Giải pháp vận tải bền vững trong đô thị
Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội vừa cho ra mắt gần 200 điểm cho thuê xe đạp công cộng với 2.000 chiếc xe được thí điểm tại 7 quận: Tây Hồ, Ba Đình, Đống Đa, Thanh Xuân, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy. Sắp tới sẽ thêm 2 quận Hà Đông và Hoàng Mai sau khi Sở GTVT thống nhất với các bên liên quan để bố trí các điểm.
Trả lời báo chí, ông Đào Việt Long – Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, dự án thí điểm sử dụng 100% vốn xã hội hóa, không sử dụng vốn ngân sách. Việc phát triển loại hình này nhằm hỗ trợ các loại hình khác như tàu điện, xe buýt, đa dạng hóa lĩnh vực vận tải hành khách công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Dự kiến mức giá cho thuê trong 30 phút là 5.000 đồng đối với xe đạp cơ và 10.000 đồng đối với xe đạp điện. Người dân thuê xe cả ngày sẽ trả mức giá 60.000 đồng đối với xe đạp cơ và 120.000 đồng đối với xe đạp điện. Hệ thống vé có vé theo tháng, quý và năm. Người dân có thể thanh toán bằng ứng dụng ngân hàng, ví điện tử. Dự án thí điểm trước mắt sẽ gồm hai giai đoạn; trong giai đoạn 1 (2022 – 2023), sẽ thực hiện tại những quận nêu trên; trong giai đoạn 2, sẽ mở rộng phục vụ, quy mô 3.000 xe và 350 điểm cho thuê xe.
Trước đó, mô hình xe đạp công cộng giá rẻ áp dụng tại TP Hồ Chí Minh từ ngày 26/12/2021 (do Sở GTVT TP Hồ Chí Minh cùng Tập đoàn Trí Nam) phối hợp thực hiện, đã được người dân đón nhận tích cực.
Cũng với giá cho thuê xe đạp là 5.000 đồng/30 phút, 10.000 đồng/60 phút; người thuê xe còn có thể đặt xe trước thông qua ứng dụng di động; sử dụng phương thức đóng, mở khóa xe qua việc quét mã QR trên điện thoại thông minh; và thanh toán trực tuyến qua ví điện tử Momo, thẻ Visa, Mastercard,…
Theo thống kê của Công ty CP Dịch vụ vận tải số Trí Nam, chỉ sau gần 1 tháng kể từ ngày khai trương, đã có khoảng 54.000 người (từ 22 – 40 tuổi) thực hiện chuyến đi. Vào những ngày cuối tuần nhu cầu sử dụng tăng cao hơn so với ngày thường. Mục đích thuê xe phần lớn là tập thể dục, tham quan thành phố, trải nghiệm ăn uống.
Hiện nay, mô hình xe đạp công cộng cũng đã xuất hiện ở một số thành phố khác như Vũng Tàu, Đà Nẵng, Hải Dương…
Việc sử dụng xe đạp công cộng được đánh giá có nhiều ưu điểm là thuận tiện, dễ dàng, giá rẻ, góp phần giảm ùn tắc, hạn chế ô nhiễm môi trường, đồng thời hỗ trợ các loại hình vận tải công cộng khác trong đô thị. Điều này đã được chứng minh tại các thành phố văn minh trên thế giới, xe đạp được coi là một phương tiện phổ biến để khám phá thành phố, giúp người dân rèn luyện sức khỏe, thậm chí còn trở thành một đặc trưng của thành phố đó.
Đơn cử, Copenhagen (Đan Mạch), Bogota (Columbia), New York, Washington DC, San Francisco (Hoa Kỳ), Paris (Pháp), Geneva (Thuỵ Sĩ),… đều nổi tiếng với những con đường đạp xe tuyệt đẹp từ trong đô thị đến vòng quanh các con sông, ngọn đồi. Người dân có thể đạp xe đến vài chục km một ngày để tham quan, thư giãn và tập luyện.
Nghiên cứu làn đường riêng để đảm bảo an toàn
Tại Việt Nam hiện nay, do thói quen đi lại của phần lớn người dân vẫn là phương tiện xe máy nên sẽ cần một khoảng thời gian để người dân dần thay đổi nhận thức, hành động.
Trên thực tế, trước đây Hà Nội đã từng triển khai dịch vụ cho thuê xe đạp, phục vụ chủ yếu khu vực quận Hai Bà Trưng, hướng đến đối tượng là sinh viên các trường đại học. Tuy nhiên, do phạm vi hoạt động còn hạn chế nên hình thức này chưa phát huy được hiệu quả, không duy trì được lâu. Do vậy, Sở GTVT Hà Nội đánh giá, để xe đạp đô thị được phổ biến rộng rãi, cần nghiên cứu, đánh giá toàn diện về nhu cầu, phạm vi sử dụng, vị trí đặt điểm trạm, thời gian hoạt động với các nhóm đối tượng khác nhau.
Quan trọng hơn chính là vấn đề an toàn cho người tham gia giao thông bằng xe đạp. Trong môi trường giao thông hỗn hợp tại các đô thị ở Việt Nam, đặc biệt là các thành phố đông dân như Hà Nội và Hồ Chí Minh, việc người đi xe đạp cùng sử dụng chung lòng đường với các loại phương tiện cơ giới khác đều tiềm ẩn nguy cơ va chạm.
Theo ghi nhận của phóng viên, phần lớn người đi xe đạp tại Hà Nội đều không đội mũ bảo hiểm, nếu xảy ra tai nạn thì có thể để lại hậu quả nghiêm trọng. Bên cạnh đó, nhiều xe đạp không trang bị chuông báo hoặc chuông báo có tiếng nhỏ, nên khi tham gia giao thông, người điều khiển phương tiện sẽ khó có thể cảnh báo các phương tiện khác di chuyển cùng chiều.
Nhiều chuyên gia cho rằng, về lâu dài, các thành phố phải nghiên cứu đến việc thiết kế phần đường dành riêng cho xe đạp để đảm bảo an toàn. Hơn nữa, cũng có nhiều ý kiến đề xuất nên cân nhắc đến giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ cho người đi xe đạp giúp cảnh báo cho họ những vị trí ùn tắc giao thông để di chuyển thuận tiện hơn.