Ít người sinh sống ở Hà Nội hiện nay, đi ngang qua những khu vực phố Đường Thành, Cửa Đông, Hàng Da... lại có thể biết rằng khởi thủy nền móng của những khu vực này đã hình thành và bị thâu tóm bởi một "me Tây “quyền lực” bậc nhất Hà Nội một thế kỷ trước đây: Cô Tư Hồng.
Những tài liệu về nhân vật một thời tai tiếng này còn rất ít. Từ một đoạn giới thiệu trong một cuốn sách lịch sử viết về Hà Nội, một số tờ báo cho rằng cô Tư Hồng là “mệnh phụ phu nhân” “đôi mắt “nhãn trung hữu thuỷ” (trong mắt có nước) làm cho đàn ông nhìn vào là tự nguyện khuất phục.
Câu chuyện về cuộc đời me Tây này "nổi đình nổi đám" từ thời điểm cô Tư Hồng 28 tuổi. Đây là thời điểm cô thầu phá thành Hà Nội, một bước ngoặt cuộc đời dẫn đến “đại gia”.
Hà Nội thời đó nhiễu nhương, không thiếu gì cơ hội và công việc lớn. Lúc ấy chính quyền thuộc địa đang dần dần thi hành chương trình mở mang Hà Nội.
Cô Tư hơi tinh mắt, trông thấy thời cơ dễ làm giàu như thế, nên chuyên tâm chú ý. Năm 1898, chính quyền thuộc địa làm theo chương trình kiến thiết định sẵn, bỏ thầu phá thành Hà Nội làm đất bằng. Giới thầu khoán xứ Bắc, ngơ ngác, nhảy dựng cả lên, như đã ngồi phải ổ kiến lửa, không ngờ cái việc khó khăn mà chắc chắn phát tài ấy lại lọt vào tay một người đàn bà.
Việc thầu khoán phá thành đã đặt vào tay cô Tư một mối phát tài to. Cô Tư Hồng có sự tính toán thật khôn ngoan. Một công hai việc: Vừa dọn thành xưa, vừa xây nhà mình. Thì ra những viên gạch cạy gỡ ở bức cổ thành kia không phải là vật đáng bỏ đi, vô dụng. Giữa lúc vất vả dọn thành cứ dọn, cô vẫn lo tậu đất làm nhà.
Những viên gạch nào nậy ở thành ra còn nguyên lành, cô đem dùng vào việc xây nhà cất phố. Cô Tư Hồng mua đứt xóm Đông môn (cửa Đông ngày nay) với giá một xu một thước. Tiền có, đất rẻ, gạch kia tha hồ; lúc bốn vách thành Hà Nội ngã xuống sát đất tức là lúc mấy dãy nhà mới của cô Tư Hồng ở mặt đất mọc lên.
Năm 1901, người ta thấy công cuộc phá thành vừa hoàn hảo thì một dãy nhà mới ở phố cửa Đông Gesnee al Bichot cũng tạo lập gần xong. Lại xây thêm một dãy khác ở Hàng Da, cả thảy tám căn. Những dãy nhà kia so với phố xá bây giờ chẳng thấm vào đâu, nhưng một thế kỷ trước, người làm chủ nó đã nổi tiếng là lộng lẫy và được coi là một đại phú gia
Đó chỉ là một phi vụ của Tư Hồng. Người đàn bà này vốn là một thôn nữ quê mùa, nhưng sa ngã vào những thói hư tật xấu của thời phong kiến nửa thuộc địa. Bà hết qua tay chồng Tàu lại ngả vào vô số chồng Tây, dùng thân xác và “mỹ nhân kế” để kiếm ăn, rồi thành một con buôn không từ bỏ một thủ đoạn nào kiếm lợi, từ ép giá lúa gạo toàn Việt Nam đến thầu phá thành Hà Nội.
Từ những tài liệu mới được phát hiện sau gần một thế kỷ lưu trữ, bộc lộ “Sự đời nhiễu nhương thời "me Tây" phá thành Hà Nội được vua... phong tước”. Loạt bài này sẽ được Xa lộ pháp luật khởi đăng từ số báo 75. Mời độc giả đón đọc.
Xa lộ pháp luật - ấn phẩm của báo Pháp luật Việt Nam - phát hành thứ 4, thứ 7 hàng tuần, với nhiều bài viết hấp dẫn. Mời độc giả đón đọc