Truyền thông Chính sách

Sửa đổi Luật Thi hành án dân sự: Trao quyền tự thỏa thuận cho các bên

(PLVN) -Dự thảo báo cáo đánh giá tác động chính sách Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi) Bộ Tư pháp cho rằng, cần tạo điều kiện cho các đương sự chủ động thu thập chứng cứ chứng minh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình và tôn trọng quyền tự định đoạt, thỏa thuận của đương sự.
Cưỡng chế THADS tại TP.HCM, ảnh MH Cẩm Tú
Cưỡng chế THADS tại TP.HCM, ảnh MH Cẩm Tú

Nhiều trường hợp đương sự lợi dụng gây khó khăn cho cơ quan THADS

Bộ Tư pháp cho rằng, quy định của Luật THADS hiện hành chưa tạo điều kiện cho các đương sự chủ động thu thập chứng cứ chứng minh và tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Bên cạnh đó, Luật quy định trong nhiều trường hợp, đương sự không thực hiện thì Chấp hành viên phải thực hiện như: xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án; áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án; xác định, phân chia phần tài sản của người phải thi hành án…dẫn đến hiệu quả tổ chức thi hành án chưa cao, chưa phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự và tố tụng dân sự. Đồng thời, ngân sách nhà nước phải chịu toàn bộ các chi phí phát sinh liên quan đến các hoạt động này. Trong khi đó, theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự thì trách nhiệm chứng minh, yêu cầu và chịu chi phí là của đương sự.

Quy định hiện hành cũng chưa phát huy được hiệu quả của việc xã hội hóa một số hoạt động THADS như quy định đương sự có quyền ủy quyền cho Thừa phát lại xác minh điều kiện thi hành án.

Pháp luật hiện hành (pháp luật dân sự, tố tụng dân sự) đề cao quyền thỏa thuận của đương sự trong suốt quá trình tổ chức thi hành án, tuy nhiên một số trường hợp quyền thỏa thuận của đương sự lại được quy định thành trách nhiệm của Chấp hành viên phải tổ chức cho đương sự thực hiện việc thỏa thuận (như: Thỏa thuận lựa chọn tổ chức thẩm định giá, tổ chức bán đấu giá, thỏa thuận mức giảm giá tài sản; thỏa thuận việc thi hành án khi cưỡng chế trả vật đặc định mà vật phải trả giảm giá trị mà người được thi hành án không đồng ý nhận…). Điều này dẫn đến nhiều trường hợp đương sự lợi dụng để gây khó khăn cho cơ quan THADS, làm kéo dài thời gian tổ chức thi hành án, nhất là giai đoạn sau khi cơ quan THADS đã áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành án.

Các quy định của Luật THADS hiện hành chưa hướng tới việc siết chặt trách nhiệm của người phải thi hành án.Theo đó, Luật quy định người phải thi hành án có quá nhiều quyền trong khi đó, về bản chất, đây là nghĩa vụ đương sự phải thực hiện.

Siết chặt trách nhiệm của người phải thi hành án

Sửa đổi và bổ sung quy định mới trong Luật THADS, Bộ Tư pháp đề xuất theo hướng: Tạo điều kiện cho các đương sự chủ động thu thập chứng cứ chứng minh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình; phát huy được hiệu quả của việc xã hội hóa một số hoạt động THADS theo yêu cầu của cải cách Tư pháp.

Đồng thời, quy định về việc đương sự được ủy quyền cho luật sư hoặc người đại diện tham gia vào quá trình tổ chức thi hành án; Quy định siết chặt trách nhiệm của người phải thi hành án như: Trường hợp người phải thi hành án không tự nguyện thi hành án thì bị cưỡng chế, chịu phí thi hành án và các chi phí phát sinh; việc thỏa thuận của đương sự sau thời điểm Chấp hành viên đã ban hành Quyết định cưỡng chế thi hành án phải đảm bảo các điều kiện nhất định; quy định chặt chẽ việc xử lý vi phạm (xử lý hành chính để là cơ sở xử lý hình sự) đối với những hành vi cố tình chống đối, trì hoãn, trốn tránh, kéo dài việc tổ chức thi hành án… nhằm nâng cao trách nhiệm trong việc thi hành bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật,

Đánh giá tác động giải pháp này, Bộ Tư pháp cho rằng, sẽ giảm thiểu hạn chế về thời gian tổ chức thi hành án. Bên cạnh một số loại việc có thể thi hành nhanh chóng, đơn giản như kết chuyển tạm thu án phí, trả tiền, tài sản cho đương sự, thì vẫn còn không ít loại việc phải tốn nhiều thời gian để thi hành, nhất là các loại việc liên quan đến đất đai, thu hồi tài sản cho nhà nước trong các vụ tham nhũng, kinh tế lớn.

Giải pháp này cũng tôn trọng quyền tự định đoạt, thỏa thuận của đương sự; khuyến khích, động viên người phải thi hành án tự nguyện thi hành. Bảo đảm công khai, minh bạch và có những hình thức hữu hiệu để những người có liên quan đến việc thi hành án được bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình, như quyền phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo.

Đồng thời, giảm bớt các nhiệm vụ, quyền hạn không phù hợp của Chấp hành viên; nâng cao vị trí, vai trò của Chấp hành viên trong hoạt động THADS. Khắc phục được tình trạng đương sự cố tình tạo mọi tình huống nhằm không hoặc kéo dài thời gian thi hành án; Xử lý dứt điểm đối với những việc chưa có hoặc không có điều kiện thi hành án mà vẫn đảm bảo quyền lợi của người được thi hành án khi người phải thi hành án có điều kiện thi hành; Quy định chặt chẽ hơn những trường hợp bắt buộc Chấp hành viên phải cho đương sự thỏa thuận và trách nhiệm nếu không thực hiện thỏa thuận; Hạn chế sai sót của Chấp hành viên trong quá trình tổ chức cưỡng chế cũng như bảo vệ Chấp hành viên trong quá trình tổ chức THADS.

Đặc biệt, việc trao quyền tự thỏa thuận cho các bên trong quá trình giải quyết vụ án sẽ giúp cho việc thi hành án diễn ra nhanh chóng và hiệu quả, không gặp phải sự chống đối hoặc gây khó khăn khác từ đương sự, miễn là việc thỏa thuận đó là hoàn toàn tự nguyện, không trái pháp luật và đạo đức xã hội, không ảnh hưởng tới quyền lợi của bên thứ ba.

Đọc thêm