Hình minh họa |
Điều kiện thủ tục cấp giấy phép viễn thông “can thiệp quá mức”
Trong văn bản gửi tới Bộ Thông tin và Truyền thông, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nêu ý kiến, Điều 19, Điều 20, Điều 21 của Nghị định 25/2011/NĐ-CP quy định điều kiện kinh doanh dịch vụ viễn thông gồm hai điều kiện chính: Vốn pháp định và cam kết số tiền đầu tư. Điều 23 của Nghị định 25/2011/NĐ-CP quy định về thủ tục cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông thì ngoài văn bản xác nhận vốn pháp định và văn bản cam kết số tiền đầu tư, còn yêu cầu doanh nghiệp nộp thêm kế hoạch kinh doanh và kế hoạch kỹ thuật.
Trong đó, nội dung kế hoạch kinh doanh gồm: dự báo, phân tích thị trường, phương án kinh doanh, doanh thu, phân bổ kinh phí đầu tư từng năm, phương án huy động vốn, nhân lực, giá cước, biện pháp bảo đảm quyền lợi của người sử dụng dịch vụ khi doanh nghiệp ngừng hoạt động. Kế hoạch kỹ thuật gồm cấu hình mạng lưới, thiết bị, phân tích năng lực mạng lưới, thiết bị, dung lượng các đường truyền dẫn, công nghệ, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật áp dụng, kết nối viễn thông, phương án bảo đảm chất lượng dịch vụ…
Theo ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp và các chuyên gia mà VCCI tổng hợp được, quy định như vậy vừa can thiệp quá mức vào thị trường vừa thiếu minh bạch, dễ dẫn đến nguy cơ tham nhũng, tiêu cực.
Cụ thể, Nhà nước không nên và cũng không cần thiết can thiệp vào kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp, bởi quy định như vậy có thể dẫn đến tình trạng doanh nghiệp bị từ chối cấp phép khi mà cơ quan nhà nước cho rằng doanh nghiệp dự báo thị trường không chính xác, kế hoạch kinh doanh không khả thi, phương án huy động vốn không hiệu quả… Đây thuần tuý là những vấn đề thuộc về quyền tự quyết của doanh nghiệp. Hơn nữa, các quy định này không tuân thủ Điều 7.1 của Luật Đầu tư, điều kiện đầu tư kinh doanh chỉ đặt ra “vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”.
Hơn nữa, quy định nói trên không minh bạch, do hiện pháp luật không có quy định về việc cơ quan quản lý sẽ dựa vào căn cứ, yếu tố nào để đánh giá kế hoạch kinh doanh và kế hoạch kỹ thuật của doanh nghiệp. Như vậy, có thể dẫn đến khả năng doanh nghiệp cho rằng kế hoạch của mình là phù hợp nhưng cơ quan nhà nước lại cho rằng không. Điều này dẫn đến nguy cơ tranh chấp trong quá trình thực thi pháp luật, thậm chí còn có thể dẫn đến tham nhũng, tiêu cực.
Do đó, cộng đồng doanh nghiệp đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định về việc yêu cầu doanh nghiệp phải nộp kế hoạch kinh doanh, kế hoạch kỹ thuật. Trong trường hợp chứng minh được sự cần thiết của việc phải kiểm soát các nguy cơ như mất an toàn thông tin, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì có thể yêu cầu doanh nghiệp phải khai báo nhưng cần có quy định điều kiện và quy chuẩn kỹ thuật rõ ràng để bảo đảm tính minh bạch.
Một số biện pháp bị nhận xét “không khả thi”
Các Điều 19, 20, 21 của Nghị định 25/2011/NĐ-CP yêu cầu doanh nghiệp phải cam kết đầu tư với số tiền rất lớn, với các mức từ 15 tỷ, 100 tỷ, 300 tỷ, 1000 tỷ, 3000 tỷ, 7500 tỷ đồng tuỳ các loại dịch vụ và mốc thời gian đầu tư. Tuy nhiên, Điều 22.2 của dự thảo lại đang quy định theo hướng doanh nghiệp có quyền xin điều chỉnh cam kết và được Bộ Thông tin và Truyền thông chấp thuận.
Theo VCCI, quy định này không rõ ràng, không rõ cơ quan nhà nước sẽ căn cứ vào đâu để cho phép hay không cho phép doanh nghiệp điều chỉnh cam kết? Theo VCCI, quy định này cho thấy, yêu cầu doanh nghiệp cam kết số tiền đầu tư là một biện pháp không khả thi. Yêu cầu này cũng không rõ là nhằm bảo vệ lợi ích công cộng nào theo Điều 7.1 Luật Đầu tư, điều kiện đầu tư kinh doanh chỉ đặt ra “vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.” Do đó, VCCI đề nghị bỏ yêu cầu doanh nghiệp phải cam kết mức vốn đầu tư.
Trong khi đó, liên quan đến nội dung giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông, Điều 23.5 của Nghị định 25/2011/NĐ-CP quy định giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông có nội dung: “Các điều khoản, điều kiện doanh nghiệp phải tuân thủ khi thiết lập mạng viễn thông, cung cấp dịch vụ viễn thông”. Nếu việc ghi nội dung này vào giấy phép chỉ mang tính chép lại quy định pháp luật để nhắc nhở doanh nghiệp thực hiện thì có thể chấp nhận được. Nhưng nếu việc ghi nội dung này vào giấy phép là do cơ quan cấp phép tự đặt ra thì không phù hợp. Điều này sẽ tạo ra sự tuỳ nghi trong quá trình áp dụng pháp luật, trao quyền quá lớn cho cơ quan cấp phép. Do đó, quy định này cần được điều chỉnh theo hướng: Các nghĩa vụ của doanh nghiệp được ghi trong giấy phép không vượt quá các quy định của pháp luật.