Sửa đổi chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nhiều nhóm hàng, dịch vụ

(PLVN) - Ngày 1/8, Bộ Tư pháp tổ chức phiên họp thẩm định Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Ông Lê Đại Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế chủ trì phiên họp.
Sửa đổi chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nhiều nhóm hàng, dịch vụ

Góp phần định hướng sản xuất, điều tiết tiêu dùng

Phát biểu tại phiên họp, đại diện Bộ Tài chính cho biết, qua 16 năm thi hành, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) số 27/2008/QH12 (sửa đổi, bổ sung vào năm 2014, 2016 và năm 2022) đã xây dựng lộ trình điều chỉnh thuế đối với các mặt hàng thuốc lá, rượu bia, ô tô để điều tiết tiêu dùng của xã hội và thực hiện cam kết quốc tế. Qua đó định hướng sản xuất, điều tiết thu nhập của người tiêu dùng có thu nhập cao, tái phân phối thu nhập, đảm bảo công bằng xã hội và góp phần bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, Luật Thuế TTĐB còn góp phần ổn định nguồn thu cho ngân sách nhà nước, đảm bảo tỷ lệ động viên hợp lý cho ngân sách nhà nước theo hướng bền vững, giảm dần sự phụ thuộc nguồn thu từ tài nguyên khoảng sản (dầu thô) và thu từ hoạt đống xuất nhập khẩu.

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội hiện nay và thời gian tới, chính sách thuế TTĐB cũng đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế như: đối tượng chịu thuế TTĐB còn hẹp so với thông lệ quốc tế; một số quy định về đối tượng chịu thuế, đối tượng không chịu thế, mô tả mặt hàng tại Biểu thuế chưa rõ ràng, đồng bộ với pháp luật chuyên ngành...

Đại diện Bộ Tài chính trình bày các nội dung chính của dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).

Đại diện Bộ Tài chính trình bày các nội dung chính của dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).

Vì vậy, việc sửa đổi Luật Thuế TTĐB là cần thiết để mở rộng cơ sở thu, bảo đảm tính minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện luật; qua đó nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động quản lý thuế trong phòng, chống trốn thuế, thất thu và nợ thuế, ổn định nguồn thu ngân sách nhà nước.

Theo dự thảo Luật, đối tượng chịu thuế TTĐB gồm 11 nhóm hàng: thuốc lá; rượu; bia; xe có động cơ dưới 24 chỗ; xe mô tô hai bánh, ba bánh có dung tích xi lanh trên 125 cm3; máy bay, trực thăng, tàu lượn duy thuyền; xăng các loại; điều hòa nhiệt độ công suất từ 90.000 BTU trở xuống; bài lá; vàng mã, hàng mã; nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam có hàm lượng đường trên 5g/100ml và 6 nhóm dịch vụ gồm: kinh doanh vũ trường; kinh doanh massage, karaoke; kinh doanh casino; trò chơi điện tử có thưởng; kinh doanh đặt cược; kinh doanh golf; kinh doanh xổ số…

Đánh giá kỹ tác động đối với doanh nghiệp, xã hội

Theo đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Luật này có tác động tới nhiều ngành hàng và doanh nghiệp, do vậy cần lấy ý kiến đánh giá tác động và có lộ trình phù hợp để tránh gây “sốc” cho doanh nghiệp, hạn chế xáo trộn tới việc làm của người lao động. Bộ Tài chính cần phối hợp với các Bộ, ngành để rà lại quy chuẩn với các ngành hàng mới như kinh doanh golf, massage, karaoke. Về mặt hàng nước giải khát có đường, cần làm rõ căn cứ “có hàm lượng đường trên 5g/100ml” để thuyết phục doanh nghiệp và người dân.

Về mặt hàng điều hoà nhiệt độ, đại diện Bộ này cho rằng cơ quan chủ trì soạn thảo cần tham vấn thêm ý kiến của các Bộ, ngành có liên quan để xem xét giữ lại hay bỏ mặt hàng này ra khỏi danh sách đối tượng chịu thuế TTĐB, đặc biệt đối với mặt hàng điều hoà nhiệt độ công suất dưới 18.000 BTU vì đây là mặt hàng bình dân, hiện đang được sử dụng phổ biến. Trường hợp tiếp tục đề xuất áp thuế TTĐB, đề nghị cơ quan chủ trì bổ sung đánh giá mức độ phát thải khi sử dụng mặt hàng này, qua đó đề xuất phương án giảm thuế suất xuống mức phù hợp.

Còn đại diện Hiệp hội thuốc lá Việt Nam cho rằng mới mức thuế áp dụng với thuốc lá điếu tăng đột ngột và lớn như dự thảo Luật (từ năm 2026 là 2.000-5.000/bao và 10.000/bao vào năm 2030) sẽ ảnh hưởng lớn tới ngành thuốc lá ở các khía cạnh: giá bán xuất xưởng, giá bán lẻ, gói chi tiêu của người tiêu dùng, an sinh xã hội, việc làm của người dân trồng thuốc lá và người lao động trong cơ sở phân phối thuốc lá. Với mức thuế TTĐB ở mức cao như vậy cũng sẽ khiến người sử dụng chuyển sang sử dụng thuốc lá lậu và loại hình thuốc lá khác. Vì vậy, để hạn chế các tiêu cực xảy ra, Đại diện Hiệp hội thuốc lá Việt Nam đề xuất phương án tính thuế TTĐB với thuốc là là 1.000/bao từ năm 2026-2028 và 3.000/bao vào năm 2030.

Ông Lê Đại Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế tổng hợp, tiếp thu các ý kiến thẩm định.

Ông Lê Đại Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế tổng hợp, tiếp thu các ý kiến thẩm định.

Đối với sản phẩm thuốc lá mới, đại diện Bộ Y tế khuyến nghị nên loại bỏ khỏi đối tượng điều chỉnh của dự thảo Luật Thuế TTĐB (sửa đổi) do Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá số 2012 chưa quy định khái niệm về các sản phẩm nicotine và thuốc lá mới. Đồng thời, Bộ Y tế cũng đang kiến nghị Chính phủ, Quốc hội ban hành quy định cấm các sản phẩm thuốc lá mới để bảo vệ sức khoẻ người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Vì thế, nếu đưa các sản phẩm này vào Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), đồng chí lo ngại có thể gây ra hiểu nhầm cho người dân, doanh nghiệp và xung đột giữa các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Ngoài ra, đại diện Bộ Y tế cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, bổ sung theo lộ trình các loại đồ uống có đường khác để phù hợp với định nghĩa của Tổ chức Y tế Thế giới và theo Tiêu chuẩn Việt Nam. Theo kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới, cơ quan chủ trì cần cân nhắc việc chia hàm lượng đường theo các mức độ khác nhau, hàm lượng đường càng cao thì tỷ lệ thuế càng cao thay vì chỉ quy định 1 mức từ 5g/100ml trở lên như dự thảo Luật hiện nay để đạt được mục tiêu giảm sản xuất, tiêu thụ sản phẩm có lượng đường cao, từ đó nâng cao chất lượng sức khoẻ của người dân.

Kết luận phiên họp, ông Lê Đại Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế cho biết, trên cơ sở các ý kiến tại phiên họp, Bộ Tư pháp sẽ tổng hợp, tiếp thu đầy đủ các ý kiến của thành viên Hội đồng thẩm định, ý kiến giải trình của đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo và hoàn thiện Báo cáo thẩm định theo quy định.

Đọc thêm