tay mình mất công sức để chế biến”.

Sống chậm không có nghĩa là làm mọi thứ với tốc độ rề rà, lười biếng mà là quay về với một tốc độ phù hợp với bản thân mỗi người. Bản chất của việc sống chậm không nằm ở thời gian được đo lường bởi số lượng mà quan trọng được chất lượng của từng việc mà con người dành thời gian thực hiện. Lương Hoàng Anh cho biết, cô là một người “tham công, tiếc việc”, nhận ra tinh thần ngày càng mệt mỏi, suy kiệt. Cô đổi mới phương pháp làm việc, thay vì làm nhiều việc một ngày, Hoàng Anh lập ra một biểu đồ, làm kỹ một đến hai việc trong ngày. Nhờ đó chất lượng công việc của Hoàng Anh đi lên rất nhiều. Thời gian rảnh, thay vì đi chơi, du lịch với bạn bè, cô đến hội nhóm thiền, đi tập những bộ môn như: Yoga, múa ba - lê để cân bằng lại cuộc sống: “Tôi nhận ra, việc sống chậm không nhất thiết phải dừng mọi thứ lại. Mà học cách điều chỉnh tâm trí, tinh thần cân bằng, minh mẫn nhất”.

Dù lựa chọn lối sống nào, người trẻ tuổi cũng sẽ tìm được điểm “cân bằng”. (Nguồn: Hoàng Anh)

Thực tế, rất nhiều nước trên thế giới đang khuyến khích người dân sống chậm lại. Không phải chậm về tốc độ, mà chậm để tìm kiếm sự bình an, sáng suốt trong tâm trí. Từ đó giúp con người có được định hướng, lối đi đúng đắn phù hợp nhất với bản thân. Cũng nhờ lối sống chậm, mọi người mới có đủ thời gian để kết nối với nhau, san sẻ tình yêu thương trong một xã hội ngày càng “lạnh lẽo”. Nguyễn Mai Anh tâm sự, sống chậm đối với cô không phải là trốn đến một vùng quê, đồi núi để thư giãn. Mà ngay trong chính điệu nhảy, cô có thể tìm được bình yên: “Cuộc sống cũng giống như một bản nhạc, có những lúc tôi nhảy một điệu Cha Cha Cha quay cuồng. Nhưng có lúc, tôi dừng lại ở điệu Valse nhẹ nhàng”. Khi nhảy bản tiết tấu chậm, tôi kết nối với người bạn nhảy của mình, mỉm cười người ở xung quanh và thả hồn theo âm nhạc để thư giãn trong chính khoảnh khắc sống hết mình vì đam mê. Nhờ có âm nhạc, cô đã cởi mở hơn, khi về quê, thay vì ở lì trong nhà như trước, cô ra ngoài cùng mẹ, thăm họ hàng, dạy nhảy cho những bà con ở dưới quê.

Thực tế, sống nhanh, sống chậm không thể tách biệt hoàn toàn ra khỏi cuộc sống của người 20, 30 tuổi. Vì tuổi trẻ là phút giây bốc đồng, sôi nổi tận hưởng cuộc sông, là khoảng thời gian để khám phá thế giới, mắc sai lầm, tạo ra kỳ tích, sáng tạo nên màu sắc của riêng bản thân. Tuy nhiên, trong hành trình cuộc đời, cần nhiều khoảng lặng để bước chậm lại, tiến xa hơn. Giúp con người tìm thấy sự bình yên trong tâm hồn, cảm nhận dòng chảy của cuộc sống và trân quý niềm hạnh phúc giản đơn bên gia đình, bạn bè, người thân.

Vì vậy, không có một cách sống nào là hoàn hảo với một con người. Mà nên sống hết mình, cống hiến cho cuộc sống cho đam mê, niềm hạnh phúc. Khi đã trải nghiệm đủ, hãy cho bản thân những điểm “nghỉ” để nạp năng lượng, cảm nhận rõ hơn, yêu thương nhiều hơn, sắp xếp thứ tự ưu tiên và nhận ra đâu là giá trị bất biến trong cuộc đời.

Phần Lan được đánh giá là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới, người dân của họ luôn cân bằng giữa việc sống hết mình và nghỉ ngơi thư giãn. Theo trang adventures.com, mùa đông ở Phần Lan kéo dài khoảng 6 tháng và thường rất lạnh. Người Phần Lan luôn tận dụng tối đa thời gian ở ngoài trời vào mùa hè của họ.

Người Phần Lan sống theo “tinh thần sisu”, tức là luôn kiên cường, dũng cảm đương đầu với những thử thách trong cuộc sống. Bản thân họ cũng làm việc hết mình, cạnh tranh một cách lành mạnh. Nhưng không bao giờ đẩy bản thân đi quá xa giới hạn của bản thân.