Sao ông ta lại muốn gái có chồng như tôi?

Mà tại sao lại là tôi chứ không phải người phụ nữ khác? Ông chủ Hưng Phát giàu có như vậy, tìm đâu mà không được những cô gái trẻ đẹp, độc thân? Cớ sao lại cứ phải là một người đàn bà đã có chồng như tôi?
Tôi nhớ hôm đó má chồng tương lai của tôi đeo rất nhiều nữ trang. Ấn tượng nhất là sợi dây chuyền vàng to bằng ngón tay út. Mấy dì, mấy cô và cả mấy bác ở lối xóm đều trầm trồ. Họ xầm xì với nhau: “Con Lan có phước lấy được chồng giàu”. Tôi nghe hết nhưng vẫn làm thinh. Bởi tôi biết phía sau những hào nhoáng ấy là gì…
Tôi nói với Phong: “Nếu mọi việc đúng như anh nói thì tại sao mẹ cứ thích khoe khoang, làm nổi? Lỡ mai mốt mọi chuyện đổ bể thì sao?”. Phong im lặng bởi tôi biết anh không thể can thiệp vào công việc của gia đình. Ba mẹ anh quyết định tất cả. Và bây giờ họ sắp phá sản với số nợ lên đến mấy trăm tỉ đồng. Tôi chỉ mới biết điều này một tuần trước lễ đính hôn.
Ảnh minh họa. Nguồn internet.
Ảnh minh họa. Nguồn internet. 
Tình hình kinh tế gia đình đã nguy ngập như vậy nhưng mẹ anh vẫn tổ chức lễ ăn hỏi rình rang vì bà không muốn cho ai biết vương quốc của gia đình bà sắp sụp đổ. Khi Phong nói ra điều ấy, giọng anh như muốn khóc.
Tâm trạng tôi lúc đó thật khó diễn tả. Tôi cảm thấy mơ hồ mọi chuyện. Thế nhưng lúc đó mọi thứ không thể thay đổi. Lễ đính hôn của chúng tôi đã được công bố, khách khứa đã mời, tiệc đã đặt… Tôi chấp nhận tương lai đang mờ mịt của mình với hi vọng rằng ba mẹ chồng tôi là người có tiếng, có kinh nghiệm trên thương trường; rồi họ sẽ hóa giải được khó khăn trước mắt. Tôi tự an ủi rằng suy thoái kinh tế, ai mà chẳng bị tác động.
Đám cưới của chúng tôi diễn ra đúng kế hoạch. Cũng giống như lễ hỏi, đám cưới được tổ chức rình rang tại một khách sạn 5 sao, khách khứa toàn những vị tai to mặt lớn. Thế nhưng tôi để ý thấy mặt ba mẹ chồng tôi không vui. Tôi biết họ lo lắng điều gì và hi vọng sau này khi chính thức trở thành con dâu của gia đình, tôi sẽ gánh vác cùng họ nỗi lo ấy.
Vậy mà mọi thứ đã không kịp diễn ra. Chỉ 3 ngày sau đám cưới, ba mẹ chồng tôi bị tai nạn trên đường đi Đà Lạt gặp một đối tác làm ăn trên đó. Cả hai đã không qua khỏi.
Sau mất mát ấy, nhiều người xầm xì bàn tán, cho rằng do cha mẹ chồng khắc tuổi tôi nên mới chết bất đắc kỳ tử như vậy. Riêng tôi lại nghĩ đó không đơn thuần là tai nạn mà là ba mẹ chồng tôi đã chủ động gây ra cái chết cho mình. Họ đã cùng quẫn, không tìm được lối thoát cho bế tắc trong công cuộc làm ăn của gia đình.
Chồng tôi là con một. Sau cái chết của cha mẹ, Phong bị trầm cảm nặng. Anh buông xuôi mọi thứ, suốt ngày đóng cửa ở trong phòng. Tôi lấy chồng tháng 12-2008, đến nay đã gần 6 năm nhưng chỉ gần chồng được đúng 3 đêm. Sau khi cha mẹ chồng tôi qua đời, Phong chưa lần nào làm chuyện vợ chồng với tôi. Anh gần như bất lực dù trước đó mọi chuyện vẫn bình thường.
Nhưng đó chưa phải là điều khủng khiếp nhất với tôi. Điều tôi sợ nhất là những người chủ nợ. Họ liên tục đến nhà, gọi điện nhắc nợ và dọa kiện ra tòa. Trong khi tôi gần như phát điên vì những thứ ấy thì Phong vẫn dửng dưng. Thậm chí, cả bản thân mình anh cũng chẳng buồn chăm sóc. Chuyện ăn uống, tắm rửa tôi phải nhắc nhở liên tục anh mới làm. Ban đêm anh không ngủ mà cứ đi loanh quanh trong nhà rồi đến trước bàn thờ cha mẹ mà khóc…
“Em đưa anh đi khám bệnh nghen”- một bữa, tôi bảo Phong. Anh gật đầu chứ không nói gì. Tôi đưa anh đến một bác sĩ quen. Ông ta khám và cho biết anh bị trầm cảm rất nặng, cần có thời gian và phải kiên trì. Tôi nghĩ nỗi tiếc thương rồi cũng sẽ nguôi ngoai, điều quan trọng nhất là giải quyết nợ nần. Nếu xong những thứ ấy, có lẽ chồng tôi sẽ lấy lại thăng bằng, dần khỏi bệnh.
