Sức tàn phá khủng khiếp của bom nhiệt hạch

(PLO) - Có sức công phá mạnh hơn bom nguyên tử nhiều lần, ít gây ô nhiễm phóng xạ hơn đồng thời cũng nhỏ gọn hơn, bom nhiệt hạch (hay bom hydro) chính là loại vũ khí sát thương hàng loạt đáng sợ bậc nhất con người từng tạo ra.
Vụ thử bom nhiệt hạch đầu tiên của Mỹ trên quần đảo Marchalls năm 1952. Ảnh: NYTimes.
Triều Tiên ngày 6/1 gây chấn động với tuyên bố đã thử thành công bom nhiệt hạch, tại khu vực bãi thử Punggye-ri. Trước đó Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ đã ghi nhận một địa chấn mạnh 5,1 độ richter trong khu vực này.
Trong tuyên bố được hãng thông tấn KCNA đăng tải, chính quyền Bình Nhưỡng khẳng định đã lần đầu tiên thử nghiệm thành công bom nhiệt hạch.
Tháng trước, Triều Tiên từng gây nhiều đồn đoán khi khẳng định vừa bổ sung bom nhiệt hạch vào kho vũ khí của mình.
Tuy nhiên, các nhà quan sát khi đó tỏ ra hoài nghi, dù nhiều năm qua nhiều người tin rằng Bình Nhưỡng đang nỗ lực để sở hữu loại vũ khí này.

Bom nhiệt hạch là gì?

Bom nhiệt hạch hay bom hydro, được Mỹ phát triển đầu tiên, là một loại vũ khí được kích hoạt bởi phản ứng kết hợp hạt nhân của các đồng vị hydro, trong một chuỗi phản ứng hóa học.
Loại bom này được xem là “sạch hơn” so với bom nguyên tử do tạo ra ít bụi phóng xạ hơn, nhưng lại có sức công phá lớn hơn.
Bom nguyên tử, loại tương tự như Mỹ đã ném xuống Hiroshima và Nagasaki trong Thế chiến II, tạo ra phản ứng phân hạch hạt nhân, trong đó một neutro sẽ va chạm với hạt nhân của một nguyên tử, khiến hạt nhân đó tách ra thành hai hạt nhân nhỏ hơn. Quá trình phân tách này giải phóng năng lượng.
 
Trong khi đó bom nhiệt hạch tạo ra một vụ nổ gồm hai giai đoạn: một phản ứng phân hạch hạt nhân và một phản ứng kết hợp hạt nhân. Trong đó vụ nổ “sơ cấp” là do phản ứng phân hạch hạt nhân – tương tự như bom hạt nhân thông thường – tạo ra tia X.
Chính những tia X này gây ra vụ nổ “thứ cấp”, do quá trình kết hợp các đồng vị của hydro là tritium và deuterium. Thông thường hai đồng vị hydro này đẩy nhau, nhưng do tia X làm suy yếu lực đẩy, khiến chúng kết hợp lại với nhau, tạo thành một hạt nhân mới, lớn hơn, giải phóng năng lượng.
Trong vụ thử bom nhiệt hạch đầu tiên năm 1952, trên đảo Marshall do Mỹ tiến hành, mức năng lượng quả bom tạo ra tương đương với 10 triệu tấn thuốc nổ TNT. Để so sánh, quả bom nguyên tử “Little boy” Mỹ ném xuống Hiroshima ngày 6/8/1945 có sức công phá tương đương 13.000 tấn TNT, đã khiến 70.000 người tử vong tức khắc.
Kích thước một quả bom nhiệt hạch thường nhỏ hơn bom hạt nhân, và không lớn hơn các loại bom thông thường nên hoàn toàn có thể gắn trên đầu các tên lửa đạn đạo.
Liệu Triều Tiên đã thực sự sở hữu loại vũ khí hủy diệt hàng loạt uy lực này? Đây là điều các nhà phân tích, chuyên gia tình báo đang cố gắng kiểm chứng.
Theo BBC, các nhà phân tích giờ sẽ tập trung vào việc phát hiện xem có luồng khí nào rò rỉ lên trên mặt đất sau vụ thử nghiệm của Bình Nhưỡng không. Từ đó, họ sẽ xác định loại nhiên liệu hạt nhân đã được sử dụng, nếu thực sự Triều Tiên đã thử bom nhiệt hạch.
Cho đến nay 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, gồm Mỹ, Nga, Anh, Pháp và Trung Quốc là những nước được biết đến sở hữu vũ khí bom nhiệt hạch.
Theo Fox News, Mỹ là nước thử loại bom này đầu tiên, vào năm 1952. Đến năm 1953, Liên Xô cũng thử nghiệm bom nhiệt hạch. Những năm sau đó, Anh, Pháp, Trung Quốc (năm 1967) cũng đã tiến hành các vụ thử.
Ngoài ra, còn có một số nước khác đã thử nghiệm các thiết bị phân hạch hạt nhân, hoặc tuyên bố đã sở hữu năng lực tạo ra những thiết bị này, nhưng chưa chính thức tuyên bố sở hữu loại vũ khí này. Những nước này gồm Ấn Độ, Israel và Pakistan. Chế độ apartheid tại Nam Phi từng sản xuất 6 quả bom hạt nhân, nhưng sau đó chúng đã bị tháo dỡ.
Tờ Foregin Policy hôm 16/12 dẫn lời ông John Carlson, cựu giám đốc chương trình chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt của Úc, cho biết có 3 quốc gia trên thế giới vẫn tiếp tục sản xuất nhiên liệu phân hạch, đó là Triều Tiên, Pakistan và Ấn Độ.

Đọc thêm