Sức sống mới trên đảo ngọc Phú Quý

(PLO) - Gọi Phú Quý là hòn đảo ngọc bởi nơi đây vẫn còn lưu giữ nhiều nét đẹp hoang sơ, huyền bí, là điểm đến hấp dẫn tuyệt vời của du khách. 
Toàn cảnh bến cảng đảo Phú Quý - Bình Thuận.
Gắn phát triển kinh tế với bảo vệ Tổ quốc
Huyện đảo gồm 3 xã Tam Thanh, Ngũ Phụng và Long Hải với gần 27 ngàn dân sinh sống chủ yếu là nghề khai thác, đánh bắt hải sản xa bờ và nuôi trồng thủy sản. Nhìn lại trong những năm đầu mới giải phóng, nền kinh tế của huyện đảo Phú Quý với khoảng gần 19 ngàn dân sinh sống hết sức nghèo nàn, lạc hậu, mang nặng tính tự cung, tự cấp, điều kiện phương tiện để ra vào đất liền bằng tàu gỗ và phụ thuộc vào thời tiết biển… 
Tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể lúc này còn non trẻ, thiếu và yếu, hệ thống kết cấu hạ tầng dân sinh, kinh tế - xã hội hầu như chưa có gì, nền văn hóa, giáo dục, y tế và nhiều lĩnh vực khác còn rất nhiều hạn chế, đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn… Từ sự hình thành của Đảng bộ huyện Phú Quý tháng 6/1978 gồm 11 chi bộ với 60 đảng viên, đã đánh dấu một bước tiến quan trọng trong phong trào đấu tranh cách mạng mới là xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ Tổ quốc của một huyện đảo. 
Trải qua hơn ba thập niên, công tác xây dựng, phát triển Đảng luôn được Đảng bộ huyện chú trọng, đã có nhiều chuyển biến tích cực và các cơ sở đảng không ngừng được củng cố. Từ 60 đảng viên ban đầu, đến nay Đảng bộ huyện Phú Quý đã có gần 1.000 Đảng viên. 
Ngoài công tác xây dựng Đảng, các cơ sở đảng còn tập trung lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội của địa phương theo Nghị quyết của Đảng đã đề ra. Những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện và sự đồng thuận của người dân, sự quan tâm giúp đỡ của Trung ương và của tỉnh, huyện Phú Quý đã từng bước đạt được nhiều thành tựu quan trọng.  
Kinh tế biển vẫn được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, là khâu đột phá của huyện và được tập trung đầu tư phát triển nhanh, bền vững cả về năng lực khai thác, sản lượng đánh bắt, sản xuất, chế biến và nuôi trồng thủy sản. Năng lực tàu, thuyền ở huyện đảo Phú Quý tính đến nay đã có 1.187 chiếc/89.328CV/6.071 lao động, sản lượng khai thác hải sản tươi sống các loại bình quân hàng năm đạt trên 26.000 tấn. 
Trong đó, nổi bật là nền kinh tế của huyện dần được đi vào ổn định và không ngừng phát triển theo hướng bền vững, riêng trong lĩnh vực khai thác, chế biến và nuôi trồng thủy sản bình quân đạt trên 24.000 tấn/năm, nhiều mặt hàng hải sản, thủy sản của huyện Phú Quý cũng đã có mặt trên thị trường trong và ngoài nước. Hệ thống kết cấu hạ tầng đã và đang tiếp tục đầu tư xây dựng, nâng cấp, hoàn thiện đưa vào khai thác, sử dụng nhiều công trình trọng điểm, nhất là công trình điện gió và diesel phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh – quốc phòng với tổng giá trị hàng ngàn tỷ đồng. 
Đối với các công tác xã hội như:  xóa đói giảm nghèo, chăm lo đời sống cho các gia đình chính sách, đối tượng xã hội, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động, hoạt động bảo trợ trẻ em, phòng chống tệ nạn xã hội và công tác hậu phương quân đội gắn với các phong trào thi đua yêu nước… luôn được các cấp, ngành địa phương quan tâm và triển khai thực hiện đồng bộ. 
