STEM “nên duyên” cùng phụ nữ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tỷ lệ nữ giới tham gia lĩnh vực STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học) hiện nay trên toàn cầu là rất thấp. Theo UNESCO, chỉ có 29% số người làm trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển khoa học là phụ nữ, tỷ lệ này đặc biệt thấp ở khu vực Nam và Tây Á, chỉ chiếm 19%. Thế nhưng, việc phụ nữ dấn thân trong lĩnh vực STEM tuy “khó mà không khó”, bởi năng lực học khoa học công nghệ của nam và nữ là hoàn toàn giống nhau. Điều quan trọng là bản thân dám theo đuổi đam mê…
Phụ nữ không hề là phái yếu khi đến với STEM.
Phụ nữ không hề là phái yếu khi đến với STEM.

3 sự thật về phụ nữ trong lĩnh vực STEM

Khả năng tiếp thu của nữ sinh tốt ngang bằng hoặc hơn nam sinh. Phụ nữ hoàn toàn có thể chinh phục lĩnh vực STEM. Khả năng này thể hiện từ việc tiếp thu các môn học STEM ở nữ sinh, trái với định kiến cho rằng con gái không thể giỏi các môn Toán, Khoa học, Kỹ thuật... như con trai. Theo một bài báo của nhà tâm lý học Gijsbert Stoet (ở Đại học Leeds Beckett, Anh) và David Geary (ở Đại học Missouri, Mỹ) công bố trên tạp chí Psychological Science, sau khi xem xét điểm bài kiểm tra ở 67 quốc gia và vùng lãnh thổ, họ nhận thấy phần lớn các nước, nữ sinh học ngang bằng hoặc giỏi hơn nam sinh ở môn Khoa học, Toán học.

Trong những năm gần đây, STEM ngày càng được quan tâm, đạt được nhiều thành tựu và có những bước phát triển trong thị trường việc làm lẫn giáo dục. Người viết những chương trình máy tính đầu tiên; người sử dụng tia X-quang khám phá ra cấu trúc của thuốc penicillin, insulin và vitamin B12; người phát minh hệ thống truyền tín hiệu không dây và cả người phát minh cần gạt nước cho kính chắn gió... đều là phụ nữ. Họ đã góp phần không nhỏ trong việc thay đổi thế giới. Có thể thấy rằng không chỉ nam giới mới là chủ nhân của những sáng kiến vĩ đại.

Tuy vậy, khoảng cách lớn về giới vẫn tồn tại trong STEM. Theo Viện Thống kê của UNESCO, phụ nữ tiếp tục là nhóm thiểu số trong khoa học khi chỉ chiếm chưa đến 30% tổng nhân lực nghiên cứu toàn cầu. Cụ thể, nữ giới chiếm chưa đến 50% nhân lực nghiên cứu tại khu vực Trung Á. Con số này ở khu vực Nam và Tây Á còn thấp hơn, khoảng 18%. Khu vực Mỹ Latinh và Caribbean, Trung Đông, Trung và Đông Âu có tỷ lệ trung bình phụ nữ làm nghiên cứu khoảng 40%. Trong khi con số này ở khu vực Bắc Mỹ, Tây Âu và Cận Sahara là khoảng 30%. Con số thấp nhất trong cuộc khảo sát này là Cộng hòa Chad (thuộc châu Phi) với 5% nhân lực nghiên cứu là nữ. Trong các tập đoàn công nghệ hàng đầu trên thế giới như Microsoft, Google, Apple, Facebook... chỉ khoảng 20% các vị trí việc làm hiện có là do nữ giới đảm nhiệm.

Tham gia STEM có cơ hội việc làm lớn. Bằng chứng là việc cổ vũ phụ nữ tham gia thị trường việc làm STEM không chỉ nhằm thu hẹp khoảng cách với nam giới mà còn bởi đây là một thị trường nhiều cơ hội. Tại Mỹ, 75% các ngành nghề phát triển nhanh nhất đòi hỏi các kỹ năng toán học hoặc khoa học đáng kể. Vì thế, nắm trong tay các kỹ năng, kiến thức STEM, cơ hội việc làm sẽ rộng mở hơn.

