Ông Trần Trọng Bình, Cục phó Cục cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Bộ Công An) cho biết, bắt đầu từ ngày 1/7/2016, khung hình phạt tối đa cho tội vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm, trong đó có việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi có thể ngồi tù tới 20 năm.
Cụ thể, trong Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 (có hiệu lực từ ngày 1-7-2016) quy định về các tội: sản xuất, buôn bán hàng cấm (Điều 190); tàng trữ, vận chuyển hàng cấm (Điều 191); sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm (Điều 193); vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm (Điều 317) quy định, các cá nhân, tổ chức sử dụng các hóa chất, phụ gia bị cấm trong thực phẩm và thức ăn chăn nuôi sẽ bị phạt hành chính từ 50 – 200 triệu, phạt tù từ 1 – 5 năm. Trường hợp nặng có thể bị phạt tiền 1 tỉ đồng, phạt tù 20 năm.
Giải thích rõ hơn về điều này, ông Bình cho biết, trước đây, tội sử dụng chất cấm trong chăn nuôi vẫn có thể xử lý hình sự nhưng với quy định cấu thành vật chất, tức là phải gây ra hậu quả cụ thể mới đủ căn cứ xử phạt. Tuy nhiên, việc xác định hậu quả là vô cùng rắc rối và khó khăn. “Bị tiêu chảy cũng chưa thể khẳng định ngay là do thực phẩm, còn bệnh ung thư 10 năm sau khi ăn thực phẩm bẩn liên tục mới chết người”.
Tuy nhiên, bộ luật hình sự mới có hiệu lực từ ngày 1/7 quy định, chỉ cần cấu thành hình thức, thay vì cấu thành vật chất như cũ là có thể có căn cứ để xử phạt. Tội sử dụng chất cấm trong chăn nuôi sẽ bị xử lý hình sự, cấu thành các tội liên quan đến sức khỏe, tính mạng con người.
Ông Bình chia sẻ: “Không lẽ chỉ cần đe dọa người khác là cấu thành tội phạm, mà đưa chất cấm vào cơ thể con người lại phải đợi có hậu quả mới xử lý. Tội này sẽ được đưa lên như tội “cướp và giết”, cũng giống như việc chỉ cần kề một con dao nhựa vào cổ nạn nhân, yêu cầu đưa 10 nghìn đồng là đã cấu thành tội cướp, dù chưa cần xác định hậu quả”.
“Phải phạt nặng mới khiến người ta suy nghĩ, đắn đo trước khi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi bởi hậu quả không chỉ bị phạt tiền rất nặng mà còn buộc phải chịu trách nhiệm hình sự, tù tội”.
Trước đó, vào cuối năm 2015, trước thực trạng sử dụng tràn lan hóa chất, chất phụ gia bị cấm trong chăn nuôi, chế biến thực phẩm gây nguy hại đến sức khỏe con người, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã kêu gọi, “phải coi việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi là một tội ác và phải bị xử lý như tội phạm ma túy”.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy,việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi vẫn tồn tại. Trong 2 tháng qua, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49) Bộ Công an cùng Thanh tra Bộ NN-PTNT đã phát hiện 18 vụ (trên tổng số 40 vụ thanh tra) vi phạm về sử dụng chất cấm, xử phạt hành chính với số tiền 2,6 tỷ đồng.