Sự việc dấu hiệu vi phạm tại Củ Chi (TP HCM): Cho cá nhân “đầu tư hạ tầng” 4ha đất để… phân lô tách thửa

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Như PLVN đã có bài phản ánh, bà Nguyễn Thị Phước (SN 1959) sau khi được UBND huyện Chủ Chi (TP HCM) “chấp thuận đầu tư hạ tầng” khu đất 4ha tại ấp 1, xã Tân Thanh Tây; đã ký hợp đồng đặt cọc mua đất nền với nhiều người; rồi suốt thời gian dài không thể thực hiện hợp đồng. Theo tìm hiểu, lý do dẫn đến tình trạng này đã được nêu trong Kết luận thanh tra 08/KL-TTTP-P3 ngày 15/06/2020 của Thanh tra TP HCM.
Khu đất được chấp thuận đầu tư hạ tầng trái luật trong cảnh ngổn ngang.
Khu đất được chấp thuận đầu tư hạ tầng trái luật trong cảnh ngổn ngang.

Bất thường từ quá trình chấp thuận đầu tư hạ tầng

Theo hồ sơ, dựa vào đơn xin chấp thuận chủ trương đầu tư hạ tầng khu đất của bà Phước, ngày 7/2/2018, ông Nguyễn Hữu Hoài Phú (khi là Chủ tịch UBND huyện Củ Chi; năm 2020 ông Phú bị kỷ luật vì sai phạm liên quan đất đai và năm 2022 được điều chuyển làm PGĐ Sở NN&PTNT TP) có Văn bản 1799/UBND-QLĐT đồng ý chủ trương đầu tư hạ tầng các thửa 68, 69, 90, 91, 92, 123, 124, 125, 126, 127, 128, 129, 130, 157, 158, 159, 160, 161, 162 với tổng diện tích 39.300,6m2 (sau đây gọi là khu đất) tờ bản đồ 22 của bà Phước.

Trả lời về việc bà Phước chưa được cấp sổ đỏ từng lô nhưng chuyển nhượng cho nhiều người, UBND huyện Củ Chi cho biết: Tại các thửa đất nêu, huyện chỉ mới chấp thuận đầu tư hạ tầng kỹ thuật, chưa thực hiện xong các thủ tục để được tách thửa quyền SDĐ nên việc giao dịch chuyển nhượng đất nền trong khu đầu tư hạ tầng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền SDĐ riêng là không đúng quy định.

Văn bản cho rằng khu đất tiếp giáp đường Nguyễn Kim Cương, là đất trống. Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 thuộc quy hoạch khu tái định cư Tân Thanh Tây, chức năng là dân cư xây dựng mới; có 8.000m2 chưa có quy hoạch tỷ lệ 1/2000. Khu đất 8.000m2 có quy hoạch sử dụng đất (SDĐ) đến 2020, kế hoạch SDĐ thời kỳ đầu 2011 – 2015 thuộc quy hoạch đất trồng cây hàng năm.

UBND huyện Củ Chi cho rằng khu đất bà Phước tiếp giáp đường Nguyễn Kim Cương và thuộc quy hoạch xây dựng mới nên “phù hợp để xây dựng nhà để ở”, với 8.000m2 chưa có quy hoạch 1/2000 thì đề nghị bà Phước làm công viên cây xanh.

Đến 28/2/2018, dựa vào bản vẽ tổng mặt bằng khu đất do Cty TNHH Đầu tư Xây dựng Cát Bình lập, UBND huyện có Văn bản 2424/UBND-QLĐT do Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Việt Dũng ký (ông Dũng sau này cũng bị kỷ luật vì sai phạm đất đai cùng với ông Phú), đồng ý cho bà Phước đầu tư hạ tầng trên đất.

Ngày 24/10/2018, ông Dũng lại ký Văn bản 13515/UBND-QLĐT cho bà Phước điều chỉnh ranh khu đất, tăng diện tích lên 40.869,78m2. Với 8.000m2 quy hoạch đất trồng cây hàng năm, “bất ngờ” bị giảm còn có 6.000m2.

Trong 40.869,78m2 có 52,33% đất dân cư, còn lại đất cây xanh, giao thông, trồng cây lâu năm. Dù ở các văn bản khác, khu đất 8.000m2 (sau này giảm còn 6.000m2) được đề nghị bố trí hạng mục cây xanh; nhưng trong Văn bản 13515 ông Dũng ký, thì đất dùng cho hạng mục cây xanh chỉ còn hơn 2.100m2. Thời hạn hoàn thành hạ tầng 6 tháng (đến 24/4/2019).

Sau này, có dấu hiệu ông Dũng còn ký văn bản lùi thời gian để hợp thức hóa hành vi vi phạm về thời hạn hoàn thành hạ tầng. Đó là Văn bản 15694/UBND-QLĐT ngày 31/12/2019. UBND huyện Củ Chi cho rằng do vướng mặt bằng khu đất tiếp giáp phía ngoài của ông Phan Hải Lâm nên bị chậm tiến độ. Do đó, huyện gia hạn cho bà Phước thêm 12 tháng để hoàn thiện hạ tầng. Văn bản ký ngày 31/12/2019, nhưng thời hạn gia hạn được tính từ… 24/4/2019.

UBND huyện Củ Chi thừa nhận cho phép bà Phước đầu tư hạ tầng là trái luật.

UBND huyện Củ Chi thừa nhận cho phép bà Phước đầu tư hạ tầng là trái luật.

Vi phạm ngay khi cho phép đầu tư hạ tầng để phân lô tách thửa

Hồ sơ sự việc cho thấy, ngay từ khi chấp thuận chủ trương đầu tư hạ tầng khu đất của bà Phước, UBND huyện Củ Chi đã có những thiếu sót.