Theo Cục Thống kê Lao động Hoa Kỳ, mức lương trung bình hàng năm cho các nghề STEM vào năm 2019 là 86.980 USD, nhiều hơn 48.820 USD so với các nghề không thuộc STEM. Trung bình, phụ nữ trong các lĩnh vực STEM có thu nhập nhiều hơn 33% so với những người không có nghề nghiệp liên quan đến STEM. Theo Cục Thống kê Lao động Hoa Kỳ, mức lương trung bình hàng năm cho các nghề STEM vào năm 2019 là 86.980 USD, nhiều hơn 48.820 USD so với các nghề không thuộc STEM.

Phụ nữ và STEM - từ định kiến tới định vị

“Phụ nữ và STEM: Từ định kiến tới định vị” là chủ đề buổi tọa đàm được tổ chức trong khuôn khổ dự án dự án STEMHerVN - “Thúc đẩy sự tham gia của em gái và phụ nữ trong lĩnh vực Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học” do Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) với sự hỗ trợ tài chính của Tập đoàn 3M thực hiện. Chia sẻ về những khó khăn khi làm công việc trong lĩnh vực STEM, chị Hạnh Nguyễn - chuyên viên Liên lạc Trách nhiệm Pháp lý Sản phẩm tập đoàn 3M cho biết: “Đầu tiên là vượt qua định kiến. Thực tế cho đến hiện nay vẫn có rất nhiều định kiến đặt ra đối với phụ nữ như: phụ nữ không giỏi bằng nam giới nên khó có thể làm ngành khó như STEM, hay phụ nữ không đủ sức khoẻ để làm ngành vất vả này, phụ nữ còn phải dành thời gian chăm sóc gia đình trong khi ngành STEM rất bận rộn”.

Chị Hạnh Nguyễn cũng chia sẻ một ví dụ rất thực tế về bất bình đẳng trong tuyển dụng và công việc khi em gái, phụ nữ được tuyển dụng vào ngành STEM, khi phỏng vấn các bạn nam có thể chia sẻ về các định hướng tương lai, những việc mà các bạn có thể làm được và có thể được nhà tuyển dụng ghi nhận là yếu tố để thoả thuận công việc và mức lương. Trong khi đó, em gái - phụ nữ khi tham gia tuyển dụng phải chứng minh về việc mình đã làm được để có thể được ghi nhận và tuyển dụng. 38% các bạn làm trong ngành dữ liệu là nữ, nhưng các khảo sát chỉ ra rằng không nói về năng lực, mức lương của các bạn nữ sẽ thấp hơn. Ngoài các định kiến bên ngoài, các em gái còn phải đối mặt với các định kiến bên trong khi tự đặt khuôn mình là yếu hơn, không giỏi bằng các bạn nam, sợ bị mọi người đàm tiếu, sợ không thể cân bằng thời gian giữa công việc và gia đình.

Xuất phát điểm là một học sinh khối xã hội nhưng lại theo đuổi ngành năng lượng, chị Lê Gia Thanh Trúc, thủ khoa tốt nghiệp, khoa Năng lượng – Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) năm 2018, hiện đang là chuyên viên phát triển dự án của Tập đoàn Tur Nord cho biết: “STEM vẫn luôn là một ngành khó, điều này mình hoàn toàn đồng ý, bản thân mình cũng phải cố gắng rất nhiều để bắt kịp kiến thức được học trên trường và tự cập nhật thêm kiến thức mới để có được thành tích tốt trong việc học cũng như công việc. Tuy nhiên, khó khăn này theo mình là thách thức với cả nam và nữ, không phải chỉ riêng với phụ nữ”.

Học bổng và cơ hội việc làm cho phụ nữ trong STEM luôn rộng mở.

Học bổng và cơ hội việc làm cho phụ nữ trong STEM luôn rộng mở.

Là nhà sáng lập SheCodes Việt Nam, bên cạnh những khó khăn về chuyên môn, chị Nguyễn Huyền My, Đồng sáng lập & CEO SheCodes Vietnam cũng gặp những rào cản trong việc lãnh đạo và vận hành doanh nghiệp: “Mình đã từng đối mặt với sự nghi ngờ của đối tác hay nhà đầu tư bởi vì mình còn khá trẻ và lại còn là phụ nữ làm việc trong ngành công nghệ thông tin, những ngành cần nhiều sáng tạo và tư duy logic - điều mà đa phần mọi người cho rằng nam giới làm tốt hơn. Lúc này, điều cần làm là thuyết phục rằng mọi ngành nghề đều là phi giới tính, nữ giới và nam giới có khả năng và cơ hội như nhau trong bất cứ ngành nghề nào. Ngoài ra, sau những năm làm việc và khảo sát nữ giới, mình nhận thấy đa phần các bạn nữ có một nỗi sợ trong chính bản thân mình, đó là sợ khác mọi người, chưa đủ sự tự tin vào chính bản thân mình. Đây là thách thức mà tự bản thân mỗi người phải tìm cách vượt qua”.