Mọi việc đã diễn ra đúng như tôi mong muốn. Sau khi kiểm tra, đối chiếu tài sản và các khoản vay, tôi đã thương lượng với các chủ nợ để họ không kiện. Các khoản nợ dần được giải quyết. Đất đai, nhà xưởng, cổ phần, xe sang… lần lượt ra đi. Mỗi lần có một chủ nợ ký vào giấy xóa nợ, tôi lại thấy gánh nặng trên vai nhẹ đi một phần.
Cho đến cuối tháng 7 vừa rồi, tôi thở phào nhẹ nhõm nói với Phong: “Anh thấy em giỏi không? Mọi thứ sắp ổn cả rồi, chỉ còn mỗi khoản nợ của bên Hưng Phát. À, mình vẫn còn phần hùn trong công ty chế biến thủy sản…”. Chồng tôi cũng rất vui. Anh ôm tôi vào lòng: “Mấy năm qua, em vất vả quá. Cảm ơn em nhiều lắm”.
Ảnh minh họa. Nguồn internet.
Ảnh minh họa. Nguồn internet. 
Nghe Phong nói vậy, bất giác tôi muốn khóc. Đúng là mấy năm qua, tôi đã vắt kiệt sức lực để giải quyết một vấn đề mà mình không tạo ra nó nhưng phải gánh chịu hậu quả. Tôi thấy mình còn may mắn hơn nhiều người vì tôi vẫn còn có chồng, có một chốn dung thân.
Thế nhưng mọi thứ hoàn toàn không đơn giản như mình nghĩ. Khoản nợ lớn duy nhất còn lại gần 20 tỉ đồng, ông chủ của Hưng Phát đồng ý cho tôi trả dần trong 5 năm chỉ với một điều kiện. Khi nghe người đàn ông ấy đặt điều kiện, tôi đã cố tình lơ đi thế nhưng ông ta thì không như vậy.
Mới đây, ông hẹn tôi đi uống cà phê và nhắc lại: “Đừng để anh phải chờ đợi quá lâu”. Ông ta nói là nắm lấy tay tôi xiết chặt đến đau điếng. Chỉ cần tôi đồng ý đi du lịch Châu Âu với ông ta 2 tuần thì món nợ 20 tỉ sẽ được trả dần trong 5 năm, thậm chí có thể được xóa luôn. Điều kiện của ông ta đưa ra là vậy. Tôi nói để tôi suy nghĩ kỹ bởi điều đó không chỉ liên quan đến cá nhân tôi.
Giờ đây, mỗi khi nghe điện thoại reo, tôi lại giật mình. Tôi sợ ông ta gọi và hối thúc. Tôi sợ đến nỗi về đến nhà là tắt điện thoại. Ngay cả trong giấc ngủ, tôi cũng nằm mơ thấy ông ta với bàn tay lông lá đưa ra xiết chặt cổ tôi…
Cách đây 1 tuần, ông ta lại gọi: “Anh đã đặt vé máy bay. Ngày 15-10 là đi. Em đưa hộ chiếu để anh xin visa”. Tôi điếng hồn. Lúc đó có Phong ở đó. Anh ngạc nhiên hỏi: “Có chuyện gì mà mặt em tái xanh vậy?”. Tôi không biết trả lời sau, đành nói dối: “Phòng kinh doanh gọi báo hàng xuất đi Nhật bị trả lại vì chứa chất cấm”.
Rồi tôi xách xe đi. Tôi không biết đi đâu, làm gì. Tôi chạy loanh quanh không định hướng và cuối cùng tấp vào quán cà phê. Tôi gọi cho ông ta: “Nếu em không đi Châu Âu thì sao?”. Giọng ông ta bên kia thật lạnh lùng: “Thì em có 3 tháng để trả dứt món nợ 20 tỉ cho anh”.
Tôi không ngủ được. 20 tỉ đồng đâu phải giấy lộn mà nói có là có được ngay? Ngôi nhà mà vợ chồng tôi đang ở có thể bán được giá đó nhưng nếu bán đi rồi, tôi và Phong sẽ ở đâu? Sau này con tôi sẽ ở đâu? Tôi đang mong chờ đến ngày trả hết nợ nần để vợ chồng lại vui vẻ, đầm ấm như trước; lúc đó tôi sẽ sinh con.
Năm nay tôi đã 34 tuổi rồi, còn trẻ trung gì nữa đâu? Mà tại sao lại là tôi chứ không phải người phụ nữ khác? Ông chủ Hưng Phát giàu có như vậy, tìm đâu mà không được những cô gái trẻ đẹp, độc thân? Cớ sao lại cứ phải là một người đàn bà đã có chồng như tôi?
Càng nghĩ tôi càng muốn phát điên. Có lẽ tôi sẽ điên thật vì mấy hôm nay, cả ngày tôi cứ lẩm bẩm những câu vô nghĩa, đến nỗi Phong cũng phát hiện. Anh cứ theo dò hỏi. Tôi biết trả lời sao đây? Tôi đi nước ngoài với người đàn ông khác để cấn trừ hết số nợ của gia đình hay ở lại với chồng để đối diện với cảnh xiết nợ sắp xảy ra?
Ai chỉ dùm tôi con đường nào phải đi mà không có đớn đau, mất mát trong hoàn cảnh này?

Đọc thêm