Tầm quan trọng của bảo vệ dữ liệu cá nhân ở kỷ nguyên số

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sáng ngày 3/11, tại TPHCM, Trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, phối hợp cùng Viện nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông, Hội truyền thông số VN, tổ chức hội thảo với chủ đề: “Dữ liệu cá nhân trong dòng chảy kinh tế số VN”.
Các diễn giả cùng BTC hội thảo chụp hình lưu niệm
Các diễn giả cùng BTC hội thảo chụp hình lưu niệm

Năm 2023 được Chính phủ lựa chọn là “Năm dữ liệu số quốc gia”, với mục tiêu hành động là “khai phá giá trị của dữ liệu số, phục vụ chuyển đổi số”. Trong đó, bảo vệ dữ liệu cá nhân là vấn đề nhận được rất nhiều sự quan tâm của các cơ quan, tổ chức và người dân.

Hội thảo tập trung vào thảo luận những vấn đề xoay quanh dữ liệu cá nhân và dữ liệu số trong dòng chảy kinh tế số của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Ở phiên toàn thể có ba tham luận với các chủ đề: Bảo vệ dữ liệu cá nhân – bảo vệ quyền con người trong kỷ nguyên số; Dữ liệu cá nhân – tiếp cận tổng thể, đa chiều trong xây dựng chính sách; Bảo vệ dữ liệu cá nhân: giải pháp công nghệ và khuyến nghị.

Toàn cảnh hội thảo

Toàn cảnh hội thảo

Sau phiên toàn thể, diễn ra 7 phiên song song với nhiều chủ đề trải dài từ quyền con người, kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn Việt Nam về xây dựng khung pháp lý, khung chính sách bảo vệ dữ liệu cá nhân, cũng như các vấn đề mới nổi từ thực tiễn thực hiện Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân và các hướng đi cho thời gian tới.

Các tham luận dưới góc độ lý luận và thực tiễn xây dựng chính sách, bao trùm khía cạnh luật, đạo đức, và thị trường. Ông Nguyễn Quang Đồng – Viện trưởng Viện nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông, chia sẻ: Dữ liệu cá nhân đã trở thành tư liệu sản xuất trong mô hình kinh tế dựa trên dữ liệu. Hiện nay, Việt Nam là một trong mười nước có hệ sinh thái công nghệ số, được lưu trữ thông qua dữ liệu đám mây lớn nhất Đông Nam Á…cùng với việc phát triển vượt bậc đó thì việc tìm ra các giải pháp bảo vệ an toàn dữ liệu cá nhân là vô cùng cấp thiết.

TS. Ngô Tấn Vũ Khanh, Khoa CNTTKD, Trường Công nghệ và Thiết kế cho biết: Tình trạng thông tin cá nhân của người dùng bị tiết lộ, đánh cắp hay rò rỉ diễn ra vô cùng công khai và phổ biến. Bằng một thủ thuật tìm kiếm đơn giản có thể tìm ra được thông tin về giới tính, ngày sinh, số chứng minh nhân dân, hình ảnh hay nơi làm việc của bất kỳ ai trên internet. Cụ thể, theo thống kê, năm 2022, có hơn 400 triệu người bị xâm phạm dữ liệu; Từ năm 2004 đến năm 2021, có 17 tỷ cá nhân bị lọt dữ liệu...

Qua đó, có thể thấy rằng, song hành cùng những mục tiêu phát triển kinh tế số, xã hội số, là những bảo đảm về an toàn thông tin cá nhân, bảo vệ quyền con người và phát huy quyền làm chủ của người dân. Đây là những giá trị cốt lõi đã được thể chế hóa trong Hiến pháp và các văn bản pháp lý nhiều cấp bậc.

Các diễn giả cũng khẳng định, để phòng tránh, khắc phục những nguy cơ và hệ lụy xâm phạm dữ liệu cá nhân, cần phải áp dụng đồng bộ nhiều biện pháp khác nhau, bao gồm các biện pháp kỹ thuật và biện pháp pháp lý, với sự tham gia tích cực và hiệu quả của Nhà nước, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và các thành viên trong xã hội.

Hiện Việt Nam đã từng bước ghi nhận và tăng cường các quy định về quyền được bảo vệ dữ liệu cá nhân trên không gian số. Với một loạt các quy phạm pháp luật trong Bộ luật Dân sự, Luật An toàn thông tin mạng, và gần đây nhất là Nghị định quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Đọc thêm