Định kiến giới trong STEM không chỉ phụ nữ mà đàn ông cũng cảm thấy. MC Sơn Lâm - cựu sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội chia sẻ về những khó khăn anh nhận ra từ những phụ nữ xung quanh: “Những định kiến mà phụ nữ phải đối mặt suy cho cùng là định kiến giới và bất bình đẳng giới, điều này làm chúng ta nghĩ rằng phụ nữ có khả năng làm việc không tốt bằng đàn ông, trong khi thực tế có thể họ làm ngang bằng, thậm chí tốt hơn. Ngoài ra, những e ngại trong mối quan hệ nam - nữ cũng làm phụ nữ trở nên rụt rè hơn, ngại làm những công việc có nhân sự đa phần là nam”.

Chia sẻ về cơ hội nghề nghiệp trong lĩnh vực STEM cho các bạn nữ, Thanh Trúc chỉ rõ: “Hiện nay, với sự bùng nổ khoa học kĩ thuật và công nghệ, các ngành STEM đang trở nên đa dạng hơn, cơ hội nghề nghiệp luôn có rất nhiều. Từ những công việc tại các doanh nghiệp, viện nghiên cứu, các tổ chức phi chính phủ hay thậm chí khởi nghiệp đều có thể tìm kiếm trên các trang web việc làm, tài liệu chuyên ngành, báo, tạp chí… Cơ hội luôn có, điều quan trọng là bạn có tìm kiếm nó hay không và bạn có sẵn sàng nắm bắt khi nó đến hay không”.

Chị Hạnh Nguyễn đưa ra lời khuyên: “Không có gì là sai, là khác người khi các em theo đuổi khoa học, công nghệ. Trước hết hãy chuẩn bị tinh thần - tin tưởng rằng “Chúng ta làm được” - việc tin tưởng bản thân tạo sức mạnh cho chính bản thân bạn. Hãy theo đuổi đam mê nhưng phải bằng các hành động thực tế: trau dồi kiến thức, thực hành, khả năng ngoại ngữ, các kĩ năng mềm cần thiết. Khi các em có sự chuẩn bị kĩ lưỡng, cơ hội sẽ đến và các em hoàn toàn có thể nắm bắt. Chúng ta định vị bản thân, đặt mục tiêu và lên lộ trình để đạt được mục tiêu đó, chúng ta sẽ thành công”.

MC Sơn Lâm khẳng định: “Không thể phủ nhận vai trò của phụ nữ trong lĩnh vực STEM hay thậm chí là bất cứ ngành nghề nào khác. Đặc biệt về phía nam giới, tôi cũng mong rằng chúng ta hãy nhìn phụ nữ bằng cái nhìn khách quan nhất, không cần phải nâng họ lên hay nhường nhịn, bình đẳng chính là để cho họ cơ hội ngang bằng, cơ hội lựa chọn dù là trong công việc hay bất cứ lĩnh vực nào trong cuộc sống. Thực tế phụ nữ không cần bất cứ sự ưu tiên nào, chỉ cần được đối xử bình đẳng và không chịu bất cứ định kiến giới nào”.

Trước câu hỏi của khán giả về định kiến “Con gái học STEM thường là đầu to, mắt cận, ngoại hình đơn giản do quá bận rộn, không có thời gian trải chuốt”, Huyền My đã giải đáp: “Mình nghĩ rằng nghề nghiệp không phải là điều quyết định ngoại hình của một người phụ nữ. Bạn hoàn toàn có thể chăm chút cho diện mạo của mình khi bạn là một nhà khoa học, một nữ IT, ngược lại kể cả khi bạn làm công việc xã hội, bạn vẫn hoàn toàn có thể theo phong cách đơn giản, mộc mạc, chỉ cần điều đó làm bạn vui vẻ và tự tin. Ngoại hình không phụ thuộc vào nghề nghiệp, ngoại hình do bạn lựa chọn xem bạn muốn làm phiên bản nào của chính mình”.

Đọc thêm