TAND huyện Điện Biên bị tố vi phạm tố tụng

(PLO) - Bức xúc việc Tòa án nhân dân (TAND) huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên thụ lý sai thẩm quyền gây tổn thất tinh thần, sức khỏe, ông Phan Đắc Vĩnh (SN 1969), có hộ khẩu thường trú tại thôn Diệc II, xã Tân Hòa, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình đã làm đơn tố cáo mong được các cơ quan chức năng làm sáng tỏ. 
TAND huyện Điện Biên
TAND huyện Điện Biên

Thụ lý sai thẩm quyền?

Báo Câu chuyện Pháp luận nhận được đơn thư liên quan đến việc ông Phan Đắc Vĩnh (SN 1969), có hộ khẩu thường trú tại thôn Diệc II, xã Tân Hòa, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình có nội dung tố cáo việc TAND huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên thụ lý sai thẩm quyền gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần của cá nhân ông và gia đình.

Ông Vĩnh trình bày, bản thân ông là bị đơn trong vụ án dân sự đòi tiền mà nguyên đơn là ông Dư Công Biên, trú tại TP. Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên. 

Tuy nhiên, điều đáng nói, ông Vĩnh có hộ khẩu thường trú ở xã Tân Hòa, huyện Hưng Hà, Thái Bình nhưng ông Biên không kiện ở Hưng Hà, Thái Bình mà kiện ở huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên nơi ông Vĩnh chưa từng đăng ký hộ khẩu.

Bức xúc trước việc thụ lý sai thẩm quyền, ông Vĩnh đã làm đơn tố cáo gửi lên TAND huyện Điện Biên để đòi lại quyền lợi cho mình.  

Sau khi ông Vĩnh làm đơn gửi TAND huyện Điện Biên tố cáo về việc thụ lý đơn sai thẩm quyền thì mới đây Chánh án TAND huyện Điện Biên đã có thông báo kết quả giải quyết đơn tố cáo. 

Cụ thể, ngày 22/1/2018, TAND huyện Điện Biên ra văn bản số 01/TB-TA thông báo kết quả giải quyết đơn tố cáo do ông Nguyễn Văn Duy, Chán án TAND huyện Điện Biên ký. 

Theo đó, TAND huyện Điện Biên kết luận nội dung tố cáo: Về việc thẩm phán Nguyễn Văn Định (thẩm phán được phân công giải quyết vụ án ông Dư Công Biên kiện ông Vĩnh) thụ lý và giải quyết vụ án khi vụ án không thuộc thẩm quyền của TAND huyện Điện Biên và nội dung tố cáo thẩm phán không ban hành quyết định đình chỉ vụ án, cố tình tiếp tục giải quyết vụ án khi đã biết vụ án không thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên. Cả hai nội dung trên không thuộc phạm vi giải quyết theo quy định của luật tố cáo nên TAND huyện Điện Biên không giải quyết.

Về nội dung tố cáo thẩm phán Nguyễn Văn Định thông báo phong tỏa tài sản của ông Vĩnh trái pháp luật làm ảnh hưởng tới quyền lợi của ông Vĩnh và những người có liên quan. Nội dung tố cáo là sai sự thật, thẩm phán nguyễn Văn Định không ra thông báo phong tỏa tài sản của ông Vĩnh. 

Người dân chưa đồng tình

Trước văn bản trả lời của TAND huyện Điện Biên, ông Phan Đắc Vĩnh cho rằng, ông đã chuyển về sinh sống ổn định, thường xuyên tại địa chỉ hộ khẩu thường trú từ năm 2014 ở Hưng Hà, Thái Bình chứ không còn ở đội 18, xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên nữa. 

“Việc TAND huyện Điện Biên không xác minh thông tin mà phía nguyên đơn cung cấp là cho tôi ở đội 18 xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên làm cho quá trình giải quyết vụ án, nhiều lần TAND huyện Điện Biên không thực hiện được việc tống đạt văn bản tố tụng đến tôi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tôi”, ông Vĩnh bức xúc cho hay. 

