Bạo lực học đường - Nỗi sợ khi đến trường

(PLO) - Hiện nay, bạo lực học đường đang trở thành mối lo lắng, quan tâm lớn của toàn xã hội và là vấn đề “đau đầu” của ngành giáo dục. Hàng loạt clip liên quan đến bạo lực học đường được tung lên các trang mạng là tiếng chuông cảnh báo cho nền giáo dục nước ta…
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Sợ đến trường
Hàng ngày, con em của chúng ta đến trường nhưng chúng ta không thể không lo lắng khi chứng kiến những clip bạo lực học đường được tung lên mạng với những hình ảnh học sinh nam, nữ túm tóc, đấm đá nhau. Bản thân nhiều học sinh khi trực tiếp chứng kiến những cảnh này hoặc xem gián tiếp qua mạng internet đều có những lo lắng nhất định. Các em cảm thấy không được an toàn, lo lắng về việc bạo lực học đường có thể xảy ra bất cứ khi nào.
Có thể thấy rằng, tình trạng bạo lực học gây tổn thương cả về thể chất lẫn tinh thần, làm ảnh hưởng trực tiếp đến học tập, tâm lý của các nạn nhân, tạo tâm lý hoang mang, lo lắng đối với các học sinh khác. Không những thế, nhiều khi không phải là đánh nhau mà chỉ là đùa nghịch nhưng vì thiếu hiểu biết mà các em đã sử dụng những vật dụng như gậy, dao kéo… gây ra những hậu quả hết sức đau lòng.
Bạo lực học đường để lại nhiều tác hại nghiêm trọng, khó lường, nạn nhân bạo lực học đường bị tổn thương về thể xác và tinh thần. Nó còn làm cho bản thân người gây ra bạo lực trở thành con người phát triển không toàn diện, mất dần nhân tính, làm gương xấu cho học sinh khác, gây nguy hại cho xã hội. Người gây ra bạo lực học đường cũng phải gánh chịu hậu quả vì có thể bị đuổi học hay nặng hơn là vướng vòng lao lý, bị bạn bè xa lánh, xã hội lên án… mà lẽ ra ở độ tuổi này họ vẫn được vui chơi và được cắp sách đến trường.
Thái độ sai trong nhận thức và hành động của người gây ra bạo lực học đường trên là do sự phát triển thiếu toàn diện, thiếu hụt về nhân cách, thiếu khả năng ứng xử và sự non nớt trong kỹ năng sống, trong đó có phần giáo dục chưa đúng hướng của cha mẹ, nhà trường. Ví dụ như cha mẹ thường nặng lời quát tháo con cái; nhà trường giáo dục còn nặng về kiến thức văn hóa, chưa thật sự chú trọng nhiều đến việc giáo dục con người theo đúng câu châm ngôn “tiên học lễ, hậu học văn”… Bên cạnh đó cũng phải kể tới sự ảnh hưởng của phim ảnh bạo lực, của môi trường sống…
Để niềm vui đến trường được trọn vẹn
Điều này đòi hỏi phải có các giải pháp tích cực nhằm ngăn chặn bạo lực học đường và điều không thể thiếu là sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường, có như vậy mới có thể rèn luyện, giáo dục kỹ năng sống để các em hoàn thiện nhân cách vươn tới những điều chân - thiện - mỹ.
“Tiên học lễ, hậu học văn”, truyền thống coi trọng đạo đức đã ăn sâu trong máu biết bao thế hệ  dân tộc Việt Nam. Nhưng ngày nay, truyền thống đó đang dần biến mất khi vấn đề bạo lực học đường đang xuất hiện ngày càng nhiều trong cuộc sống học trò. Vì vậy, giải pháp trước mắt đòi hỏi chúng ta phải quản lý, ngăn chặn và có chế tài hiệu quả đối với những hoạt động có tác hại đến môi trường văn hóa xã hội. Đồng thời, gia đình và nhà trường phải quan tâm đến tâm tư, nguyện vọng của các em để phát hiện được những biểu hiện bất thường. Có như vậy chúng ta mới có thể xây dựng được môi trường học đường lành mạnh và đem lại niềm vui và hy vọng cho học sinh, phụ huynh mỗi khi các em đến trường. 

Đọc thêm