Điều đáng nói, sau gần 3 năm UBND tỉnh ủy quyền quản lý cho UBND TP Quảng Ngãi, tình trạng khai thác trái phép càng rầm rộ hơn. Dư luận đặt nghi vấn, phải chăng TP Quảng Ngãi xin giao quyền chỉ để… buông lỏng?
Bao che cho DN sai phạm?
Trong số trường hợp khai thác cát trái phép ở hạ lưu sông Trà Khúc, doi cát nằm giữa sông thuộc thôn Thanh Khiết, xã Nghĩa Hà được TP Quảng Ngãi tổ chức đấu giá. Công ty TNHH MTV XD Phú Gia Tiên trúng đấu giá quyền khai thác và được cấp giấy phép ngày 31/5/2019, thời hạn 6 tháng (không bao gồm 3 tháng mùa mưa). Đây cũng là công ty mà người dân phản ánh có hoạt động khai thác cát trộm từ tháng 3/2018.
Như vậy, giấy phép của đơn vị này đã hết hiệu lực khai thác từ tháng 2/2020. Phòng TN&MT TP sau đó có kiến nghị (ngày 10/3) gửi TP xem xét, báo cáo UBND tỉnh cho Công ty Phú Gia Tiên kéo dài thời gian khai thác đến 30/6, nhưng tỉnh chưa chấp nhận.
Dù giấy phép khai thác cát và các giấy tờ liên quan chưa hoàn thiện nhưng Phú Gia Tiên vẫn ngang nhiên hút cát tại vị trí đất đang canh tác nông nghiệp của bà con từ trước đó chứ, không như báo cáo của Phòng TN&MT.
Không những thế, Công ty này còn khai thác sai chỉ giới mà Phòng TN&MT giao. Việc Công ty làm điểm đấu nối cũng đã gây cản trở giao thông qua lại của người dân trong quá trình vận chuyển nông sản thực phẩm ngoài gò bãi. Từ năm 2018, Phú Gia Tiên đã ít nhất 3 lần bị lập biên bản vì hành vi tập kết cát trái phép tại khu vực thôn Thanh Khiết.
Khi giấy phép đã hết hiệu lực, Phú Gia Tiên vẫn công khai hoạt động. Trong giấy phép, Phú Gia Tiên khai thác cát làm vật liệu xây dựng thông thường bằng phương pháp lộ thiên, mức sâu khai thác cos -0,5m, công suất 6.291m3/6 tháng.
Cứ nhẩm tỉnh sẽ thấy, với tốc độ khai thác đó, lượng tài nguyên bị trộm cắp nhiều vô số kể. Không chỉ vậy, Phú Gia Tiên còn bị cho là lợi dụng bến bãi, cho ghe thuyền hút cát trái phép từ nơi khác đưa về vị trí của mình rồi mang bán.
Trao đổi với PV, ông Võ Quang, Phó Chủ tịch UBND TP thừa nhận điều này. Ngoài những bằng chứng PV cung cấp về đoàn xe tải, xe múc ngang nhiên đưa máy múc, máy hút sâu, khi đi thực tế cùng PV, chính ông Quang cũng cho rằng tận mắt chứng kiến Phú Gia Tiên đang hoạt động tại thời điểm không phép; xe chở cát ban đêm “có ngọn”, không che chắn, ngang nhiên chạy trên đường Trường Sa. Tuy nhiên, khó hiểu ở chỗ vì sao người có thẩm quyền biết rõ sai phạm như vậy mà không có động thái gì xử lý?
Việc “xử lý nghiêm” chỉ trên… báo cáo
Lật lại báo cáo của UBND TP Quảng Ngãi về việc chuẩn bị nội dung trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh khóa XII diễn ra vào thời điểm cuối năm 2019, đã thừa nhận, hoạt động khai thác cát trái phép trên sông Trà Khúc diễn ra tại một số địa phương trên.
