Tàn phá không thương tiếc hàng chục ha rừng phòng hộ đảo Quan Lạn

(PLO) - Theo phản ánh của người dân tại các thôn Đông Nam và Thái Hoà, từ một vài năm trở lại đây, khi một số doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ xuất hiện, rừng phi lao trên đảo Quan Lạn được người dân vất vả trồng từ bao đời nay đã trực tiếp bảo vệ sinh mạng, tài sản của toàn bộ cư dân trên hòn đảo rộng 11km2 này bị tàn phá một cách không thương tiếc.
Hàng nghìn m2 rừng phòng hộ bị Cty VIT Hạ Long đốn hạ, san gạt, vùi lấp trong cát để lại hậu quả môi trường vô cùng nghiêm trọng đối với người dân đảo Quản Lạn, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh.

Đặc biệt, khi Cty VIT Hạ Long triển khai dự án khu du lịch sinh thái đã tiến hành san gạt, phá nát hàng chục héc-ta rừng để lại hậu quả vô cùng nghiêm trọng, không thể khắc phục. 

Phá tan rừng phòng hộ gây hậu quả nghiêm trọng

Theo ghi nhận của phóng viên, dọc lối đi vào khu vực dự án của Cty VIT Hạ Long xuất hiện những khoảng trống giữa cánh rừng phòng hộ, rộng hàng nghìn m2 . Tiến sâu hơn vào khu vực của dự án, thi thoảng những gốc cây phi lao có đường kính trên 50cm, lô nhô giữa những đụn cát trắng phau. Thi thoảng những cơn gió ngoài khơi cuộn vào, cát bay mù mịt… lộ ra một vài thân cây phi lao bị vùi xuống lớp cát đã úa màu thời gian — đó là những xác cây phi lao từng đứng sừng sững chắn gió, chắn cát cho người dân Quan Lạn được yên bình.

Theo tìm hiểu của phóng viên, những khoảng trống mênh mông giữa cánh rừng phi lao được “tạo dựng” bởi chính hành vi san gạt bừa bãi của Cty VIT nhằm xây hồ chứa nước ngọt và hệ thống kênh dẫn nước vào khu du lịch. Một người dân địa phương cho biết, những khoảng trống đó tương ứng với số lượng hàng nghìn cây phi lao đã bị chặt gãy, bị vùi lấp trong cát. Cũng tại khu vực này, một số ngôi nhà do Công ty VIT xây mới đều có rất nhiều gỗ phi lao được dùng làm dầm chống đỡ mái. 

Chia sẻ với phóng viên, ông Bùi Quang Hiệp, nguyên Trưởng Công an xã Quan Lạn cho biết: Đảo có diện tích 11km2 , là nơi cư trú của người dân 2 xã Quan Lạn và Minh Châu. Do bốn bề bao bọc là biển nên đảo Quan Lạn xa xưa luôn phải hứng chịu sự nổi giận của bão tố, của biển khơi. Nhiều cây lớn bị quật đổ, nhà bị cuốn bay, người mất mạng do những cơn bão biển gây nên…

“Đau lòng nhất là sự việc xảy ra vào năm kia (2015), khi bão đi qua nhưng số lượng rừng phòng hộ không còn đủ sức chắn sóng, dẫn đến đập nước bị vỡ, nước chảy như thác, cuồn cuộn trong đêm tàn phá đường sá, đồng ruộng. Nhưng cái đau nhất là khiến một anh thanh niên làng bên đi sang nhà người yêu chơi, lúc về không biết nhiều đoạn đường đã bị nước phá hủy nên cả người và xe đâm vào hố sâu khiến anh ấy tử vong tại chỗ”, ông Hiệp nói.

Anh Hoàng Văn Quyên, trú tại thôn Thái Hòa bức xúc: Sự an toàn của người dân xưa nay dựa vào cánh rừng này. Nhưng nó đang dần bị mất đi, không biết cuộc sống của người dân sau này sẽ ra sao?

