Sức sống của doanh nghiệp

(PLO) -Hội nghị WEF ASEAN 2018 đang diễn ra ở Hà Nội. Hội nghị dành khá nhiều thời gian thảo luận, đề xuất ý tưởng, định hướng, chính sách khơi dậy tiềm năng, sức sáng tạo và sự năng động của doanh nghiệp (DN) và người dân, hướng tới xây dựng Cộng đồng ASEAN vì người dân, năng động, vững mạnh, thịnh vượng.
Thủ tướng trao đổi với các chuyên gia nước ngoài về công tác chuẩn bị Hội nghị

Đặc biệt, nhiều nội dung thiết thực được trao đổi, bàn luận sâu sắc như đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, mô hình kinh doanh mới, phát triển kinh tế số, tri thức và kỹ năng số, đào tạo và giải quyết việc làm, thu hẹp khoảng cách phát triển, giảm nghèo bền vững.

Phải nói rằng, quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thời gian qua đã không khí kinh doanh sôi động, cởi mở, năng động, sáng tạo với khát vọng và ý chí vươn lên mạnh mẽ của DN trong nước tạo ra hy vọng mới.

Có một câu chuyện đáng suy nghĩ đó là: Ban QLDA của Bộ GTVT, Tổng Công ty Xây dụng công trình GTVT đã vui vẻ đi “làm thuê” cho Tập đoàn Vingroup. Điều này cho thấy sự khác biệt lớn, thay đổi nhận thức về cuộc sống.

Chúng ta đã mất một thời gian rất dài xây dựng các tập đoàn, tổng công ty (TCT) nhà nước (NN) làm “xương sống” cho nền kinh tế. Kết quả là gì, có thể nói, hiện nay ngoài Viettel – được đứng vào Top 10 thương hiệu Việt năm 2018, còn lại 19 tập đoàn, TCTNN “chủ đạo” được ưu ái, kỳ vọng gần như “biến mất”. Rất nhiều vụ tham nhũng, tiêu cực… ở những đã xảy ra ở những tập đoàn, TCTNN này làm chúng ta đau đớn.

Chúng ta buộc phải suy nghĩ: biết bao nhiêu tài nguyên (có những thứ phải dành dụm cho muôn đời con cháu mai sau) đề được giao cho các DNNN khai thác đến cạn kiệt (ví dụ than đá) nhưng dần dần đất đai NN giao cho các DNNN cũng phải bán, hoặc liên kết thành chung cư, trung tâm thương mại… và biến mất trong quá trình “cá lớn nuốt cá bé” của kinh tế thị trường.

Chúng ta buộc phải suy nghĩ về các đất nước trong khu vực, họ - thậm chí “điểm xuất phát” thấp hơn ta, tài nguyên không hề có nhưng hiện nay đều là những nước giàu hoặc NICs. Ví dụ: Hàn Quốc đã là nền kinh tế thứ 11 trên thế giới theo GDP năm 2016. Họ giàu chỉ nhờ một con chip điện tử chứ không phải bán hết tài nguyên... Nhiều tài nguyên nhưng chỉ “đào để bán” và phá sẽ hết, đất nước mãi nghèo.

Có lẽ vì một thời, tư duy của chúng ta là đất nước quá giàu về tài nguyên và đủ thứ tiềm năng nên tư duy chủ yếu là “xin – cho” duy trì quá lâu dài, tiệm cận rất chậm vấn đề cốt lõi là sinh ra NN để phục vụ, DN quyết định sự phát triển của một nền kinh tế chứ không phải “bố thí”, “xin – cho”. 

Hợp tác với các tập đoàn đa quốc gia hiện nay là cơ hội và động lực để các DN Việt Nam dám nghĩ, dám làm, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, vươn ra biển lớn là vấn đề có ý nghĩa “sống còn” đối với kinh tế đất nước. “Thời đại 4.0” buộc chúng ta suy nghĩ khác, hành động khác! 

Đọc thêm