Thông tin tại Hội thảo "Kết nối ngành Di chuyển thông minh" do Cục Ngoại thương Đài Loan - TITA (Trung Quốc) và Hội đồng Phát triển Ngoại thương Đài Loan - TAITRA (Trung Quốc) tổ chức, ông Tony Meng, Tổng Giám Đốc Delta Electronics tại Việt Nam nhấn mạnh, với sự gia tăng đáng kể về sự ưa chuộng của xe điện và hệ thống giao thông thông minh, Việt Nam đang là một trong những thị trường tiềm năng.
"Việt Nam đang chứng kiến một sự gia tăng đáng kể trong sự phát triển các giải pháp di chuyển thông minh. Số lượng xe điện và các hệ thống giao thông thông minh đang ngày càng được ưa chuộng và triển khai rộng rãi. Về tương lai, dự kiến rằng ngành công nghiệp di chuyển thông minh tại Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ do sự đầu tư và hỗ trợ từ chính phủ, sự gia tăng nhận thức về vấn đề môi trường và nhu cầu ngày càng tăng về các giải pháp di chuyển tiện ích và bền vững." - ông Tony Meng nhận định.
Ông Tony Meng - Tổng Giám Đốc Delta Electronics tại Việt Nam chia sẻ về xu hướng toàn cầu trong sạc xe điện |
Chia sẻ về sự phối hợp giữa Hệ thống Giao thông thông minh (ITS) và Hệ thống Giao thông vận tải công cộng tiên tiến (APTS) , ông Trần Kiên, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Advantech Việt Nam nhấn mạnh sự phổ biến của công nghệ thông minh trong quản lý giao thông, đặc biệt là trong bối cảnh gia tăng của các mô hình xe điện và cơ sở hạ tầng sạc.
"Việc sử dụng công nghệ thông minh để quản lý hạ tầng giao thông đang dần trở nên phổ biến tại các tỉnh thành. Các ứng dụng di động và hệ thống giám sát theo thời gian thực được triển khai để cải thiện an toàn và tăng sự thông suốt trong lưu thông. Cùng với đó thì các dự án giao thông công cộng như hệ thống xe buýt thông minh, hệ thống đỗ xe thông minh và các giải pháp tăng cường giao thông công cộng cũng đang được được triển khai một cách rất quyết liệt." - ông Kiên nhận định.
Từ thực tế hoạt động của doanh nghiệp, đại diện Advantech Việt Nam cho rằng ITS cần 4 yếu tố: Hạ tầng thông minh (Đèn giao thông, phân làn, trạm sạc…); Phương tiện giao thông thông minh (xe buýt, tàu điện,..); Công nghệ mới nhất; Và người tham gia giao thông thông minh.
Trong khi đó, APTS sẽ cung cấp thông tin cho người đi đường, làm sao để có thể tối ưu, tiết kiệm thời gian, quãng đường ngắn nhất. Điều này đồng nghĩa với việc lượng phát thải cũng được giảm đi.
“Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng cần nhận diện được những khó khăn khi sử dụng công nghệ thông minh để quản lý hạ tầng giao thông Đó là: Sự phức tạp trong tích hợp hệ thống; Các quy chuẩn văn bản pháp lý; Kết nối giữa OBU và APTS (từ xe lên hệ thống); Sự ổn định của sóng 4G 5G; Đào tạo vận hành và đào tạo chuyển giao.
Xe buýt điện VinBus và xe buýt điện thông minh đầu tiên hoạt động tại Việt Nam |
Tại sự kiện, bà Trần Thanh Hằng - Đại diện Hội đồng Phát triển Ngoại thương Đài Loan (Trung Quốc) đã giới thiệu các triển lãm 2024 về những xu hướng và sản phẩm mới trong lĩnh vực di chuyển thông minh. Không chỉ đồng hành cùng sự phát triển của ngành công nghiệp di chuyển thông minh mà còn tạo ra một nền tảng để các doanh nghiệp thể hiện và chia sẻ sự đổi mới của họ trong môi trường chuyên nghiệp và quốc tế. Các triển lãm này sẽ giúp thúc đẩy sự hợp tác và trao đổi ý kiến, đồng thời tăng cường uy tín và sự hiện diện của ngành công nghiệp di chuyển thông minh trên thị trường toàn cầu.