Tán dương, khen ngợi và quấy rối - đâu là ranh giới?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trong những năm gần đây, nhờ sự nỗ lực của các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội và cộng đồng, vấn nạn quấy rối tình dục trẻ em – đặc biệt là trẻ em gái và phụ nữ đã có những chuyển biến tích cực, tuy nhiên đây vẫn còn là vấn đề phổ biến, chưa được chấm dứt triệt để.
Tán dương, khen ngợi và quấy rối - đâu là ranh giới?

“Cat-calling” - lời khen hay là hành vi quấy rối tình dục?

Dưới đây là bài viết của một tác giả nữ kể về trải nghiệm của chính mình, từ đó việc đấu tranh xoá bỏ cat-calling (chỉ việc đàn ông trên đường phố bình phẩm về cơ thể phụ nữ hoặc tệ hơn, động chạm vào cơ thể họ) đối với phụ nữ, góp phần bảo vệ phụ nữ khỏi sự quấy rối tình dục.

“Cat-calling là khi đàn ông trên đường phố bình phẩm về cơ thể phụ nữ hoặc tệ hơn, động chạm vào cơ thể họ. Ví dụ như khi một người đàn ông hét lên: “Mông đẹp đó!” với một cô gái gặp trên đường. Đã đến lúc, cat-calling cần phải dừng lại. Mỗi người trong chúng ta đều đã nghe câu nói đó từ lâu. Phụ nữ và các bạn gái hầu hết đều đã từng phải chịu đựng những lời bình luận đầy khiếm nhã về cơ thể mình trên đường phố.

Cá nhân tôi khi bước vào tuổi vị thành niên cũng thích điệu đà, thích mặc đẹp, thích quần shorts (quần dài quá nửa đùi và hoàn toàn lịch sự), nhưng những lời giễu cợt khiếm nhã của đàn ông về cơ thể mình đã khiến cho tôi thật sự hoảng sợ. Chỉ trong vỏn vẹn 400m từ nhà tới siêu thị, tôi đã 4 lần bị đàn ông ngồi trên các quán trà đá vỉa hè, các quán ăn buông những lời trêu chọc như: “Chân trắng đấy em kia!” hay “Vào đây uống với các anh đi em gì ơi!” kèm với những tràng cười rộ lên phía sau. Khi đó, tôi mới chỉ vừa 12 tuổi.

Những nghiên cứu tại Việt Nam và trên thế giới đều chỉ ra rằng, phần lớn phụ nữ lần đầu cảm thấy bị bình phẩm hoặc động chạm vào thân thể ở độ tuổi 11-13, ở độ tuổi mà các em vẫn còn là những đứa trẻ. Vậy cat-calling, ham muốn sex và ấu dâm có mối liên hệ nào với nhau không?

Không quá đáng chút nào khi nói rằng, cat-calling là quấy rối tình dục. Nó khiến cho phụ nữ cảm thấy rất xấu hổ, giận dữ, khó chịu, thậm chí cảm thấy mình ngu ngốc. Tệ hơn nữa, đó là sự sợ hãi mỗi khi bước ra đường, hoặc sự ám ảnh hay tội lỗi, tua đi tua lại trải nghiệm xấu xí đó để rồi tự trách mình đã làm gì để dẫn đến việc bị quấy rối. Khi tôi nói với một vài người lớn rằng tôi đã phải chịu cat-calling, người thì khuyên tôi ăn mặc thật kín đáo, còn những người khác cho rằng “trai nào chẳng trêu gái”, rằng tôi đang “phản ứng thái quá” và “quá nhạy cảm”. Tôi đã tin như vậy cho đến khi lớn dần và nhận ra rằng: cat-calling là một hành vi quấy rối tình dục, một hành vi bất thường được chấp nhận ngầm một cách rộng rãi”.

Hiểu thế nào về ranh giới giữa tán dương và quấy rối?

Là một trong những mục đích hướng tới của buổi trò chuyện trực tuyến với chủ đề “Chấm dứt quấy rối để thành phố thêm sức sống mới” do Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD), Plan International Vietnam tổ chức nhằm trao đổi chia sẻ những câu chuyện thực tế, nguyên nhân cũng như cách thức, những chương trình, hoạt động của tất cả các bên liên quan để chấm dứt những hình thức quấy rối trẻ em nói chung và em gái nói riêng ở nơi công cộng.

Diễn viên Trần Nghĩa – người đồng hành cùng dự án thành phố an toàn, thân thiện với em gái đã chia sẻ trải nghiệm khi anh đặt câu hỏi cho các bạn fan của mình trên Facebook: “Các bạn thấy sao khi bạn gái mình, em gái mình hay chính bản thân bạn bị trêu chọc bằng những lời nói khiếm nhã như việc sử dụng từ “ngon” để mô tả về ngoại hình của phụ nữ và trẻ em gái?”. Trả lời cho câu hỏi này, đã có hơn 100 ý kiến bình luận với nhiều quan điểm đối lập. Bên cạnh các bình luận phản đối các hành xử này như “Dùng từ “ngon” để bình phẩm về một bạn nữ thì rất khiếm nhã”; “Rất mong các bạn đừng ai dùng từ “ngon” khi nói tới con người, nhất là con gái”; “Bạn gái là để yêu, để tôn trọng, không phải là thực phẩm, thức ăn”; “Nếu khen người khác thì có rất nhiều từ để khen như: đẹp, giỏi, ngoan, hiền. Sao không chọn mà lại chọn từ “ngon”, cũng có một số ít ý kiến đối lập cho rằng “Cũng bình thường thôi”; “Các bạn nữ hay các chị thì vẫn thấy thích khi được khen “ngon” mà”, “Em thấy đó là một lời khen”, “Thời đại nào rồi, bớt quan trọng vấn đề lại đi”…

Thực tế hiện nay, nhiều người vẫn nghĩ rằng quấy rối, xâm hại em gái và phụ nữ là việc đụng chạm cơ thể khi chưa có được sự cho phép. Điều này đúng nhưng chưa đủ. Thực tế các lời nói mang tính tình dục hay những hành động, cử chỉ phi lời nói như: nhìn chằm chằm vào bộ phận sinh dục hay bộ phận riêng tư của người đối diện, hay không gian kĩ thuật số như gửi, chia sẻ, phát tán những hình ảnh nhạy cảm, bình luận trêu ghẹo,... mà khiến phụ nữ cảm thấy không thoải mái, khó chịu hay buồn cũng đều là các hành vi quấy rối.

