TAND TP Long Khánh: 7 năm chưa xử nổi vụ tranh chấp “cỏn con”

(PLVN) - Một vụ tranh chấp ranh đất giữa hai nhà với diện tích vỏn vẹn có 23m2, nhưng kéo dài đến 7 năm. Các đương sự chưa một lần được “hầu tòa” đúng nghĩa vì vụ án hết tạm đình chỉ, hoãn, lại đến đình chỉ. Thẩm phán thụ lý vụ án có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng tố tụng.
TAND TP Long Khánh, nơi bị tố “ngâm tôm” vụ kiện cỏn con suốt 7 năm
TAND TP Long Khánh, nơi bị tố “ngâm tôm” vụ kiện cỏn con suốt 7 năm

Tạm đình chỉ giải quyết vụ án kiểu “tùy hứng”

Theo hồ sơ vụ án, vào tháng 7/2013, ông Nguyễn Thành Vân (SN 1955, ngụ tổ 13, khu phố Núi Đỏ, phường Bàu Sen, TP Long Khánh, tỉnh Đồng Nai) khởi kiện đến tòa án vì cho rằng hàng xóm là bà Văn Thị Tỵ (SN 1948, chị vợ ông Vân) tự ý phá ranh, lấn chiếm sang đất nhà ông 23m2.

Đơn khởi kiện, ông Vân trình bày: Năm 1982, vợ chồng ông được cha mẹ vợ cho thửa đất số 233, tờ bản đồ số 13, tại tổ 13, ấp Núi Đỏ (nay là khu phố Núi Đỏ, phường Bàu Sen) và được “sổ đỏ” năm 1997. Bà Tỵ là chủ thửa đất 234 kế bên đã nhiều lần lấn ranh sang đất nhà ông. Đỉnh điểm năm 2013, bà Tỵ lấn sang khoảng 1,6m ngang mặt tiền. Theo đo đạc, phần diện tích lấn chiếm là 23m2. Ông Vân yêu cầu bà Tỵ tháo dỡ công trình lấn chiếm, trả lại đất cho ông. 

Về phía bà Tỵ thì phản tố, nói không lấn chiếm đất, yêu cầu tòa bác đơn của ông Vân.

Thẩm phán được phân công thụ lý, giải quyết vụ án là bà Trương Thị Thùy Trang. Sau khi thụ lý, ngày 17/3/2014, các đương sự được lấy lời khai. Cả nguyên và bị đơn đều yêu cầu như trên. 

Ngày 7/5/2014, tòa tiến hành thẩm định giá tài sản tại chỗ với phần đất và tài sản trên đất tại nơi đang tranh chấp. Nhưng đến ngày 20/5/2014, Thẩm phán Trang ra quyết định tạm đình chỉ vụ án với lý do chờ kết quả đo vẽ, thẩm định giá.

Vụ án được thụ lý lại. Lại lấy lời khai của nguyên đơn, bị đơn.

Mãi tới ngày 15/9/2015, TAND TP Long Khánh (khi đó là TX Long Khánh) mới có công văn hỏi Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Đồng Nai – Chi nhánh Long Khánh (VPĐKĐĐ) về việc có sự chênh lệch về diện tích đất thực trạng sử dụng và diện tích đất được công nhận quyền sử dụng của ông Vân và bà Tỵ. 

Đến ngày 29/9/2015, vụ án bị tạm đình chỉ lần 2 với lý do đợi kết quả cung cấp tài liệu, chứng cứ của VPĐKĐĐ.

Ngày 10/12/2015, tức 3 tháng sau, VPĐKĐĐ mới có công văn phúc đáp việc chênh lệch là do cập nhật chỉnh lý biến động từ bản đồ cũ sang bản đồ mới vào năm 2006.

Mặc dù trước đây đã thẩm định tại chỗ, nhưng lần thứ 2 thụ lý lại vụ án, Thẩm phán Trang tiếp tục cho thẩm định tại chỗ thêm 1 lần nữa. Kết quả những tài sản trên đất không thay đổi gì so với lần thẩm định giá tại chỗ trước đây.

Phiên tòa không được mở mà tiếp tục thực hiện công khai chứng cứ và hòa giải vào ngày 11/8/2016. Hai bên vẫn không hòa giải được. Trong ngày này, TAND Long Khánh tiếp tục làm công văn hỏi VPĐKĐĐ về việc cấp “sổ đỏ” cho ông Vân và bà Tỵ có đúng trình tự thủ tục hay không? VPĐKĐĐ trả lời “cấp đúng quy định”.

Phiên tòa được mở xét xử lần đầu sau 3 năm thụ lý, vào ngày 28/9/2016. Tuy nhiên, các đương sự chưa được trình bày về phần đất tranh chấp thì phiên tòa tạm hoãn, lý do thiếu nhân chứng.

Không rõ vì lý do gì, vụ án bị “đứng hình” gần 1 năm sau mới được mở lại. Nhưng ngày 26/9/2017, phiên tòa tiếp tục bị tạm ngưng với lý do “cần phải xác minh, thu thập bổ sung tài liệu, chứng cứ”. 

Việc “bổ sung, thu thập tài liệu chứng cứ” gì thì trong quyết định không nêu cụ thể mà chỉ nói chung chung. Đến ngày 25/10/2017, Thẩm phán Trang ra quyết định tạm đình chỉ vụ án lần thứ 3 với lý do như đã nêu khi tạm ngưng phiên tòa ngày 26/9/2017.

Cha con ông Vân nhiều năm khốn khổ vì vừa bị lấn đất, vừa bị tòa gây khó dễ
Cha con ông Vân nhiều năm khốn khổ vì vừa bị lấn đất, vừa bị tòa gây khó dễ 

Bất ngờ bị đình chỉ, bất ngờ thụ lý lại

Theo chị Nguyễn Ngọc Thụy - người đại diện theo ủy quyền của ông Vân, một năm sau khi tạm đình chỉ lần thứ 3, vụ án lại khởi động. Gia đình tin tưởng vụ kiện sẽ được đưa ra xét xử, xem xét các chứng cứ công khai, tranh luận tại phiên tòa. 

Nhưng bất ngờ, ngày 15/01/2019, chị Thụy nhận được Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự số 82/2108/QĐ-TCTS ngày 29/11/2018. Lý do đình chỉ là do đã triệu tập 2 lần nhưng nguyên đơn vắng mặt.

Chị Thụy tố cáo, lý do đình chỉ của Thẩm phán Trang là hoàn toàn không đúng sự thật. “Lần thứ nhất tôi được mời vào ngày 21/11/2018. Tôi đến tòa nhưng không có mặt Thẩm phán Trang. Một nhân viên tòa án đã nhận giấy triệu tập và tôi ra về. Lần thứ 2, tôi được mời làm việc vào ngày 29/11/2018. Hôm đó, do tôi bệnh nặng, không thể đi lại được nên vắng mặt. Đó là lần duy nhất và có người làm chứng việc tôi vắng mặt vì bệnh nặng. Chúng tôi theo đuổi vụ kiện 6 năm trời, lần nào cũng có mặt thì không có lý gì được triệu tập mà không đến. Tôi nghi ngờ về động cơ của Thẩm phán Trang khi đình chỉ vụ án này”, chị Thụy nói.

Không đồng ý với việc đình chỉ, chị Thụy kháng cáo đến TAND tỉnh Đồng Nai. Ngày 10/02/2020, chị Thụy nhận được Thông báo thụ lý lại vụ án từ TAND TP Long Khánh.

Việc thụ lý lại cũng là một điều “kỳ lạ”. Bởi theo luật, khi chị Thụy kháng cáo thì TAND tỉnh Đồng Nai phải họp xem xét và ra “Quyết định hủy bỏ quyết định đình chỉ vụ án”. Quyết định này phải tống đạt cho các đương sự. Nhưng đến nay, chị Thụy không nhận được Quyết định này. Một sự vi phạm nghiêm trọng tố tụng hay có khuất tất gì phía sau? Vì trong Quyết định đó sẽ nêu rõ lý do tại sao hủy bỏ quyết định đình chỉ vụ án của Thẩm phán Trang. Từ đó, có cơ sở xem xét việc đình chỉ vụ án của Thẩm phán Trang là đúng hay sai để các đương sự có quyền tố cáo, khiếu nại.

Tìm hiểu về dấu hiệu vi phạm trong xử lý vụ kiện này, và những tố cáo của chị Thụy với Thẩm phán Trang, PV đã làm việc TAND TP Long Khánh. Ông Nguyễn Văn Chẩn - Chánh án TAND TP Long Khánh - nói: “Hiện Thẩm phán Trang không còn làm việc ở Tòa án Long Khánh nữa. Do đó, những vấn đề mà đơn tố cáo nêu thì tôi không có thẩm quyền xử lý. Thẩm quyền xem xét này thuộc về TAND tỉnh Đồng Nai. Còn vụ án thì chúng tôi mới được tòa tỉnh chuyển về và thụ lý có 15 ngày nên chưa thể nói gì được. Hiện vụ án do Thẩm phán Phan Anh Kiệt, Phó Chánh án TAND Long Khánh thụ lý”.

Vì sao vụ án này tình tiết rất đơn giản, nhưng lại bị lận đận “trời đày” như vậy? PLVN sẽ tiếp tục phản ánh trong các số báo tới.

Theo Luật sư (LS) Huỳnh Phước Hiệp (Đoàn LS TP HCM): “Việc tạm đình chỉ thì không có quy định bao nhiêu lần. Tuy nhiên, căn cứ các lần tòa tạm đình chỉ để hỏi VPĐKĐĐ thì có thể thấy khi xem xét hồ sơ, thẩm phán biết cần phải hỏi cơ quan nhà nước những việc gì. Chứ không thể cứ đưa ra xem xét rồi thấy thiếu cái này thì hỏi, hôm sau thiếu cái kia lại hỏi, mất thời gian”.

Theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự, thời gian đưa vụ án ra xét xử là 2 - 4 hoặc 6 tháng nếu vụ án phức tạp. Việc kéo dài, “ngâm tôm” vụ án đến 7 năm là coi thường pháp luật, vi phạm quy định của ngành Toà án, xâm phạm quyền lợi các đương sự”.

Về Quyết định hủy bỏ quyết định đình chỉ vụ án, LS Hiệp nói đương sự cần xin tiếp cận hồ sơ để xem có hay không? Nếu không có quyết định này là sai. Đương sự có thể tố cáo những hành vi này.

Đọc thêm