Suýt điếc tai vì chủ quan bệnh… viêm tai giữa

(PLO) - Viêm tai giữa ứ dịch là sự ứ dịch của tai giữa phía sau một màng tai không thủng, không có các triệu chứng viêm cấp. Dịch tai giữa có thể là thanh dịch, có thể là dịch nhầy, có thể là keo. Bệnh có thể dần dần tiến triển thành viêm tai giữa nguy hiểm, từ đó gây ra các biến chứng nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Không khí ô nhiễm, thời tiết lạnh dễ bị viêm tai giữa

Suốt nửa tháng qua, ông Nguyễn Văn Bình (Cầu Giấy, Hà Nội) thấy đôi tai của mình bị ù ù như đi gió. Ông Bình thấy đắng miệng khi nuốt, mất ngủ. Cứ nghĩ thời tiết thay đổi nên việc ù tai, mất ngủ, kém ăn là chuyện bình thường, ông Bình tặc lưỡi chủ quan. Nhưng ông ngày càng khó nghe mọi người nói chuyện khi ông thấy có những  âm thanh lạ “nhảy múa” trong tai. Ngay ngày đầu tiên năm mới, ông bị sốt cao, tai và đầu đau nhức. 

Ông Bình được người nhà đưa vào viện khám. Kết quả nội soi tai của ông Bình cho thấy, vùng họng, mũi, tai của ông đầy ứ dịch. Bác sĩ chẩn đoán ông bị viêm xoang mủ cấp, viêm tai giữa ứ mủ dịch, đây cũng là nguyên nhân khiến ông bị ù tai, nghe kém. Ngoài ra, chính chất dịch này cũng là nguyên nhân khiến ông thấy đắng miệng khi nuốt, ăn uống sẽ không có cảm giác ngon miệng.

Khi chuẩn đoán bị viêm tai giữa, ông Bình rất đỗi ngạc nhiên. “Tôi cứ tưởng chỉ trẻ con mới bị viêm tai giữa, hoá ra, người lớn cũng bị. Bác sĩ còn bảo nếu đi khám muộn hơn, tôi thậm chí còn bị điếc một bên”, ông Bình lo lắng.

PGS.TS Nguyễn Thị Hoài An, nguyên bác sĩ Bệnh viện Tai - Mũi - Họng Trung ương - Giám đốc Bệnh viện An Việt cho biết, nguyên nhân gây ra căn bệnh này là do bị viêm nhiễm vùng mũi họng gây ra bởi vi trùng hoặc siêu vi. Ngoài ra còn do tắc vòi nhĩ, thường gặp do sùi, do viêm mũi xoang mủ, u ở vòm họng. Có trường hợp bị mắc bệnh do viêm nhiễm đường hô hấp, do bệnh lý trào ngược, dị nguyên hoặc không khí ô nhiễm, thời tiết lạnh cũng là những tác nhân gây viêm tai giữa hiện nay. “65 - 78% bệnh nhân bị bệnh này có nhiễm khuẩn đường hô hấp trên trong những ngày trước đó”, TS Hoài An nói.

Theo TS Hoài An, từ trước tới nay, mọi người luôn quan niệm rằng, viêm tai giữa là bệnh chỉ trẻ nhỏ mới hay bị và viêm tai giữa là phải có chảy mủ tai hoặc thủng màng nhĩ. Trong khi đó, viêm tai giữa ứ dịch là bệnh không hiếm gặp ở người lớn, và không phải “chờ” đến chảy mủ, thủng tai mới phát hiện ra bệnh, nhờ có thiết bị nội soi và máy đo nhĩ lượng.

PGS.TS Nguyễn Thị Hoài An
PGS.TS Nguyễn Thị Hoài An

Những biểu hiện của bệnh viêm tai giữa người lớn

TS Hoài An cho hay, ù tai, nghe kém là biểu hiện thường gặp nhất của bệnh viêm tai giữa ứ dịch, không có các dấu hiệu khác về bệnh học tai. Do vậy, bệnh thường tiềm tàng và bị bỏ qua trong nhiều tháng, nhiều năm. Nếu ở trẻ em, sự giảm thính lực đại đa số gặp cả hai tai, thì ở người lớn thường gặp nhất là bị một bên mà bệnh nhân Bình là ví dụ điển hình. Bệnh nhân thường nghe rõ hơn khi nằm nghiêng sang bên tai lành; trong một số trường hợp có thể có chóng mặt.

Một biểu hiện của viêm tai giữa, viêm tai giữa ứ dịch là người bệnh sốt khá cao do viêm nhiễm. Điều này cũng đồng nghĩa với việc bệnh nhân vô cùng mệt mỏi, đau đầu. Một số khác còn bị mất ngủ, là hệ quả của việc đau nhức được nhắc đến ở trên. Có đến 40% bệnh nhân cho biết họ bị mất ngủ khi viêm tai giữa, viêm tai giữa ứ dịch. Nó khiến cho họ không tập trung tinh thần làm bất kỳ công việc gì, ảnh hưởng sinh hoạt hàng ngày. Một số người lớn mắc viêm tai giữa có cảm giác đau tai rất rõ rệt.

“Ban đầu, cơn đau có thể diễn ra âm ỉ, thỉnh thoảng mới đau tăng thêm nhưng không đáng kể. Tuy nhiên, sau đó lại đau kèm theo nhức nhối rất khó chịu và người bệnh chỉ muốn ngoáy tai liên tục. Hành động này không những không giúp ích mà ngược lại, còn làm ảnh hưởng đến tai trầm trọng hơn”, TS Hoài An nói.

Các chuyên gia về tai mũi họng cho biết, tất cả các trường hợp mắc viêm tai giữa, viêm tai giữa ứ dịch cần phải được phát hiện sớm, điều trị và theo dõi liên tục. Mục đích là giúp người bệnh phục hồi thính lực, ngăn chặn sự tiến triển đến bệnh lý mạn tính không hồi phục như: Viêm tai dính, xơ nhĩ, túi co kéo màng nhĩ hay xẹp nhĩ, viêm tai giữa mạn tính. Việc điều trị sớm và kịp thời cũng ngăn ngừa các viêm tai giữa cấp tái phát và biến chứng. Để đạt những mục đích này, tùy thuộc vào tình trạng bệnh cụ thể mà người bệnh có thể được điều trị nội khoa hoặc ngoại khoa.

Các thuốc được sử dụng điều trị nội khoa bao gồm kháng sinh, kháng histamin, thuốc chống phù nề, thuốc nhỏ mũi, corticoid; bơm hơi vòi nhĩ cải thiện thính lực. Bệnh nhân sẽ được dặn tái khám sau 1-2 tuần. Một số trường hợp viêm tai giữa nhưng điều trị bằng kháng sinh không hiệu quả phải tiến hành nạo VA; cắt amidan khi có viêm amidan và viêm mũi họng tái diễn; đặt ống thông khí là giải pháp điều trị hiệu quả nhất hiện nay.