Chính quyền địa phương bất lực, người dân mỏi mòn

Với tổng chiều dài khoảng 9,7km, các bãi tắm biển có bờ cát trắng của đảo Quan Lạn được du khách đánh giá là thiên đường nghỉ dưỡng sinh thái số 1 trên vịnh Bắc Bộ. Tuy nhiên, hầu hết các bãi biển đều bị các doanh nghiệp “thâu tóm”, trong đó nổi bật là khu du lịch sinh thái do Cty VIT Hạ Long đầu tư bị “treo” hàng chục năm khiến cho người dân trên đảo chưa được tiếp cận với “mỏ vàng” này. Chính vì thế, dù tiềm năng lớn nhưng đã hàng thập kỷ trôi qua, việc phát triển du lịch ở Quan Lạn vẫn “giậm chân tại chỗ”. 

Một chủ khách sạn tại Quan Lạn cho biết: “Khi người dân chúng tôi muốn được kinh doanh gần bãi biển thì luôn bị ngăn cản, dỡ bỏ lều quán, cũng bởi dự án của Cty VIT đã được cấp phép nên chúng tôi không còn quyền được kinh doanh ở đó nữa. Đã bao nhiêu năm người dân Quan Lạn mòn mỏi chờ đợi các dự án du lịch được triển khai, di vào hoạt động, thúc đẩy kinh tế của địa phương. Nhưng càng mong mỏi, càng chờ đợi thì càng thấy hẫng hụt, mòn mỏi, 12 năm qua du lịch “giậm chân tại chỗ”. Tôi cùng nhiều hộ gia đình khác vay mượn ngân hàng xây dựng nhà nghỉ để chào đón du khách, nhưng bao năm qua, lượng du khách không những không tăng mà còn thụt giảm.

Chúng tôi sinh ra và lớn lên trên đảo mà lại không được hưởng gì từ những bãi biển của chính mình. Bãi tắm ở khu Giộc thì Viglacera Vân Hải không cho vào. Bãi tắm ở khu của VIT Hạ Long vào được nhưng không có đất, chỉ dựng lều tạm nên chỉ một trận gió mạnh là bị thổi tung. Như vậy, du lịch có còn là mũi nhọn để phát triển du lịch nữa không?

Chúng tôi không mong muốn gì hơn, ngoài việc các doanh nghiệp đã đầu tư phát triển du lịch thì hãy làm cho tử tế, đừng tàn phá thiên nhiên vô tội vạ nữa, người gánh chịu các hậu quả không ai khác chính là người dân Quan Lạn. Vì vậy, chúng tôi muốn gửi đến chính quyền và các doanh nghiệp trên địa bàn rằng: Nếu không làm được thì hãy để người dân chúng tôi tự làm… đừng để Quan Lạn thụt lùi, hoang tàn và “chết” trong mục ruỗng”.

Lãnh đạo xã Quan Lạn, đại diện chính quyền xã cho biết: “Phải khẳng định, việc chặt phá rừng phòng hộ của Công ty VIT là có. Khi xảy ra sự việc, UBND xã Quan Lạn đã nhiều lần lập biên bản về việc chặt phá cây rừng cũng như việc xây dựng nhà ở và kè chắn sóng của Công ty này khi chưa được cấp phép nhưng Công ty VIT không hợp tác. Từ đó cho đến nay đã nhiều năm trôi qua nhưng dự án không được đầu tư nữa, mọi thứ trở nên bế tắc và vượt quá thẩm quyền của UBND xã. Chúng tôi chỉ biết kiến nghị, báo cáo lên cấp trên để tìm hướng giải quyết…”.

Đánh giá sự ảnh hưởng của dự án “treo”, vị đại diện UBND xã cho rằng: “Từ khi triển khai xây dựng dự án, Cty VIT Hạ Long liên tục gây ra nỗi bất bình cho người dân. Chúng tôi đã nhiều lần lập biên bản, xử lý vi phạm, báo cáo lên cấp trên, UBND huyện, UBND tỉnh đã nhiều lần họp bàn xử lý vi phạm, đưa ra các giải pháp tháo gỡ nhưng Cty VIT vẫn chưa thật sự chấp hành. Việc này không những gây khó trong công tác quản lý, giám sát dự án mà còn làm giảm uy tín của chính quyền với nhân”.

Báo PLVN sẽ tiếp tục đưa tin về vụ việc này…

Đọc thêm