Nguyên nhân được cho rằng việc lập tổ đội và cấp phép khai thác cát thủ công ngưng thực hiện, dẫn đến tình trạng người dân thất nghiệp nên tiếp tục khai thác, gây khó khăn trong công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác. Ngoài ra, thông tin về ranh giới các khu vực cấp phép khai thác và các khu vực cấm khai thác, các khu vực khoáng sản cần được bảo vệ thiếu tính trực quan ngoài hiện trường, dẫn đến cơ quan quản lý khó theo dõi, giám sát.
Xe ra vào bãi “ăn” cát liên tục. |
Báo cáo trả lời trước cử tri cũng cam kết, chú trọng xử lý đối tượng tự ý lập bến bãi, đấu nối đường, thu mua cát trái phép của hộ dân khai thác cát trái phép để kinh doanh, đóng thuế, làm thất thoát tài nguyên cát và nguồn thu ngân sách. Cương quyết xử lý đối với lãnh đạo cấp xã, phường nếu để xảy ra trường hợp tự ý lập bến bãi, đấu nối đường, thu mua trái phép còn tồn tại nơi địa phương quản lý…
Không những vậy, trong rất nhiều văn bản như Báo cáo số 701/BC-TMMT; Báo cáo 463/BC-UBND, mới nhất trong Công văn số 12/KH-UBND (ngày 4/2) cũng nêu rất nhiều nhiệm vụ như kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, đấu nối vào đường giao thông, làm bãi tập kết mua bán trái phép. Tháo dỡ điểm đấu nối trái phép, lập barie rào chắn các lối lên xuống tại điểm đấu nối. Xử lý hoặc tham mưu UBND TP xử các trường hợp vi phạm…
Song thực tế vẫn không như những gì UBND TP Quảng Ngãi “quyết liệt trên giấy”. Đi dọc con đường Trường Sa ven sông Trà Khúc, tại các điểm khai thác trái phép không hề có bất cứ một barie rào chắn nào. Ông Võ Quang, Phó Chủ tịch UBND TP, cho rằng: “Cũng khó lắm. Nhiều lần các lực lượng chức năng ra quân xử lý với hình thức thu hồi cát đã khai thác, nhưng sau đó “cát tặc” vào uy hiếp, hành hung. Thu dụng cụ càng không phải dễ dàng”.
Vậy rốt cuộc phải chăng TP Quảng Ngãi chấp nhận để sai phạm tồn tại, không xử lý? Ngay đến việc đối tượng sai phạm gây bất ổn đến an ninh trật tự, mà địa phương cũng không có cách giải quyết? Trách nhiệm từ phía UBND tỉnh tin tưởng giao phó cho TP Quảng Ngãi tại Quyết định số 527/QĐ-UBND, TP đã thực hiện nghiêm? Niềm tin của người dân với lãnh đạo TP sẽ ra sao? Những câu hỏi này, ông Võ Quang không trả lời.
Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Đỗ Minh Hải chia sẻ, ngày 28/10/2019, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 831/QĐ-UBND bãi bỏ Quyết định số 527/QĐ-UBND. Tại Điều 2 của Quyết định 831/QĐ-UBND thể hiện, thẩm quyền cấp phép khai thác khoáng sản thuộc UBND tỉnh, Sở TN&MT là cơ quan tiếp nhận hồ sơ.
Ngày 4/3, UBND TP cũng đã có công văn kiến nghị “với khu vực đã được ủy quyền cấp phép, cho phép UBND TP cấp phép chuyển tiếp sang năm 2020”. Tuy nhiên, với những gì PV phản ánh cũng như phía Sở ghi nhận thực tế, đơn vị sẽ có báo cáo UBND tỉnh thực hiện theo đúng Luật Khoáng sản, không xem xét gia hạn khai thác cho những đơn vị đã nêu trên.
Như vậy, việc “du di” chờ xem xét gia hạn, để cho các đơn vị khai thác trái phép hoạt động gây ra nhiều hệ lụy, thất thoát tài nguyên môi trường, rõ ràng thuộc về UBND TP Quảng Ngãi. PLVN sẽ tiếp tục phản ánh trong các số báo sau.