Thế nhưng, việc phân định ranh giới giữa trêu đùa và quấy rối đôi khi khá mong manh và khó phân biệt với phần đông mọi người trong cộng đồng. Dưới góc nhìn của chuyên gia, ông Lê Xuân Đồng, chuyên gia về giới, Tổ chức Hagar quốc tế tại Việt Nam cho biết: “Nguyên nhân sâu xa, yếu tố làm gia tăng tình trạng quấy rối tình dục và sự lầm tưởng giữa quấy rối và trêu đùa chủ yếu đến từ quan niệm, lối sống và cả văn hóa của chúng ta. Khi chúng ta coi việc hành động trêu ghẹo của nam giới là bình thường và có xu hướng đổ lỗi cho nữ giới, những hành vi quấy rối vẫn sẽ không ngừng tiếp diễn. Điều này ảnh hưởng tới tâm lý của nạn nhân - khiến nạn nhân không dám lên tiếng - vì lo sợ lên tiếng thì chưa chắc có ai nghe và nói ra người ta cười chê thêm”.

Từ góc nhìn của mình, bà Trần Thị Bích Loan – Phó Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhấn mạnh: “Sự tiếp diễn và tràn lan những hành vi quấy rối trẻ em gái và phụ nữ nơi công cộng sẽ gây ra những hậu quả, những hệ luỵ với nạn nhân nói riêng và với xã hội nói chung. Có những nạn nhân là trẻ em bị ảnh hưởng đến quá trình phát triển cả về thể chất và tinh thần. Kể cả người lớn cũng có xu hướng khép mình ngại tham gia các hoạt động chung và cản trợ sự giao lưu, mở mang kiến thức, quan hệ với mọi người. Có những người phụ nữ thì bị ám ảnh và có suy nghĩ lệch lạc - quy chụp rằng “tất cả đàn ông đều vậy”, do đó mà hạnh phúc cá nhân bị ảnh hưởng. Phụ huynh có con là nạn nhân thì ảnh hưởng tới toàn bộ cuộc sống của họ. Và nếu không có người lên tiếng tố cáo, phản đối, vấn nạn này sẽ không bao giờ chấm dứt”.

Lên tiếng phòng chống quấy rối - dễ hay khó?

Như tác giả nữ đã nói ở trên, cat-calling là một hành vi quấy rối tình dục, một hành vi bất thường được chấp nhận ngầm một cách rộng rãi. Do đó, các giải pháp để phòng chống quấy rối nhằm chấm dứt mọi hình thức quấy rối tình dục với trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái ở nơi công cộng nói thì tưởng dễ nhưng rất khó bởi định kiến ăn sâu, nên phải cần rất nhiều nỗ lực giải pháp tổng thể để thay đổi nhận thức, quan điểm và hành vi của cộng đồng.

Bà Trần Bích Loan chia sẻ về những nỗ lực của các cơ quan chức năng trong việc ngăn chặn hành vi quấy rối trẻ em gái và phụ nữ: “Từ năm 2016, chúng tôi đã triển khai phát động Tháng hành động (15/11 - 15/12) hàng năm với sự tham gia của các cơ quan bộ, ban, ngành, các tổ chức xã hội và cộng đồng với tỉ lệ người tham gia tăng lên mỗi năm. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng đang nỗ lực cải thiện hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng thân thiện, an toàn hơn cho người dân và đường dây nóng hỗ trợ cộng đồng”.

Ở khía cạnh về cách thức ngăn chặn các hành vi quấy rối, ông Lê Xuân Đồng đưa ra giải pháp: “Việc giáo dục trẻ em những kĩ năng phòng tránh quấy rối như: phát hiện nguy cơ, nói không, kể lại… là việc cấp thiết, cần sự tham gia của cả gia đình và cơ sở giáo dục. Bên cạnh đó, để nạn nhân dám lên tiếng, cần chú trọng công tác bảo mật thông tin của nạn nhân, đặc biệt các trường hợp nghiêm trọng vì điều này sẽ ảnh hưởng lâu dài tới cuộc sống của nạn nhân sau này”.

Diễn viên Trần Nghĩa chia sẻ góc độ thay đổi quan điểm ở người trẻ: “Nghĩa cho rằng cần xây dựng các hình tượng văn minh, lịch sự cho các bạn trẻ. Nghĩa rất thích ý tưởng Dự án “Thành phố An toàn, thân thiện với em gái” xây dựng hình tượng thanh niên chuẩn nói không với quấy rối và sẵn sàng lên tiếng và bảo vệ em gái khi bị quấy rối. Chúng ta nên đưa vào những khái niệm, những tiêu chuẩn nhẹ nhàng, nhân văn và ý nghĩa như vậy để các bạn trẻ như Nghĩa có định hướng và lan tỏa những giá trị tốt đẹp”.

Đọc thêm