Văn bản số 01/TB-TA mà TAND huyện Điện Biên trả lời ông Vĩnh
Văn bản số 01/TB-TA mà TAND huyện Điện Biên trả lời ông Vĩnh

Theo tài liệu PV có được, trong giấy xác nhận của Công an xã Tân Hòa, huyện Hưng Hà đều ghi rõ ông Phan Đắc Vĩnh và vợ Nguyễn Thị Dậu có hộ khẩu thường trú tại thôn Diệc, xã Tân Hòa, Hưng Hà, Thái Bình. 

Bên cạnh đó, Công an xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên cũng xác nhận từ năm 2007 đến nay, vợ chồng ông Phan Đắc Vĩnh, bà Nguyễn Thị Dậu không đăng ký tạm trú, tạm vắng, không sinh sống và không có hộ khẩu tại đội 18 xã Thanh Hưng. 

Như vậy, có thể nói, việc TAND huyện Điện Biên thụ lý giải quyết vụ án khi bị đơn không có hộ khẩu cũng như không thường xuyên sinh sống tại địa chỉ mà nguyên đơn cung cấp là không đúng thẩm quyền, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. 

Không những thế, ông Vĩnh còn cho rằng việc xác định thẩm quyền thụ lý theo địa chỉ trụ sở của Doanh nghiệp tư nhân Xuân Vĩnh của ông cũng không đúng theo quy định của pháp luật. 

Bởi lẽ, theo Giấy đăng ký kinh doanh của Doanh nghiệp tư nhân Xuân Vĩnh, địa chỉ trụ sở là số nhà 395B, phố 4, phường Tân Thanh, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên chứ không phải Đội 18, xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên. Như vậy, theo cách xác định của tòa, thẩm quyền thụ lý cũng không thuộc về huyện Điện Biên.

“Việc TAND huyện Điện Biên xác định đối tượng bị kiện vừa là tôi, vừa là Doanh nghiệp Xuân Vĩnh đã vi phạm Khoản 3 Điều 68 BLTTDS 2015. Điều này không đúng theo quy định của pháp luật, ảnh hưởng tới quyền, lợi ích hợp pháp của tôi”, ông Vĩnh nêu quan điểm. 

Những tưởng sau một thời gian làm ăn kinh tế thua lỗ sẽ được nghỉ ngơi sau khi trả nợ cho những người dân mà ông vay tiền làm ăn thì giờ đây ông Vĩnh lại đang vướng mắc vào vụ kiện dân sự này. 

“Nếu như không có đơn kiện của ông Biên và TAND huyện Điện Biên không thụ lý sai thẩm quyền khiến mảnh đất của tôi không bị phong tỏa thì tôi có thể trả cho mọi người để tôi về được nghỉ ngơi mà không phải suy nghĩ. Trong tất cả những người tôi vay tiền thì đều có biên bản hòa giải là sẽ lấy đất thay lấy tiền duy chỉ có ông Biên không đồng ý”, ông Vĩnh chia sẻ. 

Trước sự việc này, ông Nguyễn Văn Duy - Chánh án huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên đã trả lời trước báo chí và thông tin rằng: ông Vĩnh có 2 công ty, một công ty ở TP. Điện Biên, một công ty ở xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên, tuy nhiên công ty không còn nhưng đất vẫn còn vì mảnh đất đó là của công ty mua. 

“Ngoài ra, tất cả giấy tờ nộp tại tòa án đều ghi là họ tên, nơi cư trú ở đội 18, xã Thanh Hưng huyện Điện Biên hoặc giấy ủy quyền cho cháu đều ghi ở đội 18 xã Thanh Hưng. Sau khi có luật sư vào thì ông ấy quay ra lật lại. Ông Vĩnh còn làm đơn xin cấp quyền sử dụng đất đều ghi là ở đội 18 xã Thanh Hưng, ủy ban xã xác nhận, huyện cấp giấy chứng nhận”, ông Duy cho biết.  

Để đảm bảo quyền lợi cho ông Vĩnh có tiền trả cho những người vay, mong rằng cơ quan chức năng cũng như TAND huyện Điện Biên sớm giải quyết vụ việc này tránh khiếu kiện kéo dài gây tổn thất tinh thần cũng như kinh tế của các bên. 

Đọc thêm