Sự việc có dấu hiệu sai luật tại Bà Rịa - Vũng Tàu: Nhiều hộ dân “không chốn dung thân” sau khi bị thu hồi đất

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sau gần 25 năm sinh sống ổn định trên đất, các hộ bất ngờ bị thu hồi đất mà không được bồi thường 1 xu, có hộ bị thu hồi hết 100% đất, mất cả nhà, không còn chỗ ở nào khác...
Các hộ dân trong sự việc đều có hoàn cảnh khó khăn, một số hộ bị thu hồi 100% không còn chỗ ở nào khác.
Các hộ dân trong sự việc đều có hoàn cảnh khó khăn, một số hộ bị thu hồi 100% không còn chỗ ở nào khác.

Người dân làm nhà, sinh sống ổn định gần 25 năm; đã đăng ký sử dụng đất và có tên trong sổ mục kê đất đai; đóng thuế từ trước 1993; từng được bồi thường về đất, tài sản trên đất khi Nhà nước làm đường. Nhưng năm 2020, khi tiếp tục bị thu hồi đất làm đường, họ lại không được bồi thường hỗ trợ với lý do “chiếm đất do thị trấn đăng ký quản lý”. Người dân cho rằng, việc thu hồi đất mà không bồi thường hỗ trợ 1 xu để ổn định cuộc sống mới là không đúng với chủ trương, chính sách của Nhà nước.

Đất khai phá hay “đất chuyên dùng khác”?

Đó là phản ánh của 10 hộ dân tại khu phố Hải Tân, thị trấn Long Hải, huyện Long Điền, Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT) khi bị UBND huyện thu hồi đất để thực hiện dự án đường quy hoạch số 14, thị trấn Long Hải nhưng không bồi thường, không hỗ trợ.

10 hộ dân: Hoàng Nghĩa Khánh (SN 1959), Nguyễn Công Tin (SN 1953), Nguyễn Văn Đồng (SN 1972), Nguyễn Văn Hải (SN 1968), Nguyễn Thị Loan (SN 1959), Nguyễn Văn Hưng (SN 1969), Nguyễn Văn Phiên (SN 1966), Nguyễn Văn Hùng (SN 1979), Nguyễn Văn Bình (SN 1979), Nguyễn Thị Chung (SN 1965) đều là người dân nghèo quê Nghệ An, vào Long Hải từ những năm 1989 hành nghề đánh cá.

Ông Tin, người đến ở đây sớm nhất, kể: “Gia đình tôi dắt díu vào đây từ 1989. Hồi đó khu vực này người địa phương đã khai phá canh tác ổn định. Vì làm nghề đánh cá, mỗi nhà chỉ mua vài trăm m2 cất nhà ở. Cùng quê, chúng tôi mua đất co cụm lại sống với nhau. Năm 1998, tôi mua 576m2 của ông Nguyễn Xuân Mậu giá 3 chỉ vàng. Năm 2000, tôi cất nhà cấp 4, đến 2005 được đăng ký sử dụng đất, có tên trong sổ mục kê 2006”.

Theo giấy tờ, 10 hộ dân mua đất bằng giấy tay có nguồn gốc từ ông Sơn Sa Huỳnh, Nguyễn Lam Sơn, Nguyễn Xuân Mậu vào các năm 1998, 1999, 2001. Ông Tin kể: “Đất này do người địa phương khai phá từ rất lâu rồi bán lại. Mua đất xong, dựng nhà lá ở, cực khổ trăm bề, nước sạch phải mua từng can, điện không có, đường đi chỉ là lối mòn”.

10 hộ dân cho rằng khi làm nhà, sinh sống trên đất, chưa từng bị xử phạt, chưa ai nói đây là đất Nhà nước quản lý, không được mua bán dựng nhà ở. Đến khi Nhà nước cho đi kê khai, họ kê khai, được ghi tên vào sổ mục kê.

