Tâm sự làm báo của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  40 năm làm báo có rất nhiều câu chuyện vui buồn, đau đớn, xót xa, vinh quang có mà tủi nhục cũng có. Đó là những lời nói đầu trong cuốn sách “40 năm đi, yêu và viết” sắp ra mắt của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân.
Lễ ra mắt sách diễn ra ngày 17/6/2023 tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (36 Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Ảnh: NVCC
Lễ ra mắt sách diễn ra ngày 17/6/2023 tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (36 Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Ảnh: NVCC

Huỳnh Dũng Nhân là nhà báo có tiếng. Những bài báo của ông không khô cứng, mà uyển chuyển, có chất văn. Ông từng đi nói chuyện nghề ở nhiều ngôi trường có tiếng. Qua những buổi này, ta thấy Huỳnh Dũng Nhân luôn quan tâm đến chuyện nghề, chuyên môn nghề báo, đạo đức nghề báo. Có lần, ông cảm thán, ông buồn bởi hiện nay có những nhà báo đã đi “lạc nghề”, không chú trọng về việc viết, đánh mất đạo đức nghề báo.

Trong quãng thời gian làm báo, Huỳnh Dũng Nhân đã viết nhiều bài báo, và đã cho in thành sách. Lần này, ông cho ra mắt cuốn sách “40 năm đi, yêu và viết”. Cuốn sách sẽ được tổ chức lễ ra mắt vào lúc 8giờ30 ngày 17/6/2023 tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (36 Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).

40 năm đi, yêu và viết” là cuốn sách dày, được chia thành các chương. Ở Lời nói đầu cuốn sách, Huỳnh Dũng Nhân viết: “40 năm làm báo có rất nhiều câu chuyện vui buồn, đau đớn, xót xa, vinh quang có mà tủi nhục cũng có… Cả đời tôi gắn liền với cây bút, không văn thì thơ, rồi có tý múa may, vẽ vời, nói chung luôn làm cái gì đó để nói lên cảm xúc của mình chứ không chịu ngồi yên”. Huỳnh Dũng Nhân cũng tự coi cuốn sách này là “món quà kỷ niệm từ trái tim”.

Trong bài viết “Ngũ nhân nhất diện Huỳnh Dũng”, nhà phê bình văn học – nhà thơ Phạm Xuân Nguyên nhận xét: “Có nhiều người trong một con người mang tên Huỳnh Dũng Nhân, một người con gốc Bến Tre (Nam Bộ). Ít nhất, tôi thấy Ngũ nhân là: Nhân-báo, Nhân-văn, Nhân-hoạ, Nhân-tình và Nhân-hành. Trong một Huỳnh Dũng Nhân có cả 5 Nhân này”.

Theo nhà thơ Phạm Xuân Nguyên, thì Huỳnh Dũng Nhân và ông Nguyên lẽ ra đã cùng học chung đại học. Vì cả hai ông đều thi đậu vào Khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội vào năm 1975. Nhưng Huỳnh Dũng Nhân theo bố mẹ chuyển vào Nam và học tại Khoa Văn, Đại học Tổng hợp TP.HCM.

Nhà thơ Phạm Xuân Nguyên cũng cho biết, Huỳnh Dũng Nhân đã bộc lộ năng khiếu văn chương nghệ thuật từ nhỏ, khi đang học sinh phổ thông đã có thơ, có tranh đăng báo, có truyện in sách. Trong lời kết cuốn sách, Huỳnh Dũng Nhân nói rằng, ông viết trang cuối cùng của cuốn sách hồi ký trên đúng vào ngày tròn 68 tuổi. Cuốn sách như là cuốn phim chiếu chậm đang tái hiện những kỷ niệm tuyệt đẹp trong trí nhớ ông. Đối với Huỳnh Dũng Nhân, nghề cầm bút đã đem lại cho ông một cuộc đời đẹp nhất.

Cuốn sách gồm 4 phần: Con đường vào nghề (Thời niên thiếu, thời học hành, thời sơ tán, thời tập viết văn thơ), Những bài phóng sự được bạn đọc yêu thích, Những bài viết lý luận báo chí, Bài đồng nghiệp viết về Huỳnh Dũng Nhân (bao gồm các bài của các nhà báo, nhà văn, giảng viên báo chí nổi tiếng)... "40 năm đi, yêu và viết" được Huỳnh Dũng Nhân coi là một cuốn hồi ký. Qua cuốn sách, người đọc, nhất là những người làm báo có thể nắm bắt thêm được những kỹ năng làm báo, cũng như thêm một cách về viết phóng sự. Cuốn sách đưa độc giả đi vào thực tế, chứ không phải chỉ là lý thuyết suông so với nhiều cuốn về nghề báo khác.

Nội dung cuốn sách cũng giúp người đọc cùng trải qua với nhà báo Huỳnh Dũng Nhân trong quãng đời 40 năm làm báo của ông. Được biết, Huỳnh Dũng Nhân sinh năm 1955 tại Thanh Hoá. Ông viết nhiều đầu sách, khoảng 30 tác phẩm, gồm phóng sự, hồi ký, thơ, truyện ngắn, truyện thiếu nhi... Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân từng là Phó chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM, phó ban nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Nghề báo...