Tái cơ cấu chưa thực sự hỗ trợ cho tăng trưởng

(PLO) - Quá trình tái cơ cấu nền kinh tế với 3 trụ cột: tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và tái cơ cấu các tổ chức tín dụng đã đạt được những kết quả bước đầu, nhưng theo nhận định của các tổ chức, định chế tài chính quốc tế có uy tín thì Việt Nam vẫn còn nhiều việc phải làm để tái cơ cấu thực sự hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế...
Tại Báo cáo về Việt Nam số 14/311 công bố tháng 10/2014, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho rằng Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng kể trong triển khai những bước quan trọng của việc tái cơ cấu (TCC) các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và các tổ chức tín dụng (TCTD). Các chương trình TCC kinh tế được xây dựng tập trung vào việc đổi mới các văn bản pháp lý, thoái vốn đầu tư ngoài ngành và cổ phần hóa (CPH). 
Theo IMF, việc triển khai chương trình TCC nền kinh tế và thúc đẩy CPH sẽ giúp Việt Nam phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn, lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng và giúp nền kinh tế đạt được tốc độ tăng trưởng cao hơn trong tương lai. Để đổi mới hệ thống văn bản pháp luật, Chính phủ đã ban hành các quy định nhằm nâng cao công tác công bố thông tin, minh bạch tài chính, đồng thời tăng cường công tác kiểm soát nội bộ thông qua việc xác định rõ hơn trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước và tăng cường công tác quản trị DN. 
Tuy nhiên, IMF cũng cho rằng, bên cạnh việc sửa đổi hệ thống các văn bản pháp lý là điểm tích cực đáng ghi nhận thì để đẩy mạnh nhiệm vụ TCC, Việt Nam cần triển khai đồng đều các phương án TCC đặc biệt là tại các công ty con của các DNNN, thống nhất công tác giám sát của đại diện vốn chủ sở hữu DNNN, đồng thời tập trung vào việc đổi mới hoạt động để tăng cường hiệu quả hoạt động của DN.
Trước đó, Báo cáo Cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố hồi tháng 7 cho rằng để rút ngắn giai đoạn tăng trưởng dưới mức tiềm năng, Việt Nam cần đẩy mạnh hơn quá trình TCC hệ thống TCTD và DNNN, từ đó có thể giảm rủi ro dẫn đến nghĩa vụ nợ dự phòng lớn trong khu vực công, khiến cho nợ công tăng đến các mức không còn bền vững.
Cũng trong thời điểm tháng 7, báo cáo “Vietnam at a glance” của Ngân hàng HSBC đã đánh giá quá trình TCC đầu tư công, tái cơ cấu TCTD và tái cơ cấu DNNN chưa thật sự hỗ trợ cho tăng trưởng của Việt Nam. Trong đó, quá trình CPH DNNN vẫn còn chậm; tái cơ cấu TCTD chưa được như kỳ vọng, xử lý nợ xấu vẫn còn chậm chạp do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chưa đủ mức độc lập để thực thi các giải pháp tái cơ cấu. 
Tuy nhiên, HSBC cũng đã chỉ ra nhiều kết quả tích cực của quá trình TCC như: NHNN đã xác định, phân loại được các ngân hàng yếu kém, thúc đẩy quá trình hợp nhất các ngân hàng yếu kém, ổn định tỷ giá, mua lại nợ xấu của ngân hàng, củng cố dự trữ ngoại hối quốc gia; ổn định kinh tế vĩ mô và hoàn thiện thể chế. Ngoài ra, HSBC tin rằng việc TCC của Việt Nam đang được triển khai đúng hướng, qua đó sẽ khắc phục tình trạng đầu tư công lãng phí, đặc biệt tại các chính quyền địa phương; thúc đẩy loại bỏ các DNNN kém hiệu quả, thay vào đó là các DNNN hoạt động hiệu quả hơn; đồng thời giúp khu vực tư nhân phát triển.
Một báo cáo với tựa đề “Asia Pacific Economics – Vietnam Update” do Ngân hàng ANZ phát hành cũng nhận định các DNNN kém hiệu quả đang là gánh nặng cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam; tuy nhiên triển vọng lạc quan về thu hút FDI sẽ là điều kiện thuận lợi để Việt Nam đẩy mạnh TCC nền kinh tế.
Giáo sư Suiwah Leung, Trường ĐH Quốc gia Australia (ANU) trong bài viết “Reforms vital for Vietnamese economy to stay on track” (TCC có ý nghĩa sống còn để nền kinh tế Việt Nam giữ vững nhịp tăng trưởng) đã nhận định tiến trình TCC nền kinh tế nhìn chung chậm hơn so với kỳ vọng; hệ thống văn bản pháp luật hiện nay vẫn chưa rõ ràng, cụ thể; sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước còn thiếu chặt chẽ; nợ xấu chưa thật sự công khai, minh bạch. Tuy vậy, ông cho rằng Việt Nam hoàn toàn có thể đẩy mạnh TCC các TCTD và DNNN trong khi vẫn duy trì được kỷ luật tài khoá, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong dài hạn.
Theo TS Cấn Văn Lực, Giám đốc Trường Đào tạo cán bộ BIDV, các tổ chức quốc tế đã có những ghi nhận tích cực khách quan về những kết quả bước đầu thực hiện TCC nền kinh tế của Việt Nam cũng như nhấn mạnh vai trò của TCC trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, đồng thời cũng chỉ ra những  nhiệm vụ, yêu cầu  sát thực để đẩy mạnh TCC nền kinh tế.  Đây là những đóng góp quý báu để Việt Nam thực hiện thành công công cuộc TCC nền kinh tế để hỗ trợ tích cực cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế...

Đọc thêm