TAND huyện Tam Nông (Phú Thọ): Xét xử vi phạm thủ tục tố tụng?

(PLO) - “Vội vàng” xét xử rồi ban hành bản án vi phạm nghiêm trọng trong việc thu thập chứng cứ và áp dụng thời hiệu để giải quyết vụ án, làm ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của các đương sự trong vụ kiện “tranh chấp quyền sử dụng đất”, gây bức xúc trong dư luận là chuyện đã và đang diễn ra tại TAND huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ. 
VKSND tỉnh Phú Thọ đã kháng nghị Bản án sơ thẩm dân sự số 08/2017/ST-DS của TAND huyện Tam Nông

Bỗng dưng mất đất vì bản án của tòa

Phản ánh đến Báo PLVN, bà Cao Thị Hiền (trú tại khu 7, xã Thượng Nông, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ) cho biết, năm 1979, bố bà là cụ Cao Văn Chi qua đời, để lại toàn bộ diện tích đất và hoa màu trên đất tại thửa số 07, tờ bản đồ số 31 (nay là thửa số 324, tờ số 15 theo bản đồ cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất xã Thượng Nông năm 2015) có tổng diện tích 4626,7 m2 ở khu 7, xã Thượng Nông, huyện Tam Nông cho mẹ bà là cụ Nguyễn Thị Thưởng trông nom quản lý.  

Đến năm 1989, cụ Thưởng đã yêu cầu bà Cao Thị Hiền và chồng bà là ông Nguyễn Văn Lam đến nhận quản lý, sở hữu toàn bộ đất, tài sản, thành quả trên đất tại thửa đất nêu trên. Thể theo nguyện vọng của cụ Thưởng, ngày 14/8/1989, họ tộc nội ngoại của gia đình bà Hiền đã tổ chức một cuộc họp do cụ Thưởng chủ trì, có mặt vợ chồng bà Hiền và ba cô em gái là bà Cao Thị Lành, Cao Thị Tự và Cao Thị Đắc. Tại cuộc họp, đại diện anh em gia tộc đã thống nhất và giao toàn bộ tài sản đất ở, đất vườn cho vợ chồng bà Hiền quản lý và sở hữu. 

Theo đó, vợ chồng bà Hiền có nghĩa vụ trông nom mẹ là cụ Thưởng khi khỏe cũng như khi ốm đau. Đồng thời, có trách nhiệm thờ cúng người đã mất và hương khói cũng như mọi nghĩa vụ với gia tộc nội ngoại. Sau đó, biên bản được mọi người đồng ý và ký tên đầy đủ. Vì vậy, vợ chồng bà Hiền đã bán toàn bộ nhà và tài sản để chuyển đến ở và chăm sóc cụ Thưởng theo đúng biên bản đã thống nhất. Đến năm 2013 thì cụ Thưởng qua đời.

Tuy nhiên, đến năm 2016, vợ chồng bà Hiền “bất ngờ” nhận được thông báo của TAND huyện Tam Nông mời đến làm việc do các em gái của bà Hiền có đơn kiện, đòi chia tài sản thừa kế do cha mẹ để lại. Đáng nói, khi chưa thu thập đầy đủ chứng cứ, ngày 15/5/2017, TAND huyện Tam Nông đã vội vàng xét xử và ra Bản án dân sự số 08/2017/ST, chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Cao Thị Lành, Cao Thị Tự và Cao Thị Đắc.

Theo bản án, bà Hiền chỉ được sở hữu và sử dụng diện tích 2520,7m2 đất, trong đó có 2159,0m2 đất ở vị trí S2 và S5 nằm trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên bà Cao Thị Thưởng và 306,7m2 đất vườn không nằm trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (có sơ đồ kèm theo), với tổng trị giá hơn 857 triệu đồng. Còn lại, giao cho bà Cao Thị Lành sở hữu và sử dụng diện tích 1021,6m2 đất ở vị trí S2 trị giá hơn 388 triệu đồng; giao cho bà Cao Thị Tự sở hữu và sử dụng diện tích 551,3m2 đất ở vị trí S3 trị giá hơn 209 triệu đồng; giao cho bà Cao Thị Đắc sở hữu diện tích 551,2m2 tại vị trí S4 cũng có trị giá hơn 209 triệu đồng. Ngoài ra, bà Cao Thị Hiền phải thanh toán chênh lệch tài sản nêu trên.

Bà Hiền bức xúc cho biết: “Năm 1989, do có sự đồng ý và thống nhất của cả gia tộc nội ngoại và anh chị em tại biên bản họp gia đình, nên vợ chồng tôi mới chuyển về đây để sinh sống, trông nom mẹ già yếu và gánh vác công việc gia đình nội ngoại. Không hiểu tại sao, khi mẹ tôi mất thì mấy chị em lại đòi chia tài sản. Còn TAND huyện Tam Nông khi nhận được đơn của các em tôi không xem xét, điều tra kỹ chứng cứ đã vội vàng xét xử là không đảm bảo sự khách quan, có dấu hiệu khuất tất ở đây. Do vậy, tôi không đồng tình với bản án sơ thẩm và đã có đơn kháng cáo ngay lập tức”.

Vi phạm

Sau khi nghiên cứu Bản án sơ thẩm, cùng toàn bộ hồ sơ vụ án, ngày 13/6/2017, VKSND tỉnh Phú Thọ đã có Quyết định số 219/QĐ-KNPT kháng nghị đối với Bản án DSST số 08/2017/ST-DS của TAND huyện Tam Nông theo thủ tục phúc thẩm. 

Theo đó, Quyết định 219 khẳng định, TAND huyện Tam Nông đã thu thập chứng cứ không đầy đủ, dẫn đến giải quyết nội dung vụ án chưa phù hợp với quy định của pháp luật. Cụ thể, tại biên bản hòa giải ngày 7/4/2017, bà Hiền đã ghi lại ý kiến của mình là sẽ cung cấp biên bản họp gia đình nêu trên vào phiên tòa gần nhất, nhưng trong hồ sơ không thể hiện việc TAND huyện Tam Nông yêu cầu bà Hiền cung cấp chứng cứ là bản chính của biên bản họp gia đình ngày 14/8/1989. 

Bên cạnh đó, TAND huyện Tam Nông cũng không thu thập chứng cứ là lời trình bày của các nguyên đơn, các nhân chứng có mặt, những người ký xác nhận trong biên bản họp gia đình để xem xét lời trình bày của bà Hiền, ông Lam có căn cứ chấp nhận hay không. Tuy nhiên, Bản án sơ thẩm vẫn nhận định: “Biên bản họp gia đình do đương sự cung cấp hiện nay chỉ có bản photo và có bản không có chữ ký của bà Thưởng, đồng thời cũng không có xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền như UBND xã nơi thường trú, vì vậy đối chiếu với quy định của pháp luật thì chưa đủ căn cứ về hình thức và nội dung là chưa đảm bảo”.

Ngày 8/6/2017, tại VKSND tỉnh Phú Thọ, bà Hiền đã xuất trình bản gốc của biên bản họp gia đình và cho biết: Tại phiên tòa sơ thẩm bà có xuất trình bản gốc này cho Hội đồng xét xử, nhưng việc này đã không được ghi nhận trong biên bản phiên tòa sơ thẩm và không được xem xét đến trong bản án sơ thẩm. Điều này khiến dư luận đặt ra câu hỏi, liệu có phải TAND huyện Tam Nông đã “cố tình” bỏ qua chứng cứ quan trọng này hay không?

Ngoài ra, TAND huyện Tam Nông cũng chưa thu thập chứng cứ để giải quyết công sức tôn tạo di sản và khoản chi phí bảo quản di sản của vợ chồng bà Hiền. Bởi, tại biên bản hòa giải ngày 26/8/2016, bà Hiền trình bày, từ năm 1989 đến nay vợ chồng bà phải thuê máy xúc để san ủi mặt bằng nên mảnh đất mới được bằng phẳng như hiện nay. Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết vụ án TAND huyện Tam Nông đã không thu thập chứng cứ cũng như không giải quyết vấn đề này. 

Không những vậy, VKSND tỉnh Phú Thọ cũng cho rằng, TAND huyện Tam Nông đã vi phạm trong tiến hành phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận công khai chứng cứ. Trong hồ sơ thể hiện Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án đã tiến hành 02 phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ. Tuy nhiên, xét 02 biên bản phiên họp lưu trong hồ sơ đều thấy phiên họp không được tiến hành theo đúng quy định tại Điều 210, 211 Bộ luật tố tụng dân sự 2015. Cụ thể, biên bản không có phần kiểm tra việc tiếp nhận, giao nộp, công khai chứng cứ; Thẩm phán cũng không công bố các tài liệu, chứng cứ đã được đương sự giao nộp và được Tòa án thu thập trong hồ sơ vụ án. 

Đáng chú ý, chứng cứ quan trọng của vụ án là Biên bản họp gia đình ngày 14/8/1989, nhưng Thẩm phán không hỏi quan điểm của các bên đương sự đối với chứng cứ này. Còn đối với chứng cứ do Tòa án thu thập là kết quả xem xét thẩm định tại chỗ diện tích đất tranh chấp và kết quả định giá cũng không được Thẩm phán đưa ra để thông báo và hỏi quan điểm của các đương sự.

Về việc áp dụng thời hiệu, VKSND tỉnh Phú Thọ khẳng định, Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án này đã không giải thích rõ ràng để một hoặc các bên đương sự đề nghị áp dụng thời hiệu, nhưng trong bản án lại nhận định về thời hiệu là chưa tuân thủ quy định tại khoản 2 Điều 149 Bộ luật Dân sự.

Ngoài ra, việc bản án sơ thẩm nhận định cụ Thưởng là người quản lý khối tài sản của cụ Chi cho đến khi cụ Thưởng chết là chưa phù hợp với thực tế, vì các đương sự đều thừa nhận vợ chồng bà Hiền ở cùng với cụ Thưởng từ năm 1989 đến nay. 

Hơn nữa, bản án sơ thẩm cũng không giải quyết về khoản tiền chi phí định giá là vi phạm quy định về chi phí giám định, định giá…trong tố tụng. 

Theo đó, TAND huyện Tam Nông đã vi phạm nghiêm trọng trong việc thu thập chứng cứ, áp dụng thời hiệu để giải quyết vụ án, dẫn đến bản án sơ thẩm chưa giải quyết triệt để các nội dung của vụ án. Những vi phạm này không thể khắc phục được ở cấp phúc thẩm.

Do đó, VKSND tỉnh Phú Thọ quyết định kháng nghị Bản án DSST số 08/2017/DS-ST ngày 15/5/2017 của TAND huyện Tam Nông theo thủ tục phúc thẩm. Đề nghị TAND tỉnh Phú Thọ xét xử phúc thẩm vụ án theo hướng hủy toàn bộ Bản án DSST số 08, giao cho TAND huyện Tam Nông xét xử lại. 

Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc về vụ án này.

Đọc thêm