Đặc biệt những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện, nhân dân huyện đảo Phú Quý đã vươn lên xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp và sẽ sớm trở thành huyện khá của tỉnh Bình Thuận. Phong trào xây dựng nông thôn mới được cán bộ và nhân dân trong huyện quan tâm thực hiện, 3 xã đảo trên địa bàn huyện chủ yếu phấn đấu để hoàn thành các tiêu chí trước thời hạn, trong đó xã Tam Thanh đã được tỉnh công nhận là xã đạt chuẩn quốc gia về xây dựng nông thôn mới năm 2014.
Người dân xã Long Hải – Phú Quýnuôi cá lồng bè xuất khẩu.  
Điểm du lịch hấp dẫn
Hòn đảo ngọc xinh đẹp này có 3 xã đảo, bao quanh còn có nhiều hòn nổi lớn, nhiều bãi biển, gành đá, vịnh hoang sơ rất đẹp. Phú Quý là đảo tiền tiêu trên biển Đông của Bình Thuận và là trạm trung gian cận quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa của Tổ quốc thân yêu. 
Tương truyền, ngày xưa có một chiếc ghe ngư dân từ đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi đánh cá trên biển, không may gặp luồng cá chuồn bơi ngược. Thế là hàng vạn, hàng triệu con cá lao lên sàn làm chìm ghe. Những ngư dân trôi dạt vào bờ rồi từ đó định cư thành các xã Long Hải, Tam Thanh. Riêng xã Ngũ Phụng có truyền thuyết liên quan đến Công chúa Chế Bàn Tranh của Chiêm Thành bị đày ra đây, ngày nay còn nhiều di tích tại Ngũ Phụng.
Những năm trước đây, khi ghe thuyền ra đảo mỗi tuần một chuyến, đảo gần như biệt lập với đất liền. Dân trong Phan Thiết, Phan Rí gọi người ngoài đảo là dân Hòn. Cuộc sống kinh tế, văn hóa xứ Hòn trước kia còn khó khăn, lạc hậu, nhưng bù lại thiên nhiên tuyệt đẹp, con người chất phác, ân tình.
Đến Phú Quý hôm nay, du khách thực sự ngạc nhiên trước sự “thay da đổi thịt” của đảo ngọc. Được biết từ năm 2000 trở lại đây, huyện được tăng cường nhiều cán bộ, giáo viên từ đất liền ra đảo, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân nâng lên rõ rệt. Có thể nói, hiện trên đảo các điều kiện vật chất, văn hóa cũng được đầu tư, phát triển như ở đất liền. Trường học, bệnh viện, nhà trẻ được xây dựng khang trang, đầu tư trang thiết bị hiện đại không kém gì đất liền, khu chợ sầm uất với cửa hiệu cho thuê đồ cưới, chụp hình nghệ thuật, cửa hàng điện thoại di động sang trọng…
Với sự nỗ lực của cán bộ, chiến sĩ, các tầng lớp nhân dân huyện Phú Quý, chỉ tính từ năm 2010 đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của huyện đã giảm rõ rệt, các chính sách xã hội đối với thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với nước được huyện thực hiện chu đáo, kịp thời. 
Được biết, nhờ sự “thay da đổi thịt” không ngừng phát triển, hiện nay trung tâm huyện lỵ Phú Quý đã đạt chuẩn là đô thị loại V và dự kiến đến năm 2016, huyện Phú Quý sẽ điều chỉnh ranh giới để thành lập thêm một thị trấn Phú Quý và 3 xã đảo. Sau khi thành lập thị trấn Phú Quý, huyện đảo này sẽ phát triển nhanh thành một khu đô thị du lịch biển đảo của tỉnh Bình Thuận./.

Đọc thêm