Sẽ không cho chủ đầu tư cầm tiền
Theo quy định tại khoản 1, Điều 36, Nghị định số 99/2015/NĐ-CP thì chủ đầu tư phải lập một tài khoản để người mua, thuê mua căn hộ nộp kinh phí 2% bảo trì nhà chung cư. Tuy nhiên, trên thực tế cho thấy có tình trạng chủ đầu tư đã tự ý sử dụng tài khoản này trước khi bàn giao cho Ban quản trị, thậm chí “chây ì” không bàn giao quỹ này cho Ban quản trị dẫn đến những mâu thuẫn giữa cư dân và chủ đầu tư.
Vì vậy có ý kiến đề nghị cần quy định rõ trong Nghị định về tài khoản kinh phí bảo trì theo hướng đây phải là tài khoản “đóng”, chủ đầu tư không được sử dụng cho đến khi bàn giao sang cho Ban quản trị tòa nhà.
Theo quy định tại khoản 2, Điều 36 của Nghị định 99/2015/NĐ-CP thì người mua nhà nộp kinh phí bảo trì theo hai hình thức. Thứ nhất, nộp trực tiếp vào tài khoản đã ghi trong hợp đồng mua bán. Thứ hai, nộp cho chủ đầu tư để chủ đầu tư chuyển vào tài khoản kinh phí bảo trì.
Tuy nhiên, Bộ Xây dựng nhận định, trên thực tế, việc quy định hai hình thức nộp tiền như trên dẫn đến tình trạng chủ đầu tư đã sử dụng kinh phí này trước khi bàn giao cho Ban quản trị, từ đó dẫn đến khó khăn trong công tác quyết toán, thu hồi kinh phí để bàn giao sang cho Ban quản trị tòa nhà. Do đó, cần thiết bỏ quy định về hình thức nộp tiền trực tiếp cho chủ đầu tư để hạn chế tình trạng trên.
Tại dự thảo đang chuẩn bị, Bộ Xây dựng đề xuất sửa đổi quy định về kinh phí 2% bảo trì nhà chung cư như sau: Người mua, thuê mua nhà ở, chủ đầu tư phải đóng 2% kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư theo quy định tại Điều 108 của Luật Nhà ở; khoản kinh phí này được tính trước thuế để nộp (Nhà nước không thu thuế đối với khoản kinh phí này). Chủ đầu tư phải mở một tài khoản vốn chuyên dùng có kỳ hạn tại một tổ chức tín dụng đang hoạt động tại Việt Nam để nhận tiền bảo trì do người mua, thuê mua, chủ đầu tư nộp theo quy định.
Chủ đầu tư phải ghi thống nhất tài khoản đã mở theo quy định tại Khoản 1 Điều này trong hợp đồng mua bán, thuê mua căn hộ hoặc diện tích khác trong nhà chung cư ký với khách hàng (bao gồm số tài khoản, tên tài khoản và tên tổ chức tín chức tín dụng nơi mở tài khoản này); người mua, thuê mua trước khi nhận bàn giao nhà ở phải nộp 2% kinh phí bảo trì theo quy định vào tài khoản đã ghi trong hợp đồng này; nếu chủ đầu tư không thu kinh phí này mà vẫn bàn giao căn hộ hoặc diện tích khác trong nhà chung cư cho người mua, thuê mua thì chủ đầu tư phải nộp khoản kinh phí 2% này.
Ai giám sát chủ đầu tư và Ban quản trị?
Hiện nay tại các chung cư, phí bảo trì do người mua nhà và chủ đầu tư đóng góp. Người mua nhà đóng phần diện tích căn hộ và phần diện tích sử dụng chung. Chủ đầu đóng phần diện tích sử dụng chung và các khu vực thương mại sử dụng riêng của chủ đầu tư. Như vậy, trong mỗi tòa nhà chung cư, số tiền đóng phí 2% bảo trì của chủ đầu tư là khá lớn.
Nếu quy định trên được thay đổi và áp dụng thì ai sẽ là đơn vị giám sát việc đóng quỹ bảo trì chung cư của chủ đầu tư? Đây đang là vấn đề khiến nhiều người băn khoăn. Ngoài ra, việc giám sát việc sử dụng quỹ của Ban quản trị tòa nhà cũng được đặt ra. Thực tế tại các chung cư cho thấy, ngoài việc cư dân mua nhà phải đóng 2% quỹ bảo trì thì gần như chủ đầu tư ít đóng hoặc chậm đóng quỹ bảo trì chung cư, trong khi họ chính là đơn vị phải đóng nhiều nhất.
Theo ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản (Bộ xây dựng), Bộ này đang xây dựng dự thảo quy định trên với mục đích có cách quản lí, sử dụng hợp lí quỹ trảo trì chung cư, tránh tình trạng quỹ bảo trì bị chủ đầu tư “om” lại hoặc bị Ban quản trị tòa chung cư sử dụng không đúng mục đích, thất thoát. “Quan điểm của Bộ Xây dựng là tiếp tục duy trì quỹ bảo trì chung cư, nhưng cần có cách quản lí hiệu quả”, ông Ninh nói.
Ông Nguyễn Tử Quang - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư và phát triển nhà Hà Nội (HANDICO) cho rằng, khi quỹ bảo trì đã giao cho Ban quản trị thì cơ quan quản lý Nhà nước (như thanh tra Sở Xây dựng, chính quyền sở tại) vẫn có quyền giám sát việc hoạt động của quỹ, tránh tình trạng tranh chấp giữa Ban quản trị và cư dân hoặc tình trạng Ban quản trị sử dụng quỹ không đúng mục đích, chuộc lợi…