Thứ nhất, các thửa 68, 69, 90, 91, 92, 123, 124, 125, 126, 127, 128, 129, 130, 157, 158, 159, 160, 161, 162 tờ bản đồ 22 không phải 100% của bà Phước.

Dù không phải chủ SDĐ, nhưng bà Phước vẫn được đứng tên trong các văn bản về chủ trương đầu tư, đầu tư hạ tầng. Trả lời vấn đề này, bà Phước cho rằng “những chủ SDĐ là nhân viên, người quen được tôi nhờ đứng tên và họ ủy quyền cho tôi đi thực hiện xin chủ trương đầu tư, đầu tư hạ tầng, chuyển nhượng”. UBND huyện Củ Chi cũng cho rằng “bà Phước được quyền thay mặt lập thủ tục xin phép đầu tư hạ tầng kỹ thuật”…

Tuy nhiên, theo hồ sơ, hợp đồng ủy quyền cho bà Phước được thực hiện sớm nhất ngày 2/4/2018, muộn nhất 11/3/2022. Trong khi đó, huyện chấp thuận chủ trương cho bà Phước từ ngày 7/2/2018. Như vậy, có dấu hiệu cho thấy huyện đã cấp chủ trương cho bà Phước trái quy định.

Trong các giấy ủy quyền, phạm vi ủy quyền gồm: Nhận, quản lý, SDĐ và giấy tờ về đất bản chính; Nộp, bổ sung, nhận hồ sơ chuyển đổi mục đích, xin giấy phép xây dựng, cập nhật biến động, hồ sơ liên quan thuế; Nộp, bổ sung, nhận hồ sơ xin phép đầu tư xây dựng hạ tầng khu dân cư; đầu tư hạ tầng, tiếp xúc, làm việc với các hộ xung quanh và cơ quan chức năng; Cho thuê, chuyển nhượng, thế chấp, tặng cho; Nhận tiền bồi thường; Được ủy quyền cho bên thứ 3…

Nội dung ủy quyền không hề có mục được đứng tên trong các văn bản đầu tư; nhưng tất cả văn bản UBND huyện Củ Chi ban hành đều chỉ có tên bà Phước, không có tên chủ SDĐ.

LS Trương Văn Tuấn (Đoàn LS TP HCM) nói: “Chủ sử dụng chỉ ủy quyền cho bà Phước thực hiện các thủ tục về đầu tư hạ tầng trên đất. Do đó, khi ra văn bản, UBND huyện Củ Chi phải ra từng văn bản cá biệt, cho từng chủ SDĐ chứ không thể chỉ để tên bà Phước. Tôi thấy rất bất thường, khi UBND huyện Củ Chi ghi “khu đất của bà Phước”, vì bà Phước chỉ là người được ủy quyền, không phải là chủ SDĐ được Nhà nước công nhận”.

Thứ hai, theo điểm c khoản 1 Điều 5 Quyết định 60/2017/QĐ-UBND của UBND TP HCM năm 2017, trường hợp khi tách thửa đất ở có hình thành đường giao thông và hạ tầng kỹ thuật, UBND huyện rà soát điều kiện về diện tích, cơ sở hạ tầng, căn cứ quy hoạch và hướng dẫn của sở, ngành để hướng dẫn người SDĐ thực hiện hạ tầng kỹ thuật đảm bảo phù hợp quy hoạch được duyệt, kết nối hạ tầng chung hiện hữu khu vực.

LS Tuấn nói: “Như vậy, điều kiện quan trọng bậc nhất để người SDĐ được đầu tư hạ tầng, phải là khu đất ở (tức 100% đất ở); kế đến là xem xét tính kết nối hạ tầng hiện hữu – nghĩa là khu đất phải giáp đường”.

“Ở đây, rất nhiều thửa đất không giáp đường hiện hữu như thửa 68, 69, 91, 92, 123, 126, 128, 130, 159. Và gần như toàn bộ các thửa đất đều không phải 100% đất ở, thậm chí là đất lúa nước như thửa 92 nhưng vẫn được thành “khu đất của bà Phước” để cấp chủ trương hạ tầng; là trái quy định pháp luật”.

Thứ ba, theo điểm a khoản 1 Điều 5 Quyết định 60/2017/QĐ-UBND thì đất đã có quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 thuộc quy hoạch đất ở xây dựng mới; thì không được tách thửa. Sau 3 năm kể từ ngày rà soát phê duyệt mà chưa có kế hoạch SDĐ hàng năm cấp huyện, hoặc có nhưng chưa ra thông báo thu hồi đất thì mới được tách thửa.

UBND huyện Củ Chi xác định khu đất có quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 là đất ở xây dựng mới; đồng thời chưa có văn bản rà soát phê duyệt các quy hoạch này; nhưng vẫn cho bà Phước tách thửa là không đúng.

Trả lời PLVN, UBND huyện Củ Chi thừa nhận việc chấp thuận cho bà Phước đầu tư hạ tầng trong khi chưa phải 100% đất ở và không phù hợp với quy hoạch; là chưa đúng với Quyết định 60/2017/QĐ-UBND, theo KLTT 08/KL-TTTP-P3 ngày 15/6/2020 của Thanh tra TP HCM.

Ngoài những thửa đất nêu trên, còn thửa đất khác, ở vị trí khác có vi phạm như thế nào? Vi phạm trên của các cá nhân, UBND huyện Củ Chi gây ra hậu quả là tiền tỷ chuyển mục đích SDĐ bị thất thoát; Những vi phạm nêu trên đã được nêu trong KLTT 08/KL-TTTP-P3 như thế nào?

PLVN sẽ tiếp tục thông tin.

Đọc thêm