Thế nhưng, hai công trình phòng chống lụt bão trọng điểm có thể mang lại chỗ dựa cho người dân là kênh thoát lũ Nham Biền và đường cứu hộ, cứu nạn lưu vực sông Thương, sông Cầu thì vẫn “đắp chiếu” bao nhiêu năm nay, từ dự án cấp bách hóa thành dự án “treo”.
Lũ đe dọa tính mạng 60 ngàn dân
Dãy Nham Biền cắt ngang với mái núi dốc đứng khiến một khu vực rộng lớn kéo dài từ khu vực sông Thương sang sông Cầu cho tới khu công nghiệp Đình Trám với hàng ngàn hộ dân sinh sống phía dưới (thuộc 5 xã, thị trấn gồm: Tiến Dũng, Cảnh Thụy, Thị trấn Neo, Nham Sơn và Yên Lư) trở thành một vùng rốn lũ khi mùa mưa tới.
Từ thời Pháp thuộc, chính quyền thực dân đã cho đào tuyến kênh dài hơn chục cây số chạy viền theo chân núi, nối từ sông Thương sang sông Cầu nhằm thoát nước mỗi khi lũ về. Nhưng qua nhiều thập kỷ, hiện tại con kênh Nham Biền đã xuống cấp nghiêm trọng, nhiều đoạn bị bồi lấp, sạt lở. Người dân cho biết, mỗi khi mưa lớn là kênh đầy ự, nước chực vỡ bờ. Thống kê cho thấy, có khoảng 60 ngàn dân và khoảng 2.200ha diện tích nông nghiệp luôn nằm trong tình trạng bị đe dọa.
“Tràn kênh, ngập lũ là chuyện thường xuyên xảy ra. Mưa chỉ đổ xuống một lúc đã làm ngập cả tuyến đường 398. Năm trước, khu vực Yên Dũng 1, nơi có Trường Trung học Nham Sơn, lũ ngập quá nhanh khiến giáo viên, học sinh một phen thót tim, chính quyền phải tập trung cho xả lũ khẩn cấp”- ông Nguyễn Văn Sơn, người dân thôn Kem, xã Nham Sơn cho biết.
Đỉnh điểm như mùa mưa năm 2013, nhắc đến người dân địa phương còn chưa hết bàng hoàng. Tuyến kênh Nham Biền đoạn giáp ranh Nham Sơn và Yên Lư không chịu được lượng nước từ mái núi đổ dồn về quá nhanh đã bị vỡ một đoạn dài gần trăm mét, cuốn phăng mọi thứ phía dưới.
Ông Đào Xuân Khởi, Phó Chủ tịch UBND xã Nham Sơn lo âu: “Vào tháng 7/2013, lượng nước rất lớn từ trên núi Nham Biền đổ về đã gây vỡ kênh làm thiệt hại rất lớn đến hàng trăm héc ta lúa, hoa màu, các ao nuôi cá của nhân dân. May lúc đó, hàng ngàn dân và quân đóng ở địa phương đã được huy động ra để gia cố và bịt lại đoạn kênh bị vỡ. Thời tiết ngày càng khó lường, nếu tình trạng này cứ kéo dài không biết còn điều gì xảy ra nữa… ”.
Đường thoát hiểm, cứu hộ, cứu nạn “trên giấy”
Do điều kiện tự nhiên quá đặc biệt, không chỉ canh cánh nỗi lo vỡ kênh Nham Biền mà chính quyền và người dân huyện Yên Dũng còn bị ám ảnh bởi một nỗi lo khác, thậm chí còn lớn hơn, là lũ lớn từ hệ thống sông Thương, sông Cầu và sông Lục Nam, trong điều kiện không có đường thoát hiểm.
“Dân ở đây ai cũng hãi hùng mỗi khi nhắc đến trận lũ nước ngập nóc nhà xảy ra hồi những năm 80. Cho nên kỳ họp hội đồng nhân dân nào cử tri cũng chất vấn, vì sao có dự án đường cứu hộ, cứu nạn rồi, nghe nói ghi vốn rồi mà các ông không triển khai cho dân đỡ lo? - Chúng tôi chỉ ở dưới cấp xã, cũng rất khó giải thích với bà con” – ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã Tiến Dũng kể.
Tìm hiểu PLVN được biết, để đảm bảo và tăng cường khả năng giao thông tạo điều kiện cứu hộ, cứu nạn kịp thời và di dân thoát hiểm khỏi vùng lũ dọc sông Thương và sông Cầu, một dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường dài 19,34km với 6 nhánh tuyến với tổng mức đầu tư 135 tỷ đồng đã được UBND tỉnh Bắc Giang phê duyệt từ năm 2011. Thế nhưng, kể từ khi được duyệt tới nay đã là 4 năm nhưng dự án vẫn nằm bất động trên giấy, chưa có động thái nào cho thấy sẽ được triển khai.
Trao đổi với PLVN, ông Trần Văn Đô, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng, UBND huyện Yên Dũng cho biết, đúng là việc cải tạo tuyến kênh Nham Biền cũng như xây dựng tuyến đường cứu hộ, cứu nạn là vấn đề rất cấp bách của địa phương. Dự án đã được phê duyệt rồi nhưng không thể triển khai vì không có vốn.
“Trong thẩm quyền, trách nhiệm của địa phương, chúng tôi đã nhiều lần cầu cứu tới tỉnh, tỉnh cũng đã có văn bản trình lên Trung ương xin hỗ trợ nhưng đến nay vẫn chưa xong. Không có vốn chúng tôi không biết phải làm sao triển khai”- ông Đô buồn rầu.
Được biết, dự án xây dựng đường cứu hộ, cứu nạn cho nhân dân trong vùng lũ thuộc lưu vực sông Thương và sông Cầu được xác định là dự án cấp bách và đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý hỗ trợ kinh phí để thực hiện từ năm 2010. Nhưng đến nay, sau 5 năm dự án vẫn “dậm chân tại chỗ”, từ cấp bách biến thành dự án “treo”. “Treo” ở đây là “treo” trên đầu dân một túi nước khổng lồ mỗi mùa mưa bão đến.
“Vào tháng 7/2013, lượng nước rất lớn từ trên núi Nham Biền đổ về đã gây vỡ kênh làm thiệt hại rất lớn đến hàng trăm héc ta lúa, hoa màu, các ao nuôi cá của nhân dân. May lúc đó, hàng ngàn dân và quân đóng ở địa phương đã được huy động ra để gia cố và bịt lại đoạn kênh bị vỡ. Thời tiết ngày càng khó lường, nếu tình trạng này mà cứ kéo dài không biết còn điều gì xảy ra nữa…”.
(Ông Đào Xuân Khởi, Phó Chủ tịch UBND xã Nham Sơn, huyện Yên Dũng)