Khu đất của 10 hộ dân thuộc dạng “số đen”, nhiều lần bị dính dự án. Năm 2004 bị đo đạc, kiểm kê làm dự án đường Nguyễn Tất Thành (TL44A-Giai đoạn II); năm 2010 bị kiểm kê làm khu biệt thự cao cấp biển rồi không thực hiện; năm 2014 bị kiểm kê làm đường số 14; rồi 2018 tiếp tục bị kiểm kê làm đường 14, năm 2020 có quyết định thu hồi.

Theo Hồ sơ phương án bồi thường 06/PA ngày 03/03/2020 của Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Long Điền, đất của 10 hộ dân trên đều thuộc thửa 63, tờ bản đồ 38, diện tích 33.506m2, là “loại đất chuyên dụng khác do UBND thị trấn Long Hải đo đạc bản đồ địa chính năm 1994, năm 1997 được phê duyệt quản lý. Sau khi UBND thị trấn quản lý để canh tác thì các ông Nguyễn Xuân Mậu, Nguyễn Lam Sơn, Sơn Sa Huỳnh tự ý vào lấn chiếm rồi chuyển nhượng lại cho 10 hộ dân”.

Đặc biệt, theo chính quyền địa phương “năm 2006, một số hộ bị lập biên bản xử lý hành chính về trật tự xây dựng nhưng một số hồ sơ đã bị thất lạc”. Do đó, 10 hộ dân không đủ điều kiện để bồi thường, hỗ trợ về đất và tài sản trên đất.

Người dân cho rằng thu hồi đất mà không bồi thường hỗ trợ 1 xu để ổn định cuộc sống mới là không đúng với chủ trương, chính sách Nhà nước.

Người dân cho rằng thu hồi đất mà không bồi thường hỗ trợ 1 xu để ổn định cuộc sống mới là không đúng với chủ trương, chính sách Nhà nước.

Đường số 14 đang thi công, chỉ còn vướng mặt bằng 10 hộ dân đang khiếu nại vì không được bồi thường.

Đường số 14 đang thi công, chỉ còn vướng mặt bằng 10 hộ dân đang khiếu nại vì không được bồi thường.

Rơi vào cảnh “không chốn dung thân”

Sau gần 25 năm sinh sống ổn định trên đất, các hộ bất ngờ bị thu hồi đất mà không được bồi thường 1 xu, có hộ bị thu hồi hết 100% đất, mất cả nhà, không còn chỗ ở nào khác như ông Hoàng Nghĩa Khánh, Nguyễn Văn Đồng; hộ ông Nguyễn Văn Hưng bị thu hồi còn lại 50m2, trong khi cả nhà có 11 nhân khẩu.

Người dân cho rằng, việc thu hồi đất mà không bồi thường hỗ trợ 1 xu để ổn định cuộc sống mới là không đúng với chủ trương, chính sách của Nhà nước. “Chúng tôi sẵn sàng nhường đất để làm đường, làm cho bộ mặt đô thị, địa phương được khang trang, sạch sẽ nhưng không thể đưa chúng tôi vào con đường “không chốn dung thân” như vậy”, ông Đồng nói.

Bà Nguyễn Thị Trường, một người dân địa phương, nói dù không bị thu hồi đất nhưng vẫn bức xúc trước cảnh hàng xóm quá thiệt thòi. “Đất ở đây, anh em tôi khai phá từ 1982, ông Nguyễn Xuân Mậu là anh trai tôi. Địa phương cho rằng đất do thị trần quản lý và không bồi thường là không hợp lý”.

Bà Trường dẫn chứng một ví dụ khác để cho rằng địa phương áp dụng pháp luật chưa chính xác: “Một mảnh đất dù chung một nguồn gốc đất do tôi khai phá năm 1982. Khi tôi bán cho bà Hoàng Thị Yến thì bà Yến lại làm được sổ đỏ. Phần còn lại tôi lại không làm được sổ vì cán bộ địa phương nói “đất Nhà nước quản lý””.

Người dân đưa ra một số lập luận để cho rằng thuộc diện được bồi thường.

