Cụ thể, 12 TTHC trong lĩnh vực LS được triển khai dưới hình thức trực tuyến mức độ 3 bao gồm: Đăng ký hoạt động của chi nhánh tổ chức hành nghề LS nước ngoài tại Việt Nam, của chi nhánh tổ chức hành nghề LS Việt Nam, của văn phòng LS, công ty luật TNHH 2 thành viên, công ty luật hợp danh, công ty luật TNHH 1 thành viên; chuyển đổi loại hình của tổ chức hành nghề LS; đăng ký hành nghề LS với tư cách cá nhân; cấp lại đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề LS Việt Nam, tổ chức hành nghề LS nước ngoài tại Việt Nam; thành lập văn phòng giao dịch của tổ chức hành nghề LS; thay đổi nội dung đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề LS và cung cấp thông tin của tổ chức hành nghề LS.
Để triển khai các dịch vụ này, Sở Tư pháp Hà Nội đã phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng thống nhất về danh mục và quy trình thực hiện các TTHC này theo quy trình dịch vụ công trực tuyến mức độ 3. Cùng với đó, Sở đã đầu tư một số trang thiết bị như máy tính, máy scan, máy photocopy, hệ thống đường truyền... tại 2 đơn vị là bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ hành chính và Phòng Bổ trợ tư pháp để đảm bảo các thao tác được thực hiện thuận lợi. Đặc biệt, công tác tuyên truyền đã được chú trọng triển khai dưới nhiều hình thức đa dạng như đăng tải trên báo chí, trang thông tin điện tử của Liên đoàn LS Việt Nam, Đoàn LS TP Hà Nội, phát các tờ rơi, tờ gấp...
Từ khi triển khai đến nay, hệ thống đã tiếp nhận và giải quyết gần 20 hồ sơ, trong đó chủ yếu là thay đổi nội dung đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề LS và đăng ký thành lập Văn phòng LS. Việc tiếp nhận và giải quyết hồ sơ qua hệ thống dịch vụ công cơ bản đáp ứng yêu cầu về thành phần hồ sơ, quy trình, thời gian và sự tham gia của các đơn vị liên quan, kết quả giải quyết nhanh gọn hơn, đảm bảo đúng luật, thuận tiện cho các tổ chức, công dân. Tuy nhiên, đây vẫn là con số khá khiêm tốn và chưa đạt được như kỳ vọng đề ra.
Lý giải về tình trạng này, Phó Chánh Văn phòng, Trưởng Bộ phận một cửa, Sở Tư pháp Hà Nội Nguyễn Thị Thanh Thủy cho rằng LS là người nắm vững luật nên họ chuẩn bị hồ sơ rất kỹ lưỡng, ít khi xảy ra sai sót, do đó họ chọn hình thức nộp trực tiếp, ngại nộp qua mạng vì phải chụp, scan các loại giấy tờ là điều dễ hiểu. Việc thay đổi thói quen, tâm lý “chắc ăn” này chỉ trong khoảng 2-3 tháng là rất khó khăn. Do đó, biện pháp mạnh nhất chính là đẩy mạnh tuyên truyền và đa dạng hóa hình thức tuyên truyền để người dùng nhận diện được tiện ích từ các dịch vụ này. Cùng với đó, cần tiếp tục nghiên cứu, cập nhật vào hệ thống cơ sở dữ liệu về LS và bố trí trang thiết bị đồng bộ, hiện đại cho bộ phận một cửa để phục vụ công dân và các đơn vị giải quyết TTHC.
Còn Phó Trưởng phòng Kiểm soát TTHC, Sở Tư pháp Hà Nội Nguyễn Thanh Nga nêu lên thực tế tại bộ phận một cửa của phường, xã, khi công dân gặp vướng mắc sẽ có cán bộ hoặc thanh niên tình nguyện hướng dẫn nhưng ở Sở thì không có điều kiện làm như vậy bởi công việc chuyên môn thường trong tình trạng quá tải. Trong khi đó, tâm lý người dân nói chung và LS nói riêng lại ngại in, chụp tài liệu, cán bộ không thể làm hộ được nên họ thường e ngại khi sử dụng dịch vụ này. Mặt khác, các công ty hoặc văn phòng luật thường cử nhân viên mang hồ sơ, giấy tờ đến nộp nên tâm lý của họ là sợ mất mát, thất lạc giấy tờ nên chủ yếu vẫn chọn hình thức nộp trực tiếp.
Do đó, để đội ngũ LS biết, sử dụng rộng rãi và có thể thụ hưởng các tiện lợi từ dịch vụ công này đem lại, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác truyên truyền thông qua báo, đài, các trang thông tin điện tử; giới thiệu thông qua các hội thảo, hội nghị; các công ty luật đã sử dụng dịch vụ này có thể giới thiệu với các đồng nghiệp để dễ tạo lòng tin hơn.