Sự việc “kỳ lạ” tại Hà Nội: Một ngôi nhà, 2 giấy phép xây dựng

(PLVN) - Ông Trương Sĩ Tuấn (hiện đang ở số 5, ngõ 141, Yên Phụ, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, Hà Nội) cho biết, công trình xây dựng nhà ở sát với gia đình ông đã làm cho nhà của gia đình ông lún, nứt và nghiêng. Thậm chí mới đây, một bức tường rộng khoảng 2m2 từ tầng 5 công trình rơi xuống sân nhà ông. Điều kỳ lạ, ngôi nhà này có 2 giấy phép xây dựng (GPXD) đều do UBND quận Tây Hồ cấp.
Phần mái của công trình lấn ra lối đi chung
Phần mái của công trình lấn ra lối đi chung

Công trình 6 tầng đã hoàn thiện

Ông Tuấn cho biết, ngôi nhà liền kề nhà ông (nhà số 3) được UBND quận Tây Hồ cấp GPXD cho ông Lê Đức Anh trên thửa đất 150m2. Nhưng điều lạ lùng ngôi nhà của ông Anh được cấp 2 giấy GPXD. GPXD thứ nhất số 07 được UBND quận Tây Hồ cấp ngày 10/1/2019 với 32,7m2 diện tích đất ở được tách từ thửa đất số 104 (1P) – 2 với mật độ xây dựng 100%. GPXD thứ 2 số 463 cũng được UBND quận Tây Hồ cấp cho ông Anh tại thửa số 104 (1P) với 154,7m2 diện tích đất ở sử dụng riêng và 46,1m2 diện tích sử dụng chung, mật độ xây dựng 64,67%. 

Thực tế, ông Anh không thực hiện xây dựng như 2 GPXD được cấp mà chỉ xây 1 ngôi nhà. Công trình đã xây xong 6 tầng và đang trong quá trình hoàn thiện. Như vậy, ông Anh đã làm nhà chồng nhà rồi”, ông Tuấn nói và cho hay, chiều cao ngôi nhà hiện tại đã vượt khoảng 1m, mật độ xây dựng hơn 100%, mái của các tầng đua ra không gian đường đi chung và lấn ra không gian nhà ông.

Theo ông Tuấn, công trình của ông Anh xây dựng từ tháng 10/10/2019, trong quá trình xây dựng khiến nhà ông bị lún, nứt, đổ nghiêng về phía ngôi nhà đang xây. “Cùng với đó, trong quá trình thi công, ông Anh không chỉ đạo công nhân làm các màn che công trình chính vì thế đã làm rơi vãi rất nhiều vật liệu sang nhà tôi. Đặc biệt, khoảng 8h sáng ngày 28/2 vừa qua, trong quá trình thi công xây dựng đã làm đổ bức tường rộng khoảng 2m2 từ tầng 5 rơi xuống khuôn viên gia đình tôi, đã làm hư hỏng toàn bộ tài sản gồm chum vại cổ, cây cảnh, hồ cá chép Koi đang nuôi. Rất may không thiệt hại về người còn, nhưng thiệt hại tài sản ước tính hơn 150 triệu đồng”, ông Tuấn nói.

Mặc dù sự việc đã được UBND phường Yên Phụ lập biên bản và đình chỉ thi công xây dựng đối với công trình và yêu cầu khắc phục toàn bộ thiệt hại tài sản đối với công trình liền kề; có biện pháp che chắn đảm bảo vệ sinh môi trường, đảm bảo an toàn lao động. Tuy nhiên, ông Tuấn cho biết, gia đình ông vẫn chưa nhận được bồi thường thiệt hại, trong khi công trình vẫn tiếp tục thi công ảnh hưởng nghiêm trọng tới tính mạng và cuộc sống của gia đình ông.

Một vấn đề nữa, ông Tuấn cho biết, trước khi xây dựng, ông Anh không thực hiện các quy định của Luật Xây dựng và Quyết định số 29/2015/QĐ-UBND ngày 09/10/2015 của UBND TP Hà Nội. Theo đó, ông Anh đã không lập biên bản khảo sát thi công liền kề; không làm cam kết đảm bảo an toàn công trình liền kề; không làm cam kết đền bù việc thi công làm hỏng công trình. Trong quá trình tổ chức thi công không làm màn che công trình đúng quy định; tự ý lắp giàn giáo lấn ra hơn 1m không gian trên thửa đất của gia đình ông.

Nhiều lần làm đơn cầu cứu chính quyền

Vì quá bức xúc, gia đình và bản thân ông Tuấn đã gửi hàng chục lá đơn tới Chủ tịch UBND phường Yên Phụ, Chủ tịch UBND quận Tây Hồ, thậm chí Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, nhưng theo ông, chính quyền địa phương vẫn chưa có động thái quyết liệt nào.

Theo đó, ngày 12/12/2019, ông gửi đơn tới Chủ tịch UBND phường Yên Phụ tố cáo ông Anh với những hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động xây dựng. Ngày 20/12/2020, UBND phường mời ông đến trụ sở làm việc.

Tại buổi làm việc, Tổ trật tự xây dựng phường tiếp và có lập biên bản là yêu cầu chủ đầu tư phải lập biên bản khảo sát hiện trạng ngôi nhà của tôi theo quy định xong trước ngày 23/12/2019. Nhưng đến giờ chủ đầu tư vẫn chưa thực hiện”, ông Tuấn cho biết. Cũng theo ông, mặc dù ông Hoàng Quang Sáng, Chủ tịch phường Yên Phụ, không có mặt trong buổi làm việc; nhưng vẫn có tên trong thành phần tham gia.

Sau nhiều lần làm đơn gửi cơ quan chức năng, gần nhất, ngày 13/2 và 14/2 vừa qua, tại hai buổi tiếp công dân Chủ tịch UBND quận và Bí thư Quận ủy, ông Tuấn đã trực tiếp phản ánh, tố cáo vụ việc. 

Tôi đã nhiều lần tố cáo, nhưng từ đó đến nay Chủ tịch phường Yên Phụ, Chủ tịch quận Tây Hồ vẫn chưa áp dụng các biện pháp ngăn chặn, xử lý triệt để các hành vi vi phạm trong hoạt động xây dựng với chủ đầu tư và yêu cầu chủ đầu tư khắc phục hậu quả, bổi thường thiệt hại cho gia đình tôi theo quy định của pháp luật”, ông Tuấn nói.

Điều 3 Quyết định 29/2015/QĐ-UBND ngày 9/10/2015 của UBND TP Hà Nội ban hành quy định về đảm bảo trật tự, an toàn và vệ sinh môi trường thì trước khi khởi công xây dựng chủ đầu tư phải thông báo bằng văn bản cho chính quyền cơ sở, chủ công trình liền kề về quy mô, thời gian xây dựng công trình, các biện pháp tổ chức khảo sát, thi công công trình bảo đảm an toàn, cam kết đền bù khi việc thi công làm hư hỏng công trình liền kề.

Chủ đầu tư có trách nhiệm khảo sát hiện trạng, lập hồ sơ khảo sát hiện trạng công trình liền kề. Hồ sơ khảo sát hiện trạng công trình liền kề có thể thực hiện bằng cách chụp ảnh, đo vẽ, lập sơ đồ và cần lập thành biên bản có xác nhận của chủ sở hữu, chủ sử dụng công trình liền kề, đại diện chính quyền địa phương.

Đọc thêm