Thứ nhất, hộ ông Khánh, ông Phiên, năm 2004, khi Nhà nước thu hồi đất của hộ để làm đường Nguyễn Tất Thành (TL44A-Giai đoạn II) thì được bồi thường về đất, kiến trúc trên đất, hoa màu… Ông Khánh bị thu hồi 564,4m2 được bồi thường hơn 36 triệu đồng, ông Phiên bị thu hồi 177,6m2 được bồi thường hơn 10 triệu đồng. Cùng khu đất ấy, đến khi bị thu hồi làm đường 14 thì lại không được bồi thường

Thứ hai, các hộ đã có mấy chục năm sinh sống ổn định, liên tục, không tranh chấp và không có bất kỳ văn bản nào cưỡng chế, xử phạt vì “chiếm đất Nhà nước”. Các hộ được kê khai, cấp sổ hộ khẩu, đăng ký đất vào sổ mục kê, được các cấp chính quyền xác nhận đất có số thửa, số tờ, có bản đồ địa chính vào 2006 được lưu giữ trên hệ thống đất đai của tỉnh.

Tại sổ mục kê, ngày 27/12/2006, chính Chủ tịch UBND thị trấn xác nhận đo vẽ đúng hiện trạng và Sở TN&MT ký duyệt.

Thứ ba, các hộ dân cho rằng nếu thực tế là đất của Nhà nước quản lý thì vai trò cán bộ địa phương ở đâu mà không cảnh báo sớm. Và nếu đất của Nhà nước quản lý thì Nhà nước khi thu hồi cũng phải tính đến công sức khai phá, gìn giữ, tôn tạo trên đất để hỗ trợ.

Thứ tư, người dân cho rằng từ khi sử dụng đất đến nay đều đã đóng thuế đất cho Nhà nước. Như nhà ông Tin còn bị truy thu thuế sử dụng đất đến năm 1991.

Thứ năm, theo điểm a khoản 2 Điều 20 Nghị định 43/2014/NĐ-CP và Điều 101 Luật Đất đai 2013 thì hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất ổn định từ trước 1/7/2004 mà không có giấy tờ, không vi phạm pháp luật đất đai, được UBND cấp xã xác định không có tranh chấp, phù hợp quy hoạch sử dụng, quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn thì đủ điều kiện cấp “sổ đỏ”. Vậy vì sao huyện Long Điền lại coi các trường hợp này là “bất hợp pháp”?

Theo quan sát của PV, đường số 14 đang được thi công, phần giải phóng mặt bằng chỉ còn vướng khu vực 10 hộ dân nêu trên. Để có thêm thông tin, giải đáp những vấn đề người dân đưa ra, PV đã để lại nội dung làm việc với UBND huyện Long Điền nhưng sau nhiều tuần vẫn chưa nhận phản hồi.

Chưa thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch tỉnh đã ra quyết định cưỡng chế:

Do không đồng ý với việc không bồi thường khu thu hồi đất, 10 hộ dân đã khiếu nại đến UBND tỉnh. Ngày 28/12/2021, Chủ tịch UBND tỉnh đã có buổi tiếp 5 người dân đại diện cho 10 hộ, nghe trình bày việc không được bồi thường là dấu hiệu không đúng pháp luật.

Sau khi nghe báo cáo của Thanh tra tỉnh, UBND huyện Long Điền, Chủ tịch tỉnh đã chỉ đạo giao Thanh tra tỉnh rà soát nội dung 5 người dân trình bày; chủ trì, phối hợp UBND huyện Long Điền và cơ quan liên quan kiểm tra lại sự việc, làm rõ thời điểm các hộ dân sử dụng đất, xây dựng nhà trên đất, việc kê khai, nộp thuế… Kiểm tra nội dung việc bồi thường vào năm 2004 cho hộ ông Khánh, ông Phiên. Thanh tra tỉnh tham mưu UBND tỉnh giải quyết vụ việc, có văn bản trả lời người dân trước 31/1/2022.

Các hộ dân cho biết chưa nhận được văn bản nào từ Thanh tra tỉnh. Nhưng bất ngờ, ngày 28/2/2022, nhận được quyết định cưỡng chế của UBND huyện, thời gian cưỡng chế từ 28/2 – 28/6/2022.

Đọc thêm