Sửa đổi Luật Đầu tư nhằm tránh thất thu ngân sách?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bộ Kế hoạch và đầu tư vừa có văn bản gửi Bộ Tư pháp đề xuất sửa đổi Luật đầu tư năm 2020. Theo đó, việc sửa đổi này có tác động lớn đến thị trường bất động sản, đặc biệt là các chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại.
Sửa đổi Luật Đầu tư nhằm tránh thất thu ngân sách?

Mới đây, bộ Kế hoạch và Đầu Tư đã có Công văn số 6278/BKHĐT-PC gửi Bộ Tư pháp nhằm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 6505/VPCP-PL ngày 15/9/2021 về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật Hải quan.

Trong đó có nội dung Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra ý kiến về việc sửa đổi điểm c khoản 1 Điều 75 Luật Đầu tư 2020 - quy định có tác động lớn đến thị trường bất động sản (BĐS), đặc biệt là các chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại.

Tại khoản 1, Điều 75 Luật Đầu tư sửa đổi năm 2020 có quy định: “Điều 75. Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật có liên quan đến đầu tư kinh doanh.

1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhà ở số 65/2014/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 40/2019/QH14 như sau:

c) Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 23 như sau: 1. Có quyền sử dụng đất ở hợp pháp và các loại đất khác được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất sang làm đất ở”.

Về vấn đề này, ngày 26/3/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định 30/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 99/2015/NĐ-CP. Trong đó, quy định cụ thể các trường hợp được lựa chọn làm chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại, dự án khu đô thị có nhà ở khi: “a) Có quyền sử dụng đất ở hợp pháp; b) Có quyền sử dụng đất ở hợp pháp và các loại đất khác được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất sang làm đất ở; c) Nhận chuyển quyền sử dụng đất ở theo quy định của pháp luật về đất đai để xây dựng nhà ở thương mại”.

Nhiều nhà đầu tư cho rằng, với quy định này, các dự án nhà ở thương mại gần như tắc 100% vì chỉ có những dự án có dính đến đất ở thì nhà đầu tư mới được công nhận chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở, còn lại các loại đất khác nhưng không có một chút đất ở nào (như trường hợp chỉ có quyền sử dụng đất nông nghiệp hoặc đất phi nông nghiệp không có đất ở) thì không được lựa chọn chủ đầu tư.

Một số chuyên gia về BĐS thì cho rằng, hiện nay, phần lớn quỹ đất phát triển nhà ở mà các chủ đầu tư bất động sản sở hữu đều đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp, đất sản xuất kinh doanh. Mặc dù các lô đất này đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch xây dựng, quy hoạch kế hoạch sử dụng đất của tỉnh, thành phố qua các thời kỳ có mục đích đất ở nhưng không thể triển khai được dự án do không có đất ở hiện hữu.

Theo Hiệp hội BĐS TP HCM (HoREA), tổng số dự án nhà ở được UBND TP HCM phê duyệt giảm mạnh trong 5 năm qua (năm 2016 và 2017 đều có 130 dự án; năm 2018: 122 dự án; năm 2019: 22 dự án; năm 2020: 53 dự án); Tổng số nhà ở huy động vốn giảm mạnh trong 3 năm gần đây (năm 2018 giảm 34,2%; năm 2019 giảm 46,4%; năm 2020 giảm 60,7% so với năm 2017).

Nguyên nhân sụt giảm trầm trọng về nguồn cung được xác định là do vướng quy định về việc công nhận chủ đầu tư, khiến nhiều nhà đầu tư không được triển khai dự án.

Giai đoạn 2015-2020, Khoản 4 Điều 23 Luật Nhà ở 2014 chỉ công nhận chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại đối với nhà đầu tư có quyền sử dụng đất 100% đất ở, tại TP.HCM đã có 126 dự án nhà ở thương mại có đất hỗn hợp, không có 100% đất ở nên không được công nhận chủ đầu tư còn ở Hà Nội thì có 82 dự án.

Nhiều chuyên giá BĐS cho rằng, khi Luật Đầu tư 2020 được áp dụng, điểm c Khoản 1 Điều 75 Luật Đầu tư 2020 (sửa đổi, bổ sung Khoản 1 Điều 23 Luật Nhà ở 2014) chỉ "nới lỏng", cho thêm 1 đối tượng là nhà đầu tư "có quyền sử dụng đất ở hợp pháp và các loại đất khác" được công nhận chủ đầu tư, nhưng vẫn còn "bỏ sót" các trường hợp nhà đầu tư có quyền sử dụng đất nông nghiệp (có 100% đất nông nghiệp), hoặc có quyền sử dụng đất phi nông nghiệp không phải là đất ở (có 100% đất phi nông nghiệp không phải là đất ở).

Còn các doanh nghiệp BĐS thấy rằng, quy định này rất thiếu thực tế, khi các dự án lớn có quỹ đất theo quy hoạch của địa phương hầu như không thể đáp ứng điều kiện "có đất ở" trong đó, bởi quy hoạch đô thị mới thường được xây dựng ở cách xa trung tâm, nơi chỉ có các loại hình đất khác ngoài đất ở.

Vì vậy, trong thời gian qua, giá nhà tăng rất nhanh, khiến người dân rất khó khăn để mua một căn nhà ở. Trong khi đó, các dự án BĐS thì bị "treo", bị đình trệ thi công do dẫn đến việc thất thu hàng ngàn tỷ đồng tiền Ngân sách.

Ví dụ, mỗi dự án nhà ở thương mại có vốn mức đầu tư 1.000 tỷ đồng thì tổng mức đầu tư của 126 dự án tại riêng TP HCM sẽ là 126.000 tỷ đồng, thì việc không được công nhận chủ đầu tư 126 dự án này dẫn đến Nhà nước bị thất thu 12.600 tỷ đồng thuế GTGT (thuế suất 10%); nếu lợi nhuận đạt 20% tương đương 25.200 tỷ đồng, thì Nhà nước bị thất thu 5.040 tỷ đồng thuế TNDN (thuế suất 20%). Trong trường hợp nếu các dự án được triển khai, phần dịch vụ, thương mại của 126 dự án này sẽ được đưa vào kinh doanh thì Nhà nước còn thu thêm các nguồn thuế phát sinh khác.

Nếu thống kê trong cả nước thì mức độ thất thu ngân sách nhà nước có thể gấp 3 lần, vì thị trường bất động sản TP.HCM chiếm khoảng 1/3 thị trường bất động sản của cả nước.

Đọc thêm