Tăng cường quản lý nhà nước về bồi thường nhà nước theo hướng chủ động, thực chất

(PLVN) -Đó là chỉ đạo của Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh tại Hội nghị Triển khai công tác bồi thường nhà nước năm 2022 diễn ra sáng 7/1.
Tăng cường quản lý nhà nước về bồi thường nhà nước theo hướng chủ động, thực chất

Đồng chủ trì Hội nghị là Cục trưởng Cục Bồi thường nhà nước Nguyễn Văn Bốn. Tham dự hội nghị còn có đại diện Văn phòng Bộ, Tổng Cục Thi hành án và toàn thể cán bộ, công chức, viên chức của Cục.

Theo báo cáo tại Hội nghị năm 2021, Cục Bồi thường nhà nước tổ chức theo dõi, đôn đốc giải quyết bồi thường đối với 96 vụ việc giải quyết bồi thường thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (trong đó 76 vụ việc được chuyển từ năm 2020 và 20 vụ việc mới phát sinh tính đến thời điểm 15/7/2021).

Bên cạnh đó, để đáp ứng yêu cầu của người bị thiệt hại, Cục đã tổ chức các đoàn Hỗ trợ trực tiếp người bị thiệt hại thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường tại 11 địa phương. Đồng thời, tiếp tục thực hiện phối hợp với Tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc hỗ trợ, hướng dẫn người bị thiệt hại thông qua việc thực hiện nhiệm vụ thuộc tổ chức mình.

Về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, Cục đã phối hợp với Tạp chí Dân chủ và pháp luật; Viện quyền con người, Học Viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Nhà xuất bản tư pháp và một số đơn vị có liên quan: in và phát hành Tạp chí chuyên đề “Cục Bồi thường nhà nước - 10 năm hoàn thiện thể chế và tổ chức thi hành”, Tạp chí chuyên đề Pháp luật về quyền con người”; xuất bản 02 cuốn Sách với số lượng 1.400 cuốn gồm: 550 cuốn sách Pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và 850 cuốn Cẩm nang giải quyết bồi thường trong hoạt động thi hành án dân sự; phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam, Truyền hình Quốc Hội, Báo Pháp luật Việt Nam thực hiện 03 tọa đàm về pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước…

Về công tác bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ công tác bồi thường nhà nước: Cục tổ chức được 06 Hội nghị tập huấn theo hình thức trực tuyến, ứng dụng công nghệ Zoom cho hơn 1.100 công chức được giao thực hiện công tác bồi thường nhà nước của các Sở, ban, ngành cấp tỉnh và Sở Tư pháp, phòng tư pháp tại 35 tỉnh, TP thuộc Trung ương bảo đảm hoàn thành kế hoạch công tác tập huấn năm 2021. Các Hội nghị tập huấn có số lượng đại biểu các địa phương tham dự đầy đủ và có trách nhiệm.

Trong năm 2022, Cục xác định một số nhiệm vụ trọng tâm như: Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nướcnăm 2017 và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành; hướng dẫn các bộ, ngành địa phương thực hiện các hoạt động sơ kết 05 năm triển khai thi hành Luật Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; đẩy mạnh, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý nhà nước công tác bồi thường nhà nước góp phần nâng cao tính tự chụ trong quản lý điều hành, theo dõi, đôn đốc kiểm tra và hướng dẫn nghiệp vụ kịp thời trong bối cảnh dịch bệnh; tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước đáp ứng yêu cầu thống nhất quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án trên phạm vi cả nước…

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh ghi nhận và biểu dương những kết quả mà Cục đã đạt được trong thời gian vừa qua.

Thời gian tới, Thứ trưởng mong muốn Cục tiếp tục phát huy nội lực, sức mạnh đoàn kết của tập thể; đưa mục tiêu công tác quản lí nhà nước về bồi thường nhà nước đi vào thực chất trong đó tập trung vào các khâu cụ thể như nghiên cứu và hoàn thiện pháp luật; phổ biến, truyền thông pháp luật; tổ chức thực hiện; kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện.

Về nhiệm vụ, giải pháp, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh đề nghị Cục tập trung 5 nhóm giải pháp sau: Thứ nhất, bám sát chương trình hành động của Ban Cán sự Đảng và lãnh đạo Bộ trong thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng XIII; thứ hai, trong xây dựng và triển khai kế hoạch công tác bồi thường nhà nước 2021-2022 cần gắn với việc thực hiện công tác theo dõi, đánh giá tình hình khu vực; thứ ba, trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật phối hợp chặt chẽ với Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật để có đổi mới về tổ chức và hình thức; thứ tư, tiếp tục xây dựng, phát huy hiệu quả Trung tâm Hỗ trợ thực hiện quyền yêu cầu bồi thường; thứ năm, chú trọng công tác phối hợp trong Bộ, liên ngành và cơ sở để thực hiện thành công nhiệm vụ. Cùng đó, số hóa các tài liệu, ấn phẩm tuyên truyền pháp luật về BTNN đưa lên Cổng TTĐT Phổ biến giáo dục pháp luật Quốc gia.

Nhân dịp này, Hội nghị đã công bố Quyết định và trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho tập thể và cá nhân đạt thành tích trong công tác năm 2021.

Đọc thêm