Dân không biết đất % đã được vào sổ thành đất thổ cư
Như Báo PLVN đã thông tin, trong đơn gửi tới UBND phường Phương Canh và gửi tới nhiều cơ quan chức năng, ông Đoàn Ngọc Kiên, một hộ dân ở phường Phương Canh cho biết, gia đình ông có một diện tích đất % đã sử dụng từ lâu. Năm 2015, gia đình ông chuyển nhượng cho ông Nguyễn Nam Trung, rồi ông Nguyễn Nam Trung. lại chuyển nhượng lại cho ông Nguyễn Quang Đô gần 200m2 trong tổng khu đất. Việc chuyển nhượng này chỉ được thực hiện viết tay với nhau vì người dân tự biết việc mua bán, chuyển nhượng đất % là hoàn toàn không hợp pháp. Người mua lại số đất này cũng không phải là người dân địa phương, không thuộc diện có thể được cấp đất % trên địa bàn phường.
Ấy thế nhưng, chỉ ngay sau đó một năm, phần đất % mà ông Nguyễn Quang Đ. mua lại đã được phường Phương Canh chứng nhận là đất thổ cư, được quận Nam Từ Liêm cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSĐ-sổ đỏ), nâng giá trị thửa đất lên hàng chục lần.
Bức xúc, gia đình ông Kiên làm đơn khiếu nại, đề nghị được xem hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Nguyễn Quang Đô (là người nơi khác mua lại một phần đất %) thì mới phát hiện thửa đất % mà gia đình ông đang sử dụng đã được phường Phương Canh vào sổ thành đất thổ cư từ năm 1990.
Trong đơn gửi UBND phường Phương Canh, gia đình ông Kiên khẳng định phần đất của mình là đất % đã sử dụng lâu năm |
Sai phạm Luật Đất đai đang được chính quyền bao che?
Trong văn bản trả lời ông Đoàn Ngọc Kiên ngày 20/2/2019, do ông Nguyễn Trọng Lượng, khi đó là Phó Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm ký, UBND quận Nam Từ Liêm khẳng định, việc quận cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Nguyễn Quang Đô vào năm 2016 là hợp pháp vì hồ sơ xin cấp giấy CNQSDĐ của ông Đô có hợp đồng chuyển nhượng đất từ ngày 26/12/2007. Tháng 7/2016, UBND phường Phương Canh cũng phát đi thông báo về việc lập biên bản hiện trạng sử dụng đất để xác định ranh giới sử dụng đất để tiến hành cấp giấy CNQSDĐ cho ông Đ. mà không nhận được khiếu nại, tranh chấp gì.
Thế nhưng, UBND quận Nam Từ Liêm đã quên mất “sự thật” là nguồn gốc thửa đất xin cấp giấy CNQSDĐ của gia đình ông Nguyễn Quang Đô là đất %, ông Đô không phải là người dân địa phương để thuộc diện có thể được giao sử dụng đất nông nghiệp. Hơn nữa, hợp đồng chuyển nhượng đất % giữa các hộ dân là hợp đồng không hợp pháp.
Một chi tiết khác cũng cần lưu ý là năm 2015 gia đình ông Đoàn Ngọc Kiên mới chuyển nhượng đất cho ông Trung và ông Đô nhưng hồ sơ cấp Giấy CNQSDĐ lại có hợp đồng chuyển nhượng từ năm 2007. Như vậy, rõ ràng đã có sự giả mạo giấy tờ, chữ ký và thậm chí là cả con dấu của người dân và các cơ quan chức năng để hợp thức cho bộ hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho lô đất này.
Theo quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 191 Luật Đất đai 2013 thì các trường hợp sau không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất: “3. Hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa. 4. Hộ gia đình, cá nhân không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất ở, đất nông nghiệp trong khu vực rừng phòng hộ, trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái thuộc rừng đặc dụng, nếu không sinh sống trong khu vực rừng phòng hộ, rừng đặc dụng đó”.
Như vậy, rõ ràng, cả ông Đoàn Ngọc Kiên, ông Nguyễn Nam Trung và ông Nguyễn Quang Đô đều không được phép chuyển nhượng diện tích đất % này.
Vậy, điều gì đã khiến chính quyền phường Phương Canh “mạnh dạn” xác nhận hồ sơ cho ông Nguyễn Quang Đô xin cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu?
Ngày 19/4/2019, ông Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch UBND phường Phương Canh có văn bản số 385/UBND-ĐC trả lời đơn đề nghị của gia đình ông K, cho biết: “Về nguồn gốc thửa đất qua các thời kỳ: - Năm 1960 thuộc 02 thửa đất: + thửa đất số 124, tờ bản đồ số 4, diện tích 240m2, loại đất “CM”, chủ sử dụng đất ghi Trịnh Vy. +Thửa đất số 153, tờ bản đồ số 4, diện tích 90m2, loại đất “đất công”, chủ sử dụng ghi “đất công”. - Năm 1990: thuộc thửa đất số 395, tờ bản đồ số 8, diện tích 412m2, loại đất “thổ cư”, chủ sử dụng đất ghi Đoàn Ngọc Kiên. - Năm 1998: thuộc thửa đất số 255, tờ bản đồ số 06, diện tích 412m2. Thời kỳ này không lập sổ mục kê theo dõi nên không xác định được tên chủ sử dụng đất và loại đất”.
Có nghĩa là để hợp thức cho việc xin giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông Nguyễn Quang Đô, khu đất % của gia đình ông Kiên đã được vào sổ thành đất “thổ cư” trong hồ sơ của phường từ năm 1990 mà gia đình ông Kiên không hề hay biết.
Bằng một cách nào đó, ô đất 412m2 đất % đã được vào sổ thành đất thổ cư, lọt thỏm giữa cánh đồng đất 2 lúa của phường Phương Canh |
Làm sao mà trong cả cánh đồng với các thửa đất đều là đất 2 lúa, đất % thì lại có thể lọt thỏm vào 1 ô đất thổ cư 412m2 này? Ai là người đã lập quy hoạch, vào sổ những thông số li kỳ đó là điều mà chính quyền phường Phương Canh cần phải trả lời người dân và dư luận.
Theo quy định thì đất phần trăm (%) là tên loại đất do hợp tác xã trích 5% quỹ đất hợp tác xã theo chính sách cũ (trước năm 1993) chia đất cho nhân dân canh tác. Đất này nếu không thu hồi lại mà vẫn được tiếp tục sử dụng ổn định đến hiện nay thì sẽ là đất của người được giao và không còn là đất của hợp tác xã nữa. Luật đất đai 1993, 2003 và 2013 cũng có quy định trích 5% từ quỹ đất nông nghiệp của xã để canh tác và loại đất này vẫn thuộc quyền quản lý của nhà nước.
Rất nhiều sai phạm về quản lý đất đai trên địa bàn phường Phương Canh, quận Nam Từ Liêm bắt đầu hé lộ từ những con số tưởng chừng khôi hài này.
Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin.
Trước dấu hiệu vi phạm trong công tác quản lý đất đai, “phù phép” hồ sơ nhằm hợp thức hóa việc chuyển đổi bất hợp pháp đất nông nghiệp thành đất thổ cư tại phường Phương Canh, phóng viên báo Pháp luật Việt Nam đã gặp, làm việc với lãnh đạo phường này. Trong buổi làm việc trả lời với phóng viên, Chủ tịch UBND phường Phương Canh là ông Nguyễn Tiến Dũng đẩy trách nhiệm cung cấp tài liệu, hồ sơ thửa đất đang có tranh chấp lên cho quận giải quyết, trả lời cơ quan Báo, đồng thời đề nghị phóng viên làm việc với UBND quận Nam Từ Liêm.
Báo PLVN vẫn đang chờ sự phản hồi của quận Nam Từ Liêm về việc này |
Thế nhưng, sau khi đã làm việc với ông Phạm Hồng Thắng - Phó phòng Tài nguyên - Môi trường quận Nam Từ Liêm và sau nhiều ngày đi lại, cơ quan này vẫn lần lữa việc cung cấp hồ sơ thửa đất có dấu hiệu sai phạm trong việc chuyển đổi, cấp phép nói trên cho báo Pháp luật Việt Nam. Được biết, ông Thắng là người trực tiếp thực hiện, xử lý hồ sơ để cấp GCNQSDĐ cho thửa đất trên.