Tại sao Trung Quốc hạn chế xây dựng 'nhà chọc trời'?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trung Quốc sẽ giới hạn việc xây dựng các 'tòa nhà chọc trời' ở các thành phố nhỏ, như một phần của chiến dịch giảm thiểu các "dự án phù phiếm" và mức tiêu thụ năng lượng.
Tháp Thượng Hải, tòa nhà cao thứ hai thế giới.
Tháp Thượng Hải, tòa nhà cao thứ hai thế giới.

Các tòa nhà chọc trời cao hơn 150 mét sẽ bị hạn chế nghiêm ngặt, và những tòa nhà cao hơn 250 mét sẽ bị cấm đối với các thành phố có dân số dưới 3 triệu người. Các nhà chức trách cũng sẽ hạn chế các công trình cao hơn 250 mét đối với các thành phố lớn.

Đây không phải là lần đầu tiên các cơ quan quản lý Trung Quốc vào cuộc để hạn chế chiều cao của các tòa nhà chọc trời. Vào tháng 7, Ủy ban cải cách và phát triển quốc gia Trung Quốc, cơ quan kế hoạch hàng đầu của đất nước, đã cấm các tòa nhà chọc trời mới cao hơn 500 mét, đồng thời giới hạn nghiêm ngặt những tòa nhà cao hơn 250 mét. Một số trường hợp ngoại lệ chỉ có thể xảy ra sau khi chính phủ đã kiểm tra kế hoạch xây dựng chi tiết, đặc biệt là khả năng chữa cháy.

Cơ quan quản lý cũng đã thắt chặt quy định đối với các tòa nhà cao hơn 100 mét vào mùa hè này. Các yêu cầu mới bao gồm khả năng chống động đất của tòa nhà, và liệu chúng có phù hợp với khả năng cứu hỏa và cứu hộ trong thành phố đó hay không.

Tuyên bố mới nhất được đưa ra trong tuần này bởi Bộ nhà ở và phát triển thành thị - nông thôn và Bộ quản lý khẩn cấp của Trung Quốc, một cơ quan chịu trách nhiệm quản lý các tình huống khẩn cấp và an toàn lao động. Tuyên bố cũng nói thêm rằng những người phê duyệt dự án mới nào vi phạm các quy định này sẽ phải chịu "trách nhiệm suốt đời".

Trung Quốc là quê hương của nhiều tòa tháp lớn trên thế giới. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, các nhà chức trách ngày càng thấy khó khăn trong việc quản lý các tòa nhà này. Các báo cáo về sự cố an toàn và sức khỏe tiềm ẩn trong những tòa nhà chọc trời này thường xuất hiện trên các phương tiện truyền thông nhà nước và trên mạng xã hội.

Vào tháng 3 năm nay, một đám cháy đã bùng phát tại một tòa nhà dân cư cao tầng ở thành phố Thạch Gia Trang, miền bắc Trung Quốc. Và vào tháng 8, một vụ hỏa hoạn khác xảy ra tại thành phố Đại Liên, phía đông bắc tỉnh Liêu Ninh.

Đặc biệt, vào tháng 5, một tòa nhà 72 tầng, gần 300 mét ở phía nam Thâm Quyến bắt đầu rung chuyển một cách bí ẩn, buộc cả người dân bên trong lẫn bên ngoài tòa nhà phải sơ tán. Sau đó, nguyên nhân của sự rung chuyển được tiết lộ là do sự kết hợp của gió mạnh, các tuyến đường sắt ngầm và nhiệt độ dao động.

Trong những năm gần đây, các nhà quản lý Trung Quốc đã công khai chỉ trích một số thiết kế kiến trúc táo bạo, gọi chúng là những "dự án phù phiếm" chỉ khuyến khích các thành phố cạnh tranh với nhau một cách sai trái.

"Chúng ta đang ở trong giai đoạn mà mọi người quá nóng vội muốn tạo ra một thứ có thể đi vào lịch sử", ông Zhang Shangwu, Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kiến trúc và Quy hoạch Đô thị của Đại học Tongji, cho biết. "Mỗi tòa nhà đều muốn trở thành một cột mốc, và các nhà phát triển cũng như các nhà quy hoạch đang cố gắng đạt được mục tiêu này bằng cách cực kỳ chú trọng đến tính mới và lạ".

Theo tờ Thời báo Hoàn cầu do nhà nước điều hành, năm ngoái, các cơ quan quản lý đã ban hành một văn bản làm rõ cách tăng cường quản lý kiến trúc ở các thành phố Trung Quốc. Họ kết luận rằng những tòa nhà lớn với phong cách kỳ lạ là "một sự lãng phí tài nguyên".

Các trang web về kiến trúc như Archcy.com cũng đã khuyến khích công dân tìm ra những thiết kế gây tò mò trên khắp đất nước và bỏ phiếu bầu chọn cho danh sách tốp 10 những tòa nhà "xấu xí nhất" của Trung Quốc. Ban tổ chức cuộc bình chọn cho biết mục đích của nó là để "khơi gợi suy nghĩ về cái đẹp và cái xấu của kiến trúc, đồng thời nâng cao nhận thức về trách nhiệm xã hội của các kiến trúc sư".

Đọc thêm