Hàng chục lá đơn được gửi đến các ban, ngành liên quan, thậm chí các hộ dân đã trực tiếp đến Ban Tiếp dân Trung ương để đòi quyền lợi nhưng đến nay tình trạng này vẫn chưa được giải quyết, khiến nhiều người dân bức xúc.
8 vụ lúa bỏ hoang
Cánh đồng Nhà Nà, xã Sơn Dương, huyện Lâm Thao, Phú Thọ lâu nay được biết đến là vựa lúa của huyện Lâm Thao nói riêng, tỉnh Phú Thọ nói chung. Năm 2010, Sở Giao thông vận tải (GTVT) tỉnh Phú Thọ triển khai đầu tư xây dựng dự án 800 tỷ đồng: “Điều chỉnh tuyến quốc lộ 32C đoạn qua thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ” với tổng chiều dài hơn 21km, trong đó đoạn chạy qua khu vực đồng Nhà Nà có chiều dài khoảng hơn 600m/tổng số gần 4km đường chạy qua xã Sơn Dương. Sau khi dự án tiến hàng đổ đất hình thành mặt đường thì toàn bộ cánh đồng rộng hơn 8ha của 118 hộ dân ở khu 1 và khu 2 bị bỏ hoang.
Hơn 4 năm trôi qua, dự án đã cơ bản hoàn thành nhưng việc ruộng bỏ hoang thì vẫn còn đó; bèo tây mọc lên xanh ngắt còn người dân ngày đêm vẫn đem đơn gõ cửa các cấp chính quyền liên quan mà vẫn chưa xử lý, khiến nhiều người dân bức xúc.
Bà Nguyễn Thị Tuyết, Trưởng khu dân cư số 1, xã Sơn Dương cho biết: Từ khi con đường 32C hình thành (đoạn chạy qua cánh đồng Nhà Nà) thì toàn bộ cánh đồng bị ngập úng, có hộ bị ngập đến 5 sào.
“Ruộng bỏ hoang, dân không có công ăn việc làm đã lâm vào hoàn cảnh khó khăn. Cực chẳng đã, người dân nhiều lần viết đơn kiến nghị đến các cấp chính quyền đề nghị hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại do ngập úng, nhưng đến nay duy nhất một vụ mùa năm 2010 bà con được hỗ trợ, 8 vụ còn lại bà con chưa được hỗ trợ gì…”, bà Tuyết bức xúc!
Chủ nhiệm Hợp tác xã Sơn Dương Nguyễn Kim Phiến chia sẻ, trước những bức xúc của 118 hộ dân có diện tích đất nông nghiệp bị bỏ hoang, bà con đã làm đơn kêu cứu đến các cấp có thẩm quyền liên quan, thậm chí người dân đến Ban Tiếp dân Trung ương để đòi quyền lợi và hướng hỗ trợ cho người dân nhưng 4 năm với 8 vụ bỏ hoang mà người dân chỉ được Ban dự án hỗ trợ đúng 1 lần (vụ mùa năm 2010) còn 8 vụ chưa được đền bù.
Người dân xã Sơn Dương đang đứng nhìn cánh đồng chết |
Lý giải về vấn đề này, ông Dương Hoàng Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án giao thông (Sở GTVT Phú Thọ) cho biết: Khu vực đồng Nhà Nà là khu đồng chiêm trũng, khi đơn vị thi công làm cống tiêu nước cho cánh đồng này đã tính toán kỹ về độ tiêu úng cho cánh đồng. Tuy nhiên, ở phía hạ lưu cống (khu vực đồng Bờ Sấu, xã Sơn Vi), người dân thường xuyên đắp bờ giữ nước để nuôi trồng thủy sản, do đó khi có mưa cánh đồng Nhà Nà và khu vực đồng Bờ Sấu có mực nước ngang nhau nên nước ở cánh đồng Nhà Nà không thể chảy xuống được và gây ngập ở cánh đồng này.
Trước những tập đơn kêu cứu của người dân xã Sơn Dương, ngày 31/3/2015, UBND tỉnh Phú Thọ có công văn gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở GTVT và một số ngành liên quan kiểm tra hồ sơ và thực địa xác định các nguyên nhân gây ngập úng, diện tích, loại đất bị ảnh hưởng; báo cáo, đề xuất biện pháp với Chủ tịch UBND tỉnh trước ngày 14/4 để có hướng giải quyết…
Theo đó, ngày 8/5/2015, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Thọ có công văn báo cáo UBND tỉnh về việc xác minh, đề xuất giải quyết đơn của một số hộ dân xã Sơn Dương. Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì việc triển khai thi công xây dựng công trình tuyến quốc lộ 32C, đoạn qua địa bàn huyện Lâm Thao làm chia cắt khu vực tiêu nước, ảnh hưởng đến việc kéo dài thời gian tiêu thoát nước cho cánh đồng Nhà Nà, xã Sơn Dương.
Về vấn đề này, ông Dương Hoàng Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án giao thông cho hay, Sở GTVT tỉnh Phú Thọ đã nhiều lần phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra thực tế và đã có những nội dung đề xuất với UBND tỉnh. Tuy nhiên, việc giải quyết như thế nào Sở vẫn đang đợi ý kiến chỉ đạo của tỉnh.
Bao giờ những thắc mắc, kiến nghị bồi thường và việc xác định nguyên nhân gây ra ngập úng ở cánh đồng Nhà Nà của người dân được giải quyết? Câu hỏi này xin được nhường lại cho các cấp chính quyền tỉnh Phú Thọ nói chung, huyện Lâm Thao nói riêng. Đề nghị các cấp chính quyền tỉnh Phú Thọ và huyện Lâm Thao sớm có cách giải quyết nhằm đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn, tránh những đơn thư khiếu